ĐỜI SỐNG

Bài học nào từ vụ 40 người trở về từ casino Campuchia?

Minh Trung • 22-08-2022 • Lượt xem: 229
Bài học nào từ vụ 40 người trở về từ casino Campuchia?

Vụ việc hơn 40 người vượt sông nhằm thoát khỏi “địa ngục trần gian” ở casino Campuchia là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai tin vào những lời dụ ngon ngọt của câu nói “việc nhẹ lương cao”. Vậy làm sao để nhận diện các dấu hiệu lừa đảo từ những kẻ chuộc lợi? Câu trả lời đến từ các cách kiếm tiền mà họ giới thiệu. Cùng tìm hiểu các “việc nhẹ lương cao” đang được “chào mời” trong thời gian gần đây nhé.

Đầu tư sinh lời 

Nở rộ từ giữa 2017, hình thức mua gói đầu tư để hưởng hoa hồng hàng tháng đã chiếm được lòng tin rất nhiều người. Mỗi tháng người gửi sẽ được hưởng từ 20% - 30% tùy vào gói đầu tư, nếu giới thiệu người mới thì sẽ được thêm tiền hoa hồng. Đây là quảng cáo để chiêu mộ các con mồi sập bẫy. Các ứng dụng hay sàn giao dịch được thiết kế bắt mắt để chiếm trọn lòng tin của khách hàng. Tuy nhiên, sau vài tháng, người gửi sẽ không thể rút tiền ra, và nhiều người phải nộp tiền thêm với lời hứa sẽ rút tiền được. 

Vậy đâu là cơ hội cho những người mong muốn “không làm nhưng vẫn có lãi”? Với mức lợi nhuận cao không tưởng (200%/năm), các tổ chức làm cách nào để trả lãi cho người dùng? Đó là hai câu hỏi lớn mà mỗi chúng ta nên tìm hiểu khi được ai đó giới thiệu một công việc tương tự thế này. 

Yêu cầu chuyển tiền để phục vụ mục đích rất hợp lí 
Cuộc gọi với nội dung thanh toán tiền để nhận quà tặng từ công ty (thường là thiết bị điện gia dụng), hoặc thanh toán khoản thuế để nhận tiền và quà từ người nước ngoài là chiêu trò được các đối tượng vẫn đang dùng và thu lại hiệu quả cao. Tin vào món hời hiếm có này, nhiều người đã thanh toán hoặc chuyển khoản ngân hàng luôn mà không lên mạng để tìm hiểu những thông tin tương tự, vì những vụ việc này đã được đăng tải cũng như được phía cơ quan công an cảnh báo rất nhiều. 

Bên cạnh đó, gần đây, những cuộc gọi liên quan tới việc xử lí các vi phạm pháp luật cũng đang được nhiều đối tượng áp dụng và gây ra nhiều vụ chiếm đoạt tài sản. Theo đó, các đối tượng sẽ giả danh viện kiểm sát hoặc công an giao thông để thông báo về việc ai đó đang vi phạm và phải chuyển tiền để đóng băng tài sản. Đánh trúng tâm lý sợ hãi, không muốn dây dưa với pháp luật, nhiều người đã nhẹ dạ và làm theo những yêu cầu vô lý từ chúng. Nhiều người không biết rằng, cơ quan nhà nước chỉ làm việc trực tiếp, chưa áp dụng các hình thức làm việc qua điện thoại. Trong trường hợp muốn làm việc với ai đó, cơ quan nhà nước phải gửi thư mời đến nhà để mời người dân tới cơ quan để làm việc. 

Môi trường việc nhẹ lương cao 

Với lời chào mời “không cần bằng cấp, kinh nghiệm, lương cao”, những kẻ lừa đảo dễ dàng tiếp cận với nhóm đối tượng đang tìm việc một công việc đúng với lời quảng cáo. Tuy nhiên, họ đâu biết rằng, để có được một công việc với mức lương cao, kinh nghiệm và chuyên môn là điều bắt buộc. Do đó, hãy tìm hiểu về nơi làm việc, ngành nghề đó trước khi quyết định làm việc chính thức nhé. 

Hi vọng với những dấu hiệu lừa đảo bên trên, mỗi người sẽ nhận biết và hạn chế việc trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ lừa đảo. Đừng để lòng tham, sự sợ hãi và lười nhác có trong mỗi con người chúng ta bị lợi dụng.