ĐỜI SỐNG

Bảo vệ da và mắt trước chỉ số tia cực tím tăng cao

Lan Hương • 06-05-2023 • Lượt xem: 5495
Bảo vệ da và mắt trước chỉ số tia cực tím tăng cao

Ánh nắng mặt trời rất cần thiết cho sự sống, tuy nhiên trong ánh nắng mặt trời lại chứa nhiều tia cực tím. Khi nồng độ tia cực tím cao có thể gây hại cho da và mắt chúng ta nếu không được bảo vệ.

Thời tiết gay gắt trên địa bàn nhiều tỉnh thành cả nước những ngày vừa qua khiến chỉ số tia cực tím đạt ngưỡng cao đến rất cao. Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, chỉ số tia UV tại nhiều tỉnh thành hiện nay đã đạt ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (từ 9 – 12) trong khoảng thời gian từ 10 – 13 giờ.

Thời tiết nắng nóng gay gắt đang hoành hành trên nhiều địa bàn tỉnh thành cả nước.

Thế nào là chỉ số tia cực tím?

Tia UV (tia cực tím, tia tử ngoại) là loại tia có trong ánh sáng mắt trời. Chúng gây hại đến bề mặt da, mắt, giảm sức đề kháng cơ thể khi tiếp xúc trực tiếp ở cường độ cao.

Chỉ số tia UV hay còn gọi là chỉ số tia cực tím, là phép đo tiêu chuẩn quốc tế về độ mạnh của bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời. Nếu chỉ số bức xạ UV càng lớn, thì khả năng gây hại cho da và mắt càng cao.

Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ - EPA cho biết, chỉ số UV trong khoảng 0 – 2 là thấp. Chỉ số UV từ 7 – 10 sẽ khiến da bị bỏng trong 30 – 60 phút. Chỉ số UV từ 11 trở lên là đạt ngưỡng rất cao và nguy hiểm, có thể gây tổn thương da và mắt nếu tiếp xúc với ánh nắng này trong vòng 15 phút mà không được che chắn hay bảo vệ. Chỉ số UV đạt mức 13 là mức cực đại và cực kỳ nguy hiểm.

Khi chỉ số tia cực tím càng cao, nguy cơ gây tổn thương cơ thể càng lớn. Cường độ tia cực tím có thể thay đổi vào các mùa trong năm, tuy nhiên với sức khỏe của da và mắt thì có thể bị ảnh hưởng vào bất cứ thời điểm nào, đặc biệt là những tháng hè.

Tác hại của tia cực tím đến mắt của chúng ta

Tia cực tím gây ảnh hưởng nhiều nhất cho mắt nếu không được đeo kính bảo hộ, Bác sĩ Phạm Văn Tiến (Bv Quân y 103) cho biết. Khi đó, tia nắng sẽ phá hủy các tế bào bao bọc mắt, nhất là khi ánh nắng bị phản chiếu dội lên từ xi măng, cát hay nước.

Sau khi mắt bị tia cực tím chiếu trực tiếp vào, trong khoảng 6 – 15 giờ người bệnh sẽ có những biểu hiện rối loạn thị giác như: Giảm thị lực, nhìn thấy quầng bao quanh các nguồn sáng. Tiếp đến là cảm giác như có dị vật trong mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt… Thông thường, nếu chiều hướng tiến triển tốt thì các triệu chứng trên sẽ tự khỏi sau 8 giờ.

Tuy nhiên, trong trường hợp cơ thể tiếp xúc lâu dài với ánh nắng cường độ cao, tia cực tím sẽ gây ra các bệnh nặng hơn cho mắt như đục thủy tinh thể, suy hoại võng mạc, lòa và nặng hơn có thể dẫn đến mù mắt.

Mắt là cơ quan dễ bị tác động từ tia cực tím khi tiếp xúc thường xuyên mà không được bảo vệ.

Tia cực tím có hại cho làn da không?

Các chuyên gia cho biết, tia cực tím A và B (UVB, UVB) chính là nguyên nhân gây lão hóa da. Nếu tiếp xúc quá lâu với ánh nắng gay gắt da có thể bị bỏng, da đen, khô sạm, nhăn nheo, lão hóa.

Khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu sẽ gặp phải rất nhiều tác hại. Về ảnh hưởng trực tiếp, da sẽ bị bỏng nắng (còn gọi là cháy nắng) ở nhiều mức độ. Nhẹ thì ửng đỏ, nóng rát, trường hợp nặng hơn da sẽ phồng rộp và hình thành bọng nước vô cùng khó chịu.

Làn da bỏng rát khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá lâu.

Nếu tiếp xúc với tia cực tím cường độ cao và lâu dài có thể làm các tế bào da bị chết, các hoạt chất di truyền của da bị thay đổi. Từ đó gây ra đột biến hay hư hỏng gene, làm gia tăng nguy cơ ung thư da.

Làm gì để bảo vệ da và mắt trước chỉ số tia cực tím tăng cao

Nắng nóng kết hợp với chỉ số tia cực tím tăng cao gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, nhất là những người phải làm việc ngoài trời và những nơi có nhiệt độ nóng bức. Vì vậy để phòng tránh tác hại của tia UV gây hại cho cơ thể, cần tích cực bảo vệ da và mắt nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Việc phòng ngừa ánh nắng mặt trời hay cụ thể hơn là tia cực tím nên bắt đầu từ tuổi nhỏ và ở mọi lúc mọi nơi.

+ Hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, tránh tiếp xúc với ánh nắng quá lâu, đặc biệt trong khoảng thời gian nắng cao độ từ 10 – 16 giờ.

+ Cần mặc quần áo dài tay, váy chống nắng che kín cơ thể khi buộc phải ra ngoài dưới trời nắng. Lưu ý nên chọn quần áo màu sáng để tránh bắt nắng.

+ Đội mũ vành rộng, đeo kính râm thường xuyên để hạn chế tia tử ngoại gây hại cho mắt.

+ Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da trước tác hại của ánh sáng mặt trời, nên chọn loại kem có phổ rộng, chỉ số SPF >= 30 và bôi lặp lại sau mỗi 2 – 3 giờ.

+ Trong trường hợp da bị cháy nắng, bỏng rát, đắp vải lanh lạnh lên vùng da tổn thương đồng thời sử dụng kèm theo các sản phẩm làm dịu mát cho da. Nếu tình trạng không cải thiện sau vài ngày chăm sóc cần đến kiểm tra tại chuyên khoa da liễu.

+ Ngoài ra cần duy trì một chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp trong những ngày thời tiết nắng nóng cao độ. Uống 7 – 8 ly nước mỗi ngày và bổ sung thêm hoa quả, trái cây nhiều nước như cam, bưởi, dưa hấu… để mang đến một cơ thể khỏe khoắn và tươi tỉnh.