ĐỜI SỐNG

Bệnh đậu mùa khỉ - Nắm rõ những thông tin cần thiết để phòng bệnh

Uyên Nhân (Tổng hợp) • 27-09-2023 • Lượt xem: 5699
Bệnh đậu mùa khỉ - Nắm rõ những thông tin cần thiết để phòng bệnh

Việc ghi nhận hai ca bệnh đậu mùa khỉ tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương gần đây đặt ra vấn đề quan trọng về sự truyền nhiễm và phòng bệnh của loại bệnh này tại nước ta. Đậu mùa khỉ là một bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc gần, và do đó, việc hiểu rõ về nó trở nên cực kỳ quan trọng. 

Bệnh đậu mùa khỉ do virus đậu mùa khỉ (Monkeypox virus) gây ra. Đây là một virus AND chuỗi kép thuộc loài Orthopoxvirus, họ Poxviridae. Virus này lần đầu tiên được phát hiện và phân lập từ loài khỉ vào năm 1958 tại Viện huyết thanh Statens, Copenhagen, Đan Mạch.

Có hai nhánh di truyền quan trọng của virus đậu mùa khỉ là nhánh Trung Phi (Vịnh Congo) và nhánh Tây Phi. Nhánh Trung Phi đã được biết đến lây truyền mạnh hơn và gây ra bệnh nặng hơn. Phân chia địa lý giữa hai nhánh xảy ra tại Cameroon, nơi có sự tồn tại của cả hai nhánh virus.

Nguồn gốc của bệnh

Nguồn bệnh và vật chủ chính: Các loại động vật linh trưởng (khỉ, vượn, tinh tinh) và các loại động vật gặm nhấm (sóc, thỏ, chuột, chuột túi) là các nguồn bệnh chính. Tại châu Phi, virus đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở nhiều loại động vật khác nhau như khỉ, sóc, và chuột.

Lây truyền từ động vật sang người: Bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể, hoặc tổn thương ngoài da niêm mạc của động vật nhiễm virus. Cũng có thể lây truyền qua việc ăn phải thịt động vật bị nhiễm virus đậu mùa khỉ chưa được nấu chín.

Lây truyền từ người sang người: Bệnh cũng có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương ngoài da, chất tiết, chất thải đường hô hấp, giọt bắn của người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Lây truyền gián tiếp thông qua các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt của người bệnh chứa virus cũng có thể xảy ra.

Lây truyền qua đường quan hệ tình dục: Giả thuyết này đặc biệt liên quan đến quan hệ tình dục đồng tính. Một số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha trong đợt dịch tháng 5/2022 được ghi nhận ở những người đồng tính, song tính hoặc có quan hệ đồng giới nam.

Lây truyền mẹ con: Có thể xảy ra qua đường dây rốn từ mẹ sang thai nhi hoặc do tiếp xúc với các chất tiết sinh học trong và sau quá trình sinh nở.

Triệu chứng bệnh

Triệu chứng thường nhẹ hơn so với bệnh đậu mùa.

Thường tự khỏi sau 2-4 tuần và có tỷ lệ tử vong thấp (3-6%).

Trẻ em, phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch có thể mắc bệnh nặng hơn. 

Thời gian ủ bệnh: Trung bình từ 6-13 ngày, nhưng có thể biến đổi từ 5-21 ngày.

Giai đoạn sốt: Kéo dài từ 0-5 ngày. Triệu chứng bao gồm sốt, đau đầu cực kỳ mạnh, đau lưng, đau cơ, sưng đau hạch lympho, và kiệt sức.

Giai đoạn phát ban ngoài da:

Thường bắt đầu 1-3 ngày sau khi xuất hiện sốt.

Ban ngoài da đa dạng với các loại ban, bao gồm ban dát sẩn, cục sẩn, mụn nước và mụn mủ.

Ban thường xuất hiện trên vùng mặt và ngọn chi, ít hơn trên vùng thân mình.

Các vị trí phổ biến bao gồm mặt (95%), lòng bàn tay và lòng bàn chân (75%), niêm mạc miệng (70%), niêm mạc sinh dục (30%), và kết-giác mạc (20%).

Số lượng ban có thể từ một vài ban đến hàng nghìn ban.

Trong trường hợp nặng, các tổn thương có thể liên kết với nhau thành mảng lớn và có thể bong vảy.

Sau khoảng 1 tuần, các mụn nước khô và bong vảy không để lại di chứng sẹo nếu không bị nhiễm trùng.

Bệnh đậu mùa khỉ - Hình ảnh: TTX 

Những trường hợp nghi ngờ bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ:

Tiếp xúc vật lý trực tiếp với người hoặc động vật bị nhiễm bệnh trong vòng 21 ngày.

Du lịch đến quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày.

Có nhiều bạn tình trong vòng 21 ngày.

Kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với Orthopoxvirus (trong trường hợp chưa tiêm chủng vaccine đậu mùa hoặc chưa tiếp xúc với các chủng Orthopoxovirus khác).

Biện pháp dự phòng

Hạn chế hoặc cấm buôn bán và nhập khẩu động vật có nguy cơ lây bệnh.

Không ăn tiết canh hoặc thịt động vật nấu chưa chín kỹ.

Thận trọng khi tiếp xúc gần động vật và động vật hoang dã, hoặc mang bảo hộ lao động phù hợp khi tiếp xúc trực tiếp.

Giám sát và cách ly người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, và hạn chế tiếp xúc vật lý trực tiếp với họ.

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người nhiễm/nghi nhiễm bệnh hoặc vật dụng của họ.

Nhân viên y tế cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa qua đường tiếp xúc khi chăm sóc người bệnh.

Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa đối với nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao, với khả năng phòng bệnh đậu mùa khỉ lên đến 85% và giảm mức độ nặng của bệnh. Vaccine phòng đậu mùa được sản xuất dựa trên nguyên lý vaccine virus sống giảm độc lực.