ĐỜI SỐNG

Bí ẩn về những bức tượng đá Moai trên đảo Phục Sinh

Lan Hương • 20-08-2023 • Lượt xem: 2257
Bí ẩn về những bức tượng đá Moai trên đảo Phục Sinh

Những bức tượng khổng lồ bằng đá trên đảo Phục Sinh là một trong những điểm thu hút khách du lịch đến với Chile. Cho tới nay, ý nghĩa của các bức tượng đá này vẫn là một bí ẩn với con người hiện đại.

Tìm hiểu về đảo Phục Sinh

Đảo Phục Sinh hay còn gọi là đảo Rapa Nui có diện tích khoảng 165km2, nơi cao nhất là khoảng 507m so với mực nước biển. Hòn đảo này nằm ở phía Nam Thái Bình Dương, cách bờ biển Chile khoảng 3.500km và là đảo có người ở xa xôi nhất thế giới.

Không chỉ nổi tiếng với những bức tượng bí ẩn, đảo Phục Sinh còn chứa đựng nhiều hang động ngầm dẫn đến các miệng núi lửa, những đồi núi hiểm trở, nhiều cảnh quan hoang sơ đầy thách thức và cả những khu vực bãi biển tuyệt đẹp, chẳng hạn như bãi biển Anakena, vị trí được cho là nơi đầu tiên vua Rapa Nui neo thuyền.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho rằng, người Polynesia có mặt trên đảo vào khoảng những năm 800 hoặc năm 1200 sau Công nguyên. Dân số vào lúc cực thịnh trên đảo thời đó có khi lên đến 17.500 người.

Người dân ở đảo lần đầu tiên tiếp xúc với người châu Âu là vào ngày 5/4/1722, cụ thể là nhà thám hiểm người Hà Lan Jacob Roggeveen. Ngày này cũng trùng hợp cũng là Chủ Nhật Phục Sinh, vì vậy mà nhà thám hiểm Roggeveen đã đặt tên cho hòn đảo là Paasch Eyland, tiếng Hà Lan nghĩa là đảo Phục Sinh.

Điểm độc đáo của đảo Phục Sinh chính là sự có mặt của 887 bức tượng đá Moai khổng lồ được tạc từ đá vôi, những bức tượng này được cho là biểu tượng của một nền văn minh đã bị lãng quên theo thời gian từ quá khứ.

Những bức tượng Moai trên đảo Phục Sinh.

Năm 1995, UNESCO đã công nhận đảo Phục Sinh là Di sản thế giới, từ đó vùng đất này đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn cho những du khách thích khám phá, ưa trải nghiệm điều mới mẻ và hứng thú tìm hiểu về lịch sử văn hóa con người.

Thú vị những bức tượng đá Moai

Những bức tượng Moai khổng lồ này đã thu hút sự hiếu kỳ của rất đông người trên khắp thế giới từ nhiều thế kỷ qua. Chúng được chạm khắc bằng đá nguyên khối bởi người Rapa Nui từ năm 1250 – 1500. Rất nhiều tượng Moai trong số này được tạc và đặt ở nhiều vị trí khác nhau khắp xung quanh ngoại vi hòn đảo.

Các bức tượng được tạc nguyên khối bằng đá núi lửa, đầu tiên chúng được phác thảo trên vách đá, được đục đẽo cẩn thận, khi hoàn thành sẽ được tách ra khỏi tảng đá ban đầu. Sau khi tạc xong người ta dùng đá bọt để mài nhẵn bức tượng. Một bức tượng hoàn chỉnh mất khoảng 1 năm chế tác.

Các bức tượng Moai được tạo tác bằng đá nguyên khối.

Nhìn vào các tượng Moai sẽ thấy phong cách điêu khắc đơn giản tuy nhiên lại thể hiện độ đồng nhất hoàn hảo. Tượng có phần đầu lớn quá khổ (chiếm đến 3/5 kích thước), cặp lông mày rậm, hốc mắt sâu, đôi tai thuôn dài, mũi thon, lỗ mũi hình móc câu, môi nhô ra, cổ ngắn và quai hàm nổi bật. Không chỉ có phần đầu, các bức tượng còn bao gồm cả thân. Thế nhưng có nhiều bức tượng bị chôn vùi phần thân, vì thế người ta chỉ nhìn thấy phần đầu của Moai nhô lên khỏi mặt đất. Các nhà khoa học đã tìm được dấu vết cho thấy mục đích của việc chôn thân tượng để chống xói mòn.

Các bức tượng được điêu khắc với hình thái mang tính cách điệu.

Phần thân của các tượng Moai được chạm khắc đơn giản với 2 cánh tay khép vào thân ở nhiều tư thế. Bàn tay thon dài, những ngón tay mảnh mai xuôi theo hông và nối với nhau ở phần khố. Phần sau của Moai không được mô tả chi tiết, chỉ một số ít tượng có các họa tiết mô tả phần khố hay vòng tròn ở thắt lưng.

Đa số các tượng không được khắc họa phần chân rõ ràng, chỉ trừ một Moai đặc biệt có tên là Tukuturi. Tượng này có đôi chân được chạm với tư thế như đang quỳ, đầu hơi ngước lên và được cho là mô tả một ca sĩ đang quỳ và hát trong lễ hội Riu.

Một bức tượng Moai trong tư thế đang quỳ.

1/5 trong số các bức tượng Moai được tìm thấy trên đầu đội mũ hình trụ (gọi là pukao) bằng đá đỏ. Người ta cho rằng những chiếc mũ này được tạo ra vào thế kỷ 15 và 16 rồi mới đội lên Moai. Vẫn chưa biết chính xác tại sao pukao được tạo ra, có thể đây là biểu tượng thể hiện quyền lực của cá nhân mà Moai đại diện, hoặc là hình thức phân biệt khi các tượng đội pukao sẽ uy nghi và quan trọng.

Những bức tượng Moai đầu đội pukao.

Trung bình các bức tượng Moai cao khoảng 4m, rộng 1,6m và nặng khoảng 13 tấn. Tuy nhiên cũng có những bức tượng với kích thước khác biệt, chẳng hạn như tượng Moai Paro cao 10m, nặng 75 tấn hay tượng Moai Poike cao 1,13m, đây được xem là tượng Moai nhỏ nhất trong số các tượng.

Ngoài ra tượng Moai có tên El Gigante được tạc dang dở trong vách đá, ước tính nếu hoàn thành bức tượng này có thể cao tới 22m, rộng 7m và nặng khoảng 182 tấn.

Ý nghĩa của các bức tượng Moai

Theo phân tích của một số nhà khảo cổ, những bức tượng Moai này tượng trưng cho linh hồn tổ tiên và các thủ lĩnh của những người đã từng sống trên đảo Phục Sinh từ sơ khai.

Không chỉ là biểu tượng, với những người điêu khắc lên những bức tượng này, Moai giống như nguồn sức mạnh tinh thần, là kho chứa của những linh hồn linh thiêng. Bởi tín ngưỡng của những người Polynesia cổ đại, họ xem những vật chạm khắc bằng gỗ hay đá, khi được tạo hình và chuẩn bị đúng cách theo nghi thức sẽ trở thành nơi chứa đựng năng lượng tâm linh kỳ diệu được gọi là mana. Một nghiên cứu vào năm 2019 đã đưa ra kết luận rằng những người điêu khắc tin tưởng những bức tượng Moai sẽ giúp tăng độ phì nhiêu của đất, từ đó giúp tăng nguồn cung cấp lương thực nuôi sống người dân trên đảo.

Thông thường các tượng Moai sẽ được đặt trên một bệ đá gọi là ahu. Người ta tìm được 313 bệ đá ahu, trong đó có 125 ahu có các tượng Moai được đặt ở trên. Ahu dài nhất có tên là Tongariki, có chiều dài 220m và chứa 15 bức tượng Moai cao nhất.

Tất cả các tượng Moai đều được dựng quay mặt về bên trong hòn đảo, lưng quay ra biển. Ngoại trừ 7 Moai được dựng trên bệ đá ahu Akivi là quay mặt về phía biển. Các nhà khảo cổ vẫn chưa biết lý do vì sao người Rapa Nui lại bố trí như thế, nhưng có thể họ tin rằng bức tượng hướng ra biển giúp mọi người dễ dàng tìm thấy hòn đảo, còn những bức tượng nhìn vào bên trong hòn đảo sẽ giúp bảo vệ những người sống ở đó.

7 bức tượng Moai hướng mặt về phía biển.

Bí ẩn lớn nhất vẫn chưa được giải đáp

Các nhà nghiên cứu vẫn tìm kiếm câu trả lời cho thắc mắc làm thế nào người dân có thể di chuyển các bức tượng Moai khổng lồ đi khắp hòn đảo. Bởi theo đánh giá của các nhà khảo cổ, với dụng cụ thô sơ và kỹ thuật hạn chế của người dân trên đảo thời bấy giờ, việc di chuyển các khối tượng to lớn như thế đi xa hàng cây số là điều vô cùng vất vả.

Người ta cho rằng cư dân của hòn đảo đã sử dụng dây thừng và ván trượt bằng gỗ để di chuyển các bức tượng. Giả thuyết khác là các bức tượng sẽ được đặt trên thanh gỗ tròn và được lăn đến địa điểm mong muốn. Tuy nhiên cho dù bằng cách nào đi nữa thì việc di chuyển này đòi hỏi rất nhiều nhân công, dây kéo hoặc con lăn.