ĐỜI SỐNG

Bí ẩn sa mạc xương rồng không sống nổi nhưng lại có con người sinh sống

Thúy Vy • 19-08-2022 • Lượt xem: 416
Bí ẩn sa mạc xương rồng không sống nổi nhưng lại có con người sinh sống

Sa mạc được biết đến là những nơi khô cằn và khó sống nhất. Nhiệt độ ở đây vào ban ngày có thể “làm chín" không ít sinh vật, còn khi về đêm, nhiệt độ lại giảm mạnh, gây lạnh rét đến cắt da cắt thịt. Có một sa mạc mà đến vi khuẩn cũng không sống nổi nhưng lại có hơn 1 triệu người vẫn đang sinh sống ở đó.

Vùng đất khắc nghiệt và bí ẩn bậc nhất trái đất

Nằm ở độ cao 3.200 m so với mặt biển và rộng 181.300 km2, sa mạc Atacama - một sa mạc không cực ở Nam Mỹ, được biết đến là một trong những sa mạc khắc nghiệt nhất trái đất. Tọa lạc tại phía bắc Chile và một phần nhỏ nằm ở phía nam Peru, giữa dãy núi Andes và Thái Bình Dương. Nơi đây rất khác biệt bởi địa hình toàn những ngọn đồi đá và đá núi lửa cùng những cồn cát trải dài.
Theo nhiều phân tích khoa học, trong suốt hơn 2 thế kỷ từ năm 1570 - 1971, sa mạc Atacama có lượng mưa vô cùng ít. Thậm chí, ở một vài khu vực chưa từng xuất hiện một giọt mưa nào. Lượng mưa trung bình tại đây chỉ tính bằng milimet. Những khu vực như Iquique và Arica lượng mưa chỉ đạt 3mm mỗi năm. Đây cũng là lý do khiến vùng đất sa mạc Atacama trở nên vô cùng khô cằn và khó sống.
 

 

Theo các nhà khoa học, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khan hiếm mưa tại sa mạc Atacama. Đầu tiên, vị trí địa lý của hoang mạc này bị chắn bởi dãy núi Andes, gây ra hiệu ứng Foehn. Đây là hiệu ứng khiến cho những đám mây thải ra một lượng mưa lớn trên các sườn núi, do đó khi vượt qua chúng không còn nước để tạo mưa cho sa mạc.

Thứ hai là do sự ảnh hưởng của dòng chảy Humboldt vận chuyển nước lạnh từ Nam Cực đến các bờ biển của Chile và Peru khiến gió biển hạ nhiệt xuống thấp, làm giảm quá trình bốc hơi của nước ngưng tụ thành mưa. Thứ ba là phía nam đồng bằng núi lửa cao là Altiplano lấy hơi ẩm từ Thái Bình Dương, còn bên phía Bắc lại ngăn các cơn bão từ vùng Amazon xâm nhập vào Chile.
 

Đặc biệt, địa hình của sa mạc Atacama rất giống sao Hỏa. Khoảng 12.000 năm về trước, hoang mạc này từng xảy ra một vụ va chạm sao chổi, sau đó tạo nên những phiến thủy tinh silicat khổng lồ. Đến thời điểm hiện tại, nơi đây có những cánh đồng thủy tinh rất lớn trải dài 75km, với 2 màu xanh và đen. Những mảnh thủy tinh bị xoắn, gập và quăng lại như bị nóng chảy. Theo các nhà khoa học, điều này chỉ xảy ra khi có các vụ nổ lớn, gây ra những cơn gió mạnh gần bằng với những cơn lốc xoáy.

Ngoài ra, trong những mảnh thủy tinh còn chứa những khoáng chất thường được tìm thấy bên trong các thiên thạch rơi xuống trái đất. Theo nghiên cứu của những nhà khoa học, các khoáng chất hiện có trên sa mạc Atacama là những  thứ còn sót lại của một ngôi sao chổi, sau khi phát nổ trên sa mạc, nó sẽ làm cát bị nung chảy.
 

 
 

Xương rồng không mọc nổi nhưng có hơn 1 triệu người đang sinh sống

Ở sa mạc Atacama, đến những loại thực vật thường sống ở các vùng sa mạc như xương rồng cũng không thể mọc lên. Không khí tại đây quá khô hạn, không có hơi nước làm cho quá trình oxy hóa cũng không thể diễn ra và cả những loài vi khuẩn cực nhỏ cũng khó mà sống sót được.

Khắc nghiệt là vậy, sa mạc Atacama vẫn là nơi sinh sống của gần 1 triệu cư dân. Những người dân ở đây sinh sống tại các thành phố ven biển, các làng chài hoặc các thành phố nằm trên ốc đảo. Theo ghi chép lịch sử, con người đã sinh sống ở đây từ nghìn năm trước.

 

Người dân sinh sống tại sa mạc Atacama có một phương pháp trữ nước vô cùng độc đáo. Họ dùng những tấm lưới được đan dày đặc để thu lại nước do tuyết tan chảy trên dãy núi Andes. Nước từ đó sẽ theo đường ống dẫn đến từng hộ gia đình. Nhờ vậy, thời tiết nơi đây có nắng nóng và khắc nghiệt thế nào người dân vẫn có đủ nước để sinh hoạt.