ĐỜI SỐNG

Bẫy tuyển dụng mẫu nhí cha mẹ cần biết

Nguyễn Hậu • 16-01-2023 • Lượt xem: 895
Bẫy tuyển dụng mẫu nhí cha mẹ cần biết

Gần đây nhiều phụ huynh đã mất hàng trăm triệu đồng vì bẫy tuyển dụng mẫu nhí trên các trang mạng xã hội. Những kẻ lừa đảo đã tạo ra kịch bản tinh vi đánh trúng tâm lý phụ huynh nên dễ dàng dẫn dắt nạn nhân vào những chiếc bẫy đã bày ra.

Trên các trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các tin tuyển dụng với nội dung tuyển mẫu nhí cho các chương trình truyền hình hay các thương hiệu thời trang lớn. Nhiều phụ huynh vì mong muốn con mình có thể trở thành người mẫu, gia đình có thêm nguồn thu nhập hay muốn con được tham gia biểu diễn trong các chương trình truyền hình nên đã tin tưởng, kết nối và làm theo những hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo trên mạng để rồi mất hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.

Tại trang tin tuyển dụng mẫu nhí, ngay khi phụ huynh liên hệ ứng tuyển cho con tham gia chương trình. Các đối tượng sẽ yêu cầu tải ứng dụng mạng xã hội Zalo, sau đó tài khoản mang danh tư vấn viên sẽ đưa ra cam kết việc tham gia biểu diễn hoàn toàn không mất chi phí. Nhưng muốn tham gia, phụ huynh lại phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để làm nhiệm vụ.

Một phụ huynh là nạn nhân bị lừa đảo cho biết: Muốn tham gia thì phải làm các thử thách nhiệm vụ của chương trình để tương tác với cả nhà tài trợ của chương trình. Đối tượng sẽ đưa ra những sản phẩm với giá tăng dần trong lần lượt từng nhiệm vụ. Phụ huynh có nhiệm vụ xác nhận giá trị sản phẩm và chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định. Nếu hoàn thành sẽ nhận lại tiền gốc và khoản lãi 10%. Với các nhiệm vụ có số tiền nhỏ thì phụ huynh được nhận lại tiền rất nhanh.

Tin nhắn trò chuyện của phụ huynh và những kẻ lừa đảo

Nhưng khi đến các nhiệm vụ với số tiền khoảng hơn 16 triệu đồng thì khi nạn nhân chuyển tiền sẽ không được hoàn lại với nhiều lý do được đối tượng lừa đảo đưa ra như: sai cú pháp, chậm trễ thực hiện nhiệm vụ… khi tiền bị đóng băng, nhiều phụ huynh với mong muốn nhận lại được tiền mà không ít người đã chuyển khoản số tiền nhiều lần theo cấp số nhân. Đến khi nạn nhân không đủ số tiền để thực hiện "nhiệm vụ" nữa, các đối tượng sẽ khóa nhóm và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà nạn nhân đã chuyển khoản.

Khi phụ huynh nhận được ra mình là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo thì cũng không thể làm gì được chúng. Ngược lại còn nhận được những lời thách thức ngang nhiên bởi người dùng không thể nhận diện được đối tượng lừa đảo. Chưa kể phần lớn các nạn nhân vẫn còn e dè không muốn lên tiếng.

Theo ông Nguyễn Phú Lương, Phó trưởng phòng giám sát an toàn thông tin, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nói: Nạn nhân phải trình báo để cơ quan chức năng điều tra cũng như cảnh báo cho những người khác về các kịch bản lừa đảo tinh vi. Nếu không lấy lại được tiền thì ít ra cũng có thể giúp xác minh, tìm kiếm và bắt những đối tượng lừa đảo để tránh có nhiều người tiếp theo trở thành nạn nhân.

Theo ông Nguyễn Phú Lương tiền khi đã chuyển ra khỏi tài khoản thì rất khó lấy lại vì việc truy vết dòng tiền không thể tiến hành nhanh bằng tốc độ luân chuyển tiền giữa các ngân hàng. Khi truy vết được thì tiền đó đã đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam rồi.

Hiện nay chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả việc lừa đảo trên mạng vì vậy người dùng phải luôn tỉnh táo và cảnh giác. Công an cũng khuyến cáo người dân cảnh giác, không tham gia, không gửi hình ảnh của con em phòng ngừa đối tượng lợi dụng mục đích xấu. Ngoài ra không chuyển tiền theo yêu cầu không hợp pháp để tránh bị lừa đảo.

Khi phát hiện bị đối tượng yêu cầu chuyển tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì báo ngay cho cơ quan công an để được tiếp nhận xử lý, phong tỏa ngay tài khoản của các đối tượng lừa đảo phục vụ công tác điều tra.