Hai đề tài nóng nhất mạng xã hội hôm nay khiến sao Việt buộc phải lên tiếng.
Về việc HLV Park Hang-seo bị giễu cợt ngoại hình, trợ lý tuyển Thái cho rằng: 'Tôi không giễu ông Park, chỉ là hiểu lầm'.
"Có một video cho rằng tôi đang so sánh chiều cao của HLV Park. Nhưng tay tôi đưa lên cao rồi hạ xuống, là ý nói rằng Việt Nam đang ở đỉnh bảng nhưng rồi sẽ có lúc tụt xuống. Tôi tin Thái Lan sẽ vượt qua Việt Nam. Tôi khẳng định một lần nữa cử chỉ đó không phải là xúc phạm một ai cả. Tôi cười và có hành vi như thế để chỉ vị trí của Việt Nam trên bảng điểm mà thôi" - ông Sasa Todic phân trần.
Thầy Park được dân mạng và sao Việt bảo vệ hết lòng.
Trong khi đó HLV tuyển Thái Lan Akira Nishino hứa sẽ làm rõ vấn đề: "Tôi sẽ tìm hiểu điều gì đã làm ông Park nổi giận. Khi còn là cầu thủ, chúng tôi khá thân thiết. Sau trận ông ấy còn sang bắt tay, ôm tôi rất thân thiện".
Chia sẻ này không được người hâm mộ và sao Việt đồng tình.
Hoàng Bách viết: "Riêng với tình huống này, nếu anh Park sẵn sàng chiến, anh em chúng tôi ủng hộ. Đàn ông đích thực thì không ai mang ngoại hình ra giễu cợt".
Châu Khải Phong
Ca sĩ Châu Khải Phong khẳng định: "Tôi không thể chấp nhận lời xin lỗi của trợ lý HLV tuyển Thái vì người này có những hành động thiếu lịch sự, thiếu tử tế. Tuy nhiên người hâm mộ Việt Nam đừng xúc phạm ông Sasa Todic trên mạng xã hội quá nặng vì sẽ làm ảnh hưởng hình ảnh văn minh của người hâm mộ Việt. Tôi còn hay tin một số vào trang cá nhân vợ người này để xúc phạm, hành động này chúng ta không nên thể hiện".
Diễn viên Quang Tuấn thẳng thắn: "Rõ ràng, ông Sasa Todic có ý giễu cợt ngài Park. Là người đã theo dõi quá trình người thầy Hàn Quốc chỉ dạy, dẫn dắt đội tuyển Việt trong những năm qua, tôi thấy thái độ tức giận của ông Park trong tình huống đó là hợp lý".
Cạnh đó, việc thương hiệu thời trang Ne·Tiger của Trung Quốc khi ra mắt bộ sưu tập họ gọi là “sự sáng tạo mới” năm 2018 nhưng giống hệt các mẫu áo dài của Việt Nam khiến nhiều người Việt phẫn nộ.
Đức Vincie
Nhà thiết kế Đức Vincie chia sẻ trên trang cá nhân: "Mình đang nghĩ có khi nào con rồng cháu tiên của Lạc Việt đang lưu lạc ở phương Bắc. Giờ nhận tổ tiên nên nhận đây là mẫu thiết kế của dân tộc mình không? Các cháu thích các cháu có thể mặc nhưng đây là quốc phục áo dài của Việt Nam đã rất nổi tiếng thế giới. Mà bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào đại diện Việt Nam cũng đem tới bạn bè quốc tế. Các con cháu phương Bắc không cẩn thận bạn bè quốc tế lại tưởng gốc gác của các bạn là ở Việt Nam đó ạ.
Tôi cho rằng đây là sự cố tình có dụng ý
1. Có thể cách tân trang phục sườn xám của bạn nhưng tại sao lại đeo thêm nón lá một hình ảnh rất là Việt Nam?
2. Tại sao lại chọn thời điểm cuối năm để ra mắt bộ sưu tập này mà không phải giữa năm hay đầu năm? Vì thời gian đó Không phải mùa lễ hội lớn của Việt Nam?
3. Tại sao nói đây là trang phục truyền thống của Trung Quốc mà người dân bản địa không tẩy chay như các thương hiệu khác vẫn bị khi đụng chạm văn hoá?
4. Gọi là sáng tạo tại sao không sáng tạo kiểu quần cho nó khác mà lại chọn quần lụa bóng ống suông".
Ngọc Diễm cùng con gái mặc áo dài Minh Châu trong chuyến công nước ngoài tác mới đây.
Hoa hậu Ngọc Diễm viết: "Mình là người Việt Nam và mình thường chọn áo dài để xuất hiện trong các sự kiện quốc tế, và luôn tự hào khi bạn bè quốc tế khen ngợi về trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Đây không phải là trang phục Trung Quốc, và không mang phong cách Trung Hoa. Rất mong những người hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, văn hoá và truyền thông của Trung Quốc hiểu rõ việc này và tôn trọng giá trị truyền thống của người Việt Nam".
Nhà thiết kế Minh Châu, người đẹp Diệp Bảo Ngọc bức xúc cao độ.
Minh Châu chia sẻ: "Cá nhân tôi ít quan tâm đến những ồn ào trên mạng xã hội, đến tranh chấp này kia. Nhưng với tà áo dài Việt Nam, thì bắt buộc phải lên tiếng. Áo dài là sáng tạo của người Việt, chứng minh qua lịch sử lâu đời, qua những hình ảnh, tư liệu ngày xa xưa. Bởi vậy một người khác nói rằng, áo dài là thành quả sáng tạo của đất nước họ thì đó là sự thô thiển, thiếu tử tế.
Chúng ta cũng không nên quá nặng nề hay quan tâm đến một cá nhân nào đó tự vỗ ngực xưng tên rằng họ là người sáng tạo ra tà áo dài. Bởi nhìn nhận của con người ở thế hệ bây giờ rất văn minh, sát sao. Huống hồ chúng ta có lịch sử và nền tảng lâu đời chứng minh. Người Việt từng mang áo dài ra quốc tế từ lâu, ngoài những sân chơi nhan sắc, còn có một vài show diễn lớn nhỏ. Mỗi chúng ta nên tự hào, nền tảng văn hóa dân tộc dù ai có bẻ cong thì sự thật vẫn mãi mãi tồn tại.
Diệp Bảo Ngọc cho biết, dù đang công tác nước ngoài nhưng vẫn theo dõi những thông tin trong nước. Cô một mực phản đối nhà mốt Trung Quốc tự nhận áo dài là sáng tạo của họ.
"Theo tôi tìm hiểu, đến nay chưa có nhà nghiên cứu nào có thể xác định chính chính xác lịch sử áo dài và thời điểm xuất hiện của áo dài. Theo nhận định cảm quan của người Trung Quốc thì áo dài xuất thân từ sườn xám nhưng sườn xám mới xuất hiện từ năm 1920 còn áo dài đã xuất hiện cách đây hàng ngàn năm. Bởi vậy việc nhà mốt nhận đây là sáng tạo riêng thì quá vô lý " - Diệp Bảo Ngọc nói.
"Thật vô lý khi nhận áo dài là phong cách Trung Quốc", đại diện truyền thông của nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn chia sẻ.