Thể thao

Băng tan kỷ lục tại đảo lớn nhất thế giới

Ngọc Nga • 09-08-2019 • Lượt xem: 7756
Băng tan kỷ lục tại đảo lớn nhất thế giới

Chỉ trong tháng 7/2019, đảo băng Greenland (Đan Mạch) đã tan hết 197 tỷ tấn băng, mức băng tan kỷ lục được ghi nhận trong lịch sử. Lượng băng tan này đủ khiến mực nước biển trung bình toàn cầu tăng thêm 0,5mm. Đặc biệt, chỉ riêng ngày 1/8, băng nơi đây đã tan 12,5 tỷ tấn, cao nhất trong gần 100 năm nay.

Tin, bài liên quan:

Chặn ánh sáng Mặt Trời để giảm biến đổi khí hậu

Hiếm gặp: Hóa thạch trong hóa thạch khủng long 4 cánh 125 triệu năm

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, tháng 7/2019 là tháng nóng nhất trong lịch sử. Đợt nắng nóng khủng khiếp ở châu Âu này đã khiến băng ở Greenland tan chảy với mức kỷ lục: 197 tỷ tấn băng trong 1 tháng. Đặc biệt, ngày 1/8 vừa qua là ngày tồi tệ nhất với thềm băng Greenland, khi 12,5 tỷ tấn băng hòa vào nước biển, cao nhất trong gần 100 năm nay. Tình trạng này đang báo động về ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo nghiên cứu của Viện Khí tượng Đan Mạch, ở nhiều khu vực của Greenland, băng tan thêm 10 ngày so với trung bình mùa hè, có nơi băng tan thêm 20 ngày. Bên cạnh đó, mực nước biển ở Greenland cũng đang ở mức cao kỷ lục khi khối lượng băng tan luôn lớn hơn lượng tuyết rơi kể từ năm 1990.

Trước đó, vào năm 2012, 97% các dải băng ở Greenland trải qua quá trình tan chảy. Năm nay, dù chỉ có 56% khối băng tan chảy, nhưng nhiệt độ lại cao hơn đợt nắng nóng năm 2012 từ 8 – 11 độ C. Theo Washington Post, lượng băng tan chảy trong tháng 7 đủ để nâng mực nước biển trung bình toàn cầu thêm 0,5 mm.

TS Tom Mote, chuyên gia môi trường học của ĐH Georgia cho biết trong năm trong 10 năm trở lại đây, diện mạo Greenland khác hẳn những gì nhìn thấy từ vệ tinh những năm 1970. “Nếu tính cả thập kỷ, tổng lượng băng tan của Greenland trong 10 năm qua cũng là cao nhất của lịch sử", ông khẳng định.

Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với 82% bề mặt là băng - giữ vai trò quan trọng trong hệ thống biển đại dương toàm cầu. Các nhà khoa học ước tính nếu toàn bộ lượng băng trên đảo Greenland tan chảy, mực nước biển toàn cầu có thể tăng đến 7m, gây nhiều hệ lụy đến hệ sinh thái đại dương.

Về lâu dài, tình trạng biến đổi khí hậu qua quá trình băng tan sẽ kéo theo những cơn bão mạnh, gây ngập lụt kéo dài và hàng triệu “người tị nạn” vì khí hậu. Dự kiến, nhiệt làm tan băng có thể khiến nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới không thể sinh sống được trong một vài khoảng thời gian trong năm. Sự nóng lên toàn cầu này trùng hợp với việc nồng độ carbon dioxide trong khí quyển tăng mạnh, đến mức chưa từng thấy trong 800.000 năm qua.