ĐỜI SỐNG

Báo động tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em và lao động trẻ gia tăng

Nguyễn Hậu • 15-07-2023 • Lượt xem: 1147
Báo động tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em và lao động trẻ gia tăng

Tại Việt Nam hiện có khoảng gần 14 triệu người đến 36 triệu người tương đương khoảng từ 15% - 40% dân số mắc tật khúc xạ và đang ngày càng gia tăng chủ yếu ở trẻ em và lao động trẻ.

Ngày 26 -5 vừa qua tại bệnh viện mắt Quốc tế DND đã diễn ra hội thảo khoa học về phẫu thuật tật khúc xạ - cập nhật các kỹ thuật mới trên thế giới. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia nhãn khoa hàng đầu đến từ những bệnh viên, trung tâm y tế khu vực phía Bắc.

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Như Quỳnh

Chia sẻ bên lề hội nghị ThS.BS Đặng Thị Như Quỳnh, Phó giám đốc bệnh viện mắt Quốc tế DND cho biết: Trước đây chỉ những ngày cuối tuần, dịp nghỉ hè, dịp nghỉ trước tết cha mẹ mới đưa con đi khám nhiều. Kể từ sau dịch Covid-19 đến nay, số trẻ đến khám do mắc các tật khúc xạ có xu hướng tăng lên kẻ cả ngày thường cũng rất đông.

Trẻ mắc tật khúc xạ gia tăng.

Qua các buổi khám mắt tại một số trường học trong nội thành Hà Nội, các bác sĩ phát hiện thêm gần 10% trẻ mắc tật khúc xạ, đặc biệt có lớp có đến 65% học sinh đeo kính. Theo các bác sĩ tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ gia tăng sau một thời kỳ trẻ phải học online tại nhà không được giải trí ngoài trời. Theo các bác sĩ nguyên nhân gây nên tật khúc xạ ở trẻ chủ yếu gồm: nhìn gần tập trung trong thời gian dài vào các hoạt động như xem điện thoại, xem tivi, chơi game... Thường xuyên ngồi học trong tư thế không đúng, cúi sát mặt vào bàn học hoăc học tập trong môi trường ánh sáng không đủ... Ngoài những nguyên nhân kể trên thì có tỷ lệ rất nhỏ là do di truyền từ cha mẹ hoặc do cấu trúc bất thường của thủy tinh thể và giác mạc.

Tuấn Anh, nhân viên thiết kế đồ họa.

Tuấn Anh, nhân viên thiết kế đồ họa làm việc liên tục khoảng 15 tiếng mỗi ngày chỉ trong 2 năm trở lại đây mắt anh đã bị cận thêm tăng lên tới 4 đi-ốp. Tuấn Anh chỉ là một trong số rất rất nhiều người đang phải làm việc với máy tính hàng ngày phải đối mặt với tình trạng gia tăng tật khúc xạ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết: “Chỉ cần tiếp xúc với ánh sáng xanh trên 3 giờ mỗi ngày sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực đến 90%. Nếu không phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, người mắc tật khúc xạ sẽ có nguy cơ bị nhược thị”.

Hình minh họa.

Theo chuyên gia khúc xạ thuộc Viện thị giác Brien Holden cho biết: "Tại Việt nam tỷ lệ tật khúc xạ chiếm khoảng 15-40% tương đương khoảng 14-36 triệu người trong đó cận thị chiếm 70%. Ước tính đến năm 2050 có khoảng 9,8% tương đương 4 tỷ người trên thế giới chủ yếu là trẻ em và lao động trẻ có thể gặp phải tật khúc xạ ở mắt”.

Theo các bác sĩ phẫu thuật là một phương pháp điều trị bệnh tật khúc xạ tuy nhiên chỉ áp dụng đối với người trên 18 tuổi không áp dụng được đối với trẻ em vì trẻ vẫn phát triển về tổ chức nhãn cầu, tật khúc xạ vẫn tiến triển, nếu phẫu thuật thì nguy cơ tái cận rất cao. Vì thế để tật khúc xạ không diễn tiến nặng hơn cha mẹ cần cho trẻ đi khám định kỳ, dùng một số thuốc ức chế điều tiết mắt hay đeo kính áp tròng ban đêm… Ngoài ra để phòng tránh tật khúc xạ tốt nhất là thay đổi thói quen sinh hoạt, không lạm dụng các thiết bị điện tử, tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn.