Bánh mì Sài Gòn đã để lại thương nhớ của biết bao nhiêu người bởi hương vị, sự đa dạng và bình dân. Nó như điểm nhấn ẩm thực thu hút biết bao nhiêu người, làm người ta cứ ăn rồi lại ăn tiếp, ngày này tháng nọ như một cách lưu giữ nhịp sống phố phường.
Nếu sáng nào kia khi trời trở lạnh, ta cắn một miếng bánh mì giòn tan ở Hà Nội, lại nhớ hương vị nguội nguội thơm thơm của bánh mì ở Sài Gòn. Ôi bốn chữ Bánh Mì Sài Gòn cứ văng vẳng từ trong tiềm thức, dẫu ở trời Tây xa xôi sao lòng vẫn nao nức. Nao nức nhớ đôi mắt đầy vết chân chim của cô Ba nơi góc phố quen quận Một, cả đời tần tảo với xe bánh mì mà nuôi ba đứa con ăn học nên người. Rồi lại nao nao nhớ, bóng dáng anh Tây cao nghều mỗi sáng vẫn đứng xếp hàng chờ mua một ổ bánh mì Sài Gòn, để thưởng thức xem cái hương vị của thành phố nắng nắng mưa mưa này nó ra sao.
Nét đẹp ẩm thực giữa phố phường
Bánh mì là một trong những món ăn gần gũi và quen thuộc với bất kỳ người Sài Gòn nào, chúng có mặt ở bất kỳ đâu từ những xe bánh nhỏ nằm sâu trong hẻm cho đến những cửa hàng bày bán sang trọng. Tôi nhớ mãi hình ảnh những cô những dì vẫy vẫy tay bên những xe đẩy bán bánh mì rong nơi dọc đường Điện Biên Phủ, nơi mỗi sáng đều đặn dẫn hàng đoàn người nối nhau từ Biên Hòa, Bình Dương, Thủ Đức… tiến về trung tâm Sài Gòn để làm việc. Và trong số ấy, rất nhiều người dừng xe để chào đón bữa sáng bằng một ổ bánh mì thịt heo, hoặc bánh mì chà bông, hay bánh mì chả lụa, rồi bánh mì trứng… mỗi người mỗi kiểu ăn, nhưng đều không né được hai chữ “bánh mì”. Không chỉ đường Điện Biên Phủ, nối lên quận Ba, quận Một, quận Năm… không thiếu những xe bán bánh mì mỗi sáng, mỗi chiều, mỗi tối, mỗi khuya.
Giờ đây, bánh mì không chỉ đơn thuần là một món ăn khoái khẩu hằng ngày, mà đây còn là niềm tự hào về ẩm thực đường phố Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Bánh mì là một trong những món ăn đường phố đặc trưng của văn hóa ẩm thực Việt Nam. Vốn có nguồn gốc giống với bánh mì baguette do người Pháp du nhập vào nước ta từ nhiều thế kỷ trước, sau nhiều thăng trầm thay đổi, người Sài Gòn đã chế biến chúng cho phù hợp với thói quen ăn uống của dân Việt để tạo nên kiểu bánh mì nhỏ nhắn và rỗng ruột như hiện nay.
Với mỗi phần bánh mì sẽ gồm phần vỏ bánh mì bên ngoài nóng, giòn và phần nhân rỗng ruột để người bán có thể tùy ý thêm vào bên trong đa dạng các nguyên liệu, gia vị khác nhau. Tùy theo từng loại nhân khác nhau, chúng ta sẽ có tên gọi của món bánh mì tương ứng, ví dụ như bánh mì trứng ốp la, bánh mì thịt nướng, bánh mì chả cá... Ngoài thành phần chính, bánh mì sẽ còn được thêm đa dạng các nguyên phụ liệu khác như patê, rau thơm, ớt, đồ chua... để phù hợp khẩu vị mỗi người hoặc mỗi vùng miền.
Nói đến văn hóa ẩm thực truyền thống của nước ta thì vô cùng đa đạng, phong phú từ nguyên vật liệu cho đến cách chế biến. Tuy nhiên, nhắc đến một món ăn gần gũi, đảm bảo được tiêu chí “ngon – bổ - rẻ” thì chắc chắc không thể không kể đến bánh mì. Đảm bảo đầy đủ các tiêu chí như giá cả phải chăng, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, tiện lợi khi sử dụng... đã giúp bánh mì trở thành lựa chọn hàng đầu của hầu hết mọi người, từ dân văn phòng cao cấp cho đến học sinh, sinh viên, người lao động thu nhập thấp.
Món ăn khiến người ta khó quên
Nhiều khách nước ngoài cho rằng một trong những điểm đặc biệt thu hút của bánh mì Việt Nam chính là nhờ thành phần món ăn luôn đa dạng từ các loại nem chả cho đến những món ăn kèm như pate béo ngậy, đồ chua... giúp cân bằng hương vị. Đồng thời, phần vỏ bánh luôn được giữ độ nóng hổi, giòn tan như lúc mới ra lò, đảm bảo hương vị ban đầu.
Nhiều trang tin quốc tế uy tín dần nhắc đến thường xuyên hơn về bánh mì như một món ăn đường phố thơm ngon, độc đáo của Việt Nam. Từ đây, nhiều tiệm bánh mì bắt đầu nổi danh và thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong, ngoài nước tìm đến thưởng thức. Có thể kể đến một số tiệm bánh mì nổi tiếng như bánh mì Huỳnh Hoa, Như Lan, Bảy Hổ…
“Bánh mì ở đây rất rẻ, đặc biệt thơm ngon hơn cả bánh mì ở quê hương chúng tôi. Điều tôi thích ở bánh mì này là chúng có rất nhiều thịt và pa tê ở bên trong, tôi thấy hương vị của chúng rất tuyệt, những loại rau ăn kèm cũng rất ngon" - Một du khách người Thụy Điển chia sẻ cảm nhận sau khi thưởng thức món bánh mì Việt Nam.
Ngày 24/3/2011, từ Banh Mi (Bánh Mì) đã chính thức có mặt trong từ điển Oxford và được báo giới quốc tế công nhận rằng bánh mì Việt Nam là một trong những thức ăn đường phố ngon nhất thế giới.
Một số địa điểm bán bánh mì nổi tiếng tại Sài Gòn
Để thưởng thức một cách trọn vẹn hương vị của món bánh mì Việt Nam, chắc chắn bạn không thể bỏ lỡ những tiệm bán bánh mì trứ danh dưới đây:
Bánh mì Huỳnh Hoa: 26 Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM. Mở cửa từ 13g00 đến 00g00.
Bánh mì Bảy Hổ: 19, Huỳnh Phương Ninh, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM. Mở cửa từ 7g00 cho đến 9:00 sáng và 13g00 cho đến 20g00 tối.
Bánh mì cóc: Vỉa hè 38 Nguyễn Thái Sơn, Phường 3, quận Gò Vấp. Mở cửa từ 5g00 đến 20g30.
Bánh mì Hòa Mã: 53 Cao Thắng, Quận 3, TP.HCM. Mở cửa từ 7g00 đến 10g00.
Bánh mì thịt nướng Nguyễn Trãi: 37 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, Quận 1. TP.HCM. Mở cửa từ 17g00 đến 19g30.
Bánh mì Như Lan: 50 Hàm Nghi, phường Bến Nghé, Quận 1. Mở cửa từ 5g00 – 00g00.