ĐỜI SỐNG

Bạo lực gia đình, nỗi đau âm ỉ cần được chữa lành

Trọng Nghĩa • 22-11-2023 • Lượt xem: 1891
Bạo lực gia đình, nỗi đau âm ỉ cần được chữa lành

Nạn bạo lực phụ nữ hiện nay vẫn đang gia tăng một cách chóng mặt, để có thể giảm bớt và xóa bỏ tình trạng này, Liên Hợp Quốc đã bầu chọn ngày 25/11 là Ngày Quốc tế chống bạo lực đối với phụ nữ như một tia sáng, là lời hứa của sự đổi mới, là cầu nối cho chúng ta điều chỉnh lại xã hội đang ngày càng lạm dụng nam quyền.

Vì sao 25/11 được gọi là ngày Quốc tế xóa bỏ nạn bạo lực với phụ nữ?

Mỗi năm, cứ đến ngày 25/11, cộng đồng Quốc tế đều kêu gọi đồng lòng trong chiến dịch phản đối và ngăn chặn bạo lực gia đình. Ngày lễ kỷ niệm Quốc tế nhằm tưởng nhớ 16 nạn nhân vô tội đã mất trong một bi kịch bạo lực tại Cộng hòa Dominica vào năm 1960.

Dựa theo báo cáo điều tra quốc gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở cấp độ toàn cầu về bạo lực đối với phụ nữ được công bố năm 2020, có một thực tế đáng “báo động” về tình hình an sinh xã hội. Trong 3 người phụ nữ, có gần 2 người (tỷ lệ gần 64%) từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về tinh thần hoặc thể xác, những hành vi này được thực hiện từ sau khi kết hôn hoặc trong quá trình tìm hiểu giữa các thế hệ thanh niên trẻ. 

Hình minh họa

Thống kê từ Vụ Gia đình, thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chỉ ra rằng 74% nạn nhân từ các vụ bạo lực gia đình được phát hiện là phụ nữ, trong đó có khoảng 11% là trẻ em vị thành niên. Những vấn đề này đặt ra các quy tắc lớn đối với an ninh xã hội và quyền chính trị, đồng thời là điểm nhấn cần thiết của các biện pháp ngăn chặn và giảm bớt vấn đề này trong cộng đồng.

Chị M.A (25 tuổi, ngụ tại TP.HCM) chia sẻ: “Nạn bạo lực vẫn còn xuất hiện ngay trong chính gia đình tôi, khi ba và mẹ tôi đã gần 50 tuổi nhưng chỉ vì những bất đồng trong cuộc sống đã khiến cho họ không ở chung với nhau gần 15 năm nay. Ba mẹ tôi thường xảy ra những xích mích và đỉnh điểm là đã đụng tay, đụng chân với nhau. Đến lúc mẹ tôi không muốn nhẫn nhịn nữa đã vùng lên đánh trả, hiện tại tôi vẫn rất muốn chính quyền can thiệp nhưng gia đình ngăn cản vì đó được gọi là “việc riêng” nên tôi cũng đành bất lực nhìn tình trạng ngày càng tệ hơn”.

"Văn hóa"...  "đánh vợ, dạy con" đã quá lạc hậu

Theo PGS.TS. Phạm Quỳnh Phương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, bạo lực gia đình tại Việt Nam đôi khi lại được bọc bởi tấm áo tình yêu. "Hành động đánh đập được lý giải và biện minh bằng những lý do như muốn giúp con và vợ trở nên tốt hơn, vì lòng yêu thương, quan tâm và trách nhiệm".

PGS.TS. Phương nhấn mạnh: "Nó chỉ được trang trí bằng ngôn ngữ có tính mỹ thuật mà các đấng nam nhi đầu "đội trời, chân đạp đất" vẽ ra nhằm tạo một bức tranh của sự yêu thương nhằm xóa bỏ cái mác... vũ phu". 

Theo chị L.P (20 tuổi) cho biết: "Thế hệ của tụi em bây giờ mà mang tư tưởng "dạy vợ" là sai lầm. Bởi chúng em có đủ kiến thức để hiểu biết thế nào là bình đẳng giới, cá nhân em nếu rơi vào trường hợp bị bạo lực em sẽ lên tiếng dù việc đó có là những hành động nhỏ nhất".

Anh H.N (30 tuổi, sống tại TP.HCM): "Mình thuộc tầng lớp giao thoa với thế hệ cũ, mình đã chứng kiến nhiều nạn bạo lực với phụ nữ từ lúc còn nhỏ. Bản thân mình cũng thấy điều đó thật sự là không thể chấp nhận được với cánh mày râu, hiện tại mình đã có gia đình nhưng người "chủ" gia đình lại là bà xã mình".

Đừng vung tay, hãy cầm tay

Xóa bỏ bạo lực với phụ nữ đòi sự đồng lòng và nỗ lực từ cộng đồng toàn cầu, đây không chỉ là một mục tiêu đơn thuần, mà là một cam kết, là sự tôn trọng đối với quyền của mọi phụ nữ sống trong môi trường an toàn và bình đẳng. 

Hình minh họa

Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần một cuộc cách mạng ý thức, nơi mà kiến ​​thức về quyền lực, giáo dục và tình thương lan tỏa mạnh mẽ. Phải có sự hỗ trợ từ chính trị, văn hóa và xã hội để loại bỏ những kiến ​​trúc định nghĩa và xây dựng một cộng đồng tôn giáo và chia sẻ. Xóa bạo lực với phụ nữ không chỉ là một mục tiêu tại địa phương mà là một cam kết toàn cầu. Mỗi người trong chúng ta cần đồng lòng và tay trong tay để xây dựng một thế giới nơi mọi phụ nữ được có được công bằng, bình đẳng.

Ảnh: Freepik