Bệnh mạch vành là một trong những bệnh lý tim mạch phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt hơn, hiện nay căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng và xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi.
Nếu như trước kia bệnh mạch vành thường gặp ở người lớn tuổi thì giờ đây, nhiều trường hợp được phát hiện trong độ tuổi còn rất trẻ. Đa phần người trẻ thường chủ quan và nghĩ rằng bệnh chỉ xuất hiện ở người già, từ đó không quan tâm đến các yếu tố nguy cơ, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết, không tầm soát để phát hiện bệnh sớm dẫn đến hiệu quả điều trị không cao.
Để hiểu rõ về bệnh mạch vành, chúng ta cùng chiêm ngưỡng hình ảnh khái quát về vị trí của động mạch vành trên tim được biểu diễn như sau:
Động mạch vành là một hệ thống nhiều nhánh, gồm động mạch vành trái (động mạch liên thất trước, động mạch mũ) và động mạch vành phải. Từ các nhánh lớn này sẽ chia thêm nhiều nhánh nhỏ hơn và có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy để nuôi tim.
Với những người mắc bệnh mạch vành, việc xuất hiện các mảng bám trên thành động mạch khiến cho lòng mạch hẹp lại, trở nên cứng hơn và không có sự đàn hồi như ban đầu gây cản trở dòng máu di chuyển. Bệnh nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, lâu dần chuyển biến nặng khiến dòng máu đến tim trở nên khó khăn hơn, lúc này cơ tim không nhận đủ oxy khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc tổn thương tim vĩnh viễn.
Bệnh mạch vành ngày càng gia tăng ở người trẻ
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, tuổi tác là một trong những yếu tố quan trọng trong bệnh mạch vành. Trung bình, tỷ lệ mắc bệnh hằng năm tăng 24% ở nam giới trong độ tuổi 65 - 74. Tuy nhiên càng ngày số ca mắc bệnh càng tăng và xuất hiện ở những độ tuổi rất trẻ (dưới 35 tuổi). Theo thống kê, khoảng 4 -10% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp (biến chứng của bệnh mạch vành) có tuổi đời dưới 45 và phần lớn là nam giới khỏe mạnh.
Bên cạnh các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi của bệnh mạch vành như di truyền, tuổi tác, giới tính thì một vài nguy cơ dẫn đến bệnh mạch vành ngày càng trẻ hóa có thể kể đến như:
+ Căng thẳng: Thường xuyên căng thẳng, stress trong công việc và nhiều vấn đề áp lực cuộc sống có thể gây tắc mạch vành cấp tính hoặc gây nhồi máu cơ tim.
+ Ăn uống thiếu lành mạnh: Với nhịp sống hiện đại kéo theo các thói quen ăn uống thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh, các món chiên rán nhiều dầu mỡ… đồ uống có gas, rượu và chất kích thích làm tăng nguy cơ tích tụ chất béo dẫn đến xơ vữa mạch vành.
+ Ít vận động: Đa số người trẻ đặc biệt dân văn phòng với đặc thù công việc phải ngồi nhiều, vận động ít, gia tăng thừa cân, béo phì, kéo theo nguy cơ bệnh mạch vành ngày càng nhiều.
+ Thuốc lá: Một trong những nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh mạch vành được kể đến là thuốc lá. Hoạt chất nicotin cùng nhiều chất độc hại trong khói thuốc có thể gây tăng huyết áp và các mảng xơ vữa trong lòng mạch.
Các triệu chứng điển hình của bệnh mạch vành dễ dàng nhận biết như cảm thấy hồi hộp, hụt hơi, chóng mặt, thường xuyên hoảng hốt, nặng ngực, mệt mỏi, đau ngực kèm theo buồn nôn…
Bệnh thường khởi phát với các cơn đau thắt ngực, cơn đau có thể thoáng qua nhưng khiến người bệnh cảm thấy khó thở, đôi khi là cảm giác thắt nghẹt hoặc bóp chặt ở lồng ngực. Thường cơn đau chỉ diễn ra khoảng 10 - 30 giây hoặc lâu hơn khoảng vài phút. Khi đó người bệnh cần nghỉ ngơi ngay lập tức và đến bệnh viện sớm nhất để được chuẩn đoán và xử trí kịp thời.
Bệnh mạch vành nếu không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến các ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe như đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim hay đột tử.
Thay đổi lối sống là yếu tố quan trọng trong phòng ngừa nguy cơ bệnh mạch vành
Các chuyên gia cho biết, người trẻ tuổi nên kiểm soát tốt 5 yếu tố bao gồm huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, thuốc lá và cân nặng cụ thể như sau:
+ Ăn ít dầu mỡ, hạn chế các loại chất béo bão hòa trong thức ăn nhanh, đồ chiên rán... Ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng chuyển hóa chất béo.
+ Giữ cân nặng hợp lý.
+ Ăn nhạt, giảm bớt lượng muối trong khẩu phần.
+ Tăng cường vận động, hạn chế rượu bia, đồ uống có gas và bỏ hẳn thuốc lá.
+ Giảm bớt áp lực, giữ cho tinh thần luôn thoải mái.
Với người cao tuổi, bệnh mạch vành xảy đến thường do quá trình lão hóa thì ở người trẻ, nguyên nhân chủ yếu từ chế độ sinh hoạt không lành mạnh. Chính vì thế, cải thiện lối sống là yếu tố then chốt để phòng ngừa và cải thiện tình trạng bệnh mạch vành một cách hiệu quả.