GIẢI TRÍ

Bi hài chuyện lồng tiếng phim

Lữ Đắc Long • 14-07-2020 • Lượt xem: 2404
Bi hài chuyện lồng tiếng phim

Là bộ phận không thể thiếu của bất kỳ phim nào, nhưng với những người lồng tiếng thì không phải ai cũng biết được công việc thầm lặng nhưng đầy quan trọng của phim. Có dịp tâm tình với nghệ sĩ lồng tiếng Thuỳ Lan, người có thâm niên trên 30 năm trong nghề sẽ giúp chúng ta biết thêm lắm chuyện bi hài ở công việc của họ.

Tâm tình người trong cuộc

Cô Thuỳ Lan năm nay đã bước vào tuổi thất thập. Cô Lan có ba mẹ là người Huế, nhưng sinh ở Bình Định vào Sài Gòn sinh sống nên nói giọng của ba miền Bắc – Trung- Nam ngon lành. Từng là ca sĩ trước năm 75, sau đó tham gia các đoàn kịch của Thẩm Thuý Hằng, Kim Cương, Bông Hồng...

Trong lần gặp sư phụ lồng tiếng thế hệ đầu tiên của miền Nam, nghệ sĩ Hồng Phúc ở rạp Long Vân, chỉ cần nghe Thuỳ Lan hát là ông ta chạy tới phán liền: “Sáng mai lên phòng thu ở Thi Sách gặp anh nhe”. Đó là lần đầu tiên thử vai trong phim Con thú tật quyền. Ông ta đưa cuốn kịch bản, kêu Lan nhìn vào màn hình rồi đọc thoại cứ y như nói chuyện ngoài đời. Lần đó “nàng Lan” vào vai cô cave được 6 phân đoạn, với giọng ngọt sớt, khiến chú Phúc hớn hở bảo: “Ngày mai em vào đây làm chính thức luôn nhe”.

Nghệ sĩ lồng tiếng Thuỳ Lan

Nghệ sĩ lồng tiếng Thuỳ Lan

Làm suốt thời gian 5 năm, vì kinh tế gia đình khó khăn, Thuỳ Lan tạm nghỉ một thời gian dài cứ tưởng hết duyên với nghề, nào ngờ chú Phúc cho người tìm đến tận nhà, giao tiếp vai bà già người Thượng trong phim Anh Hùng Núp. Thế là Thuỳ Lan đã miệt mài hơn 30 năm nghề cho đến ngày nay và hàng năm vào ngày 20.11 cô Lan vẫn lên nhà xin thắp nén nhang nhớ tới thầy… Hồng Phúc.

“Nghề này hợp vai là lên, tuy lương không thể bằng ca sĩ, nhưng nếu biết chắt chiu vẫn có thể mua nhà sắm xe. Trung bình một tập phim được 500 ngàn. Phim bây giờ đã ít, phải tranh nhau ngầm hạ giá nên buồn lắm. Đã vậy, nhiều lúc phim lên sóng rồi, vẫn chưa thu được tiền, thậm chí không được trả lương vì chủ phim thua lỗ. Nhiều diễn viên bị quỵt tiền còn lên báo, hy vọng đòi được, chứ bên lồng tiếng là xem như thua trắng luôn”, cô Lan tâm sự.

Theo cô Lan, thị trường lồng tiếng hiện giờ có vài nhóm nổi bật như: Phước Trang, Đạt Phi, Mộng Vân, Bảo Châu, Huy Mai Ka... Vai chính có khoảng 10 người là sống ngon lành. “Hiện, tôi sống được là nhờ các dòng phim ngắn “phát” trên youtube của các bạn trẻ nên cũng đỡ một chút”, cô Lan cho biết thêm.

Khán giả nào thân quen, cứ mỗi lần thấy mặt diễn viên Ánh Hoa, Uyên Trinh, Thanh Hiền, má Phi Điểu... là y như rằng họ biết đó là cô Lan, bởi chất giọng rất đặc trưng.

Cô bảo: “Những lần nhận show ở tuốt Bình Dương là phê nhất, phải đi xe tự túc trên 40 cây số, nếu nghệ sĩ đi tỉnh tăng lương gấp 3 – 5 lần còn người lồng tiếng lương vẫn như cũ, may nhờ mấy em nhỏ cho đi ké nên cũng đỡ. Nghề này cũng na ná như nghề cascadeur ít ai biết mặt mình. Lâu lâu đi chợ, nhiều người nghe giọng của cô quen quen, họ reo lên: ‘Bà này đóng phim nè...’ Làm mình vui gần chết. Họ nhận ra tôi là Ánh Hoa trong Đồng tiền xương máu, bà mẹ chồng tàn ác với con dâu trong Giông tố cuộc đời. Họ nói vanh vách từng vai diễn, vui nhất là sau đó không lấy tiền mua rau, họ bảo: Ủng hộ nghệ sĩ thầm lặng...”.

Với cô Lan, sợ nhất là vào các vai ác trong phim hoạt hình, không dễ ăn đâu nhé, vì các nhân vật trong phim Mỹ “nó ác bà cố” luôn, mình không tự tin là thua liền. Nói ngọng, lẹo lưỡi liên tục, dễ ảnh hưởng đến người khác lắm. Thấy ác tưng dễ, thật ra nó có nhiều cung bậc khác nhau lắm, phải tỉnh táo, tinh tế nhập vai mới ạt được.

Buồn nhất là có nhiều diễn viên vô ý vừa nghe lồng tiếng xong là phán ngay giữa đám đông: “Chị lồng tiếng vậy là chết vai em rồi... Tức quá cô trả vai cho người đó... tự lồng tiếng. Kết quả phim chiếu ra, vai hư thiệt, lúc đó có hối hận cũng không còn kịp.

May mắn nhất với Cô Lan là nhờ tổ nghiệp thương nên nhiều lúc đóng vai điên la hét liên tục khàn cả giọng, vậy mà ngày sau tự nhiên ngọt trở lại, cô mừng lắm.

Hiện hạnh phúc nhất với cô Lan là trong nhà đã có hai đứa cháu nối nghiệp là Ngô Lợi và bé Ngọc Khánh mới 11 tuổi nhưng đã có 8 năm trong nghề. Cô bé này có chất giọng rất siêu, biết câu thoại nào sai là bé xin đạo diễn sửa liền. Bé giỏi đến nỗi nhiều người năn nỉ: “Con ơi đừng có lớn để chú còn nhờ nhe.

Bé Ngọc Khánh

“’Nàng ta’ cũng lộn xộn lắm, đang lồng tiếng ngon lành, trở chứng là đòi ngủ, đòi ăn, mà ăn ngon mới chịu... Có lần dẫn đi đóng quảng cáo, “hắn” vào phòng thu, thấy nhiều câu thoại sai, hắn lên tiếng cảnh báo luôn: “Chú ơi. Mấy câu này con chưa cảm, coi bộ bất ổn nè, chú có cho con sửa thoại lại được không? Nếu không có chuyện gì con không chịu trách nhiệm nhe”, cô Lan kể vui.

Luôn là người phía sau màn ảnh

Để trở thành một nghệ sĩ lồng tiếng đích thực theo cô Lan không có gì ghê gớm, bởi công việc này không cần ở ngoại hình, không cần đầu tư trang phục, quần áo hay bối cảnh.... Nhưng điều quan trọng nhất là phải có chất giọng. Giọng trầm khàn vào vai lão, độc, ác. Nếu chất giọng thanh dễ vào vai mùi, còn giọng “chua chát” hay đỏng đảnh sẽ vào các vai ác còn gọi là phản diện sẽ “ngọt” hơn.

Khi nhận vai để lồng tiếng ngày nay không cần phải nghiên cứu kịch bản như ta lầm tưởng. Hầu hết khi vào phòng thu, chỉ cần xem trước phân đoạn mình cần phải diễn, lần dò với kịch bản xem đúng chưa là bắt đầu... chơi tới luôn.

Lồng tiếng phim được chia theo từng nhóm riêng biệt, cao cấp thì có phim hoạt hình của nước ngoài. Dạng phim này thường thu hút các nghệ sĩ nổi tiếng như Thành Lộc, Trấn Thành, Minh Hằng, Đông Nhi, Đàm Vĩnh Hưng... và tức nhiên cát-xê sẽ là nhưng con số kỷ lục. Theo cô Thuỳ Lan, những ai được chọn phải qua khâu casting gắt gao, do người nước ngoài kiểm duyệt, qua được khâu này xem như... trúng mánh.

Cố diễn viên Nguyễn Hậu

Cố diễn viên Nguyễn Hậu từng phấn khởi cho biết: “Khi Đạt Phi trưởng nhóm lồng tiếng phim hoạt hình mời đến thử giọng, rồi bắt tay vào làm việc chỉ một ngày rưỡi tôi “lượm” được trên một chục triệu, so với mức giá đóng phim 500 ngàn một phân đoạn thì tôi thấy mình như trúng số. Tuy nhiên công việc này không thường xuyên lắm vì phải hợp vai, nếu đóng thường xuyên tôi nghĩ mình sẽ giàu trong thời gian ngắn...”.

Với phim chiếu rạp, tưởng dễ nhưng khó ăn vì phải diễn sao cho khớp từng khẩu hình của diễn viên. Có lúc diễn viên thoại rất trời ơi ở ngoài hiện trường, có người khớp quá diễn không được, đạo diễn cho đếm số từ 1 đến 10, đặc biệt có người chỉ nói hoặc pha rất nhiều câu chửi thề nghe rất hài hước, khiến bộ phận lồng tiếng phải đổ mồ hôi hột, phải dò lại câu thoại, rồi thoại đúng với khẩu hình, những lần như vậy xem như mất thêm thời gian.

Bù lại, ở những bộ phim nước ngoài tưởng khó, nhưng chỉ cần nắm vững nội dung, thoại ào ạt rồi nhờ vào bộ phận kỹ thuật chỉnh theo hiện đại ngày nay, sẽ trở nên suôn sẻ ngon lành.

Riêng ở bộ phận lồng tiếng cho các phim bộ từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ... sẽ trở nên dễ dàng hơn với những diễn viên chuyên nghiệp được nhiều khán giả yêu thích hàng chục năm qua như: Thế Phương, Bích Ngọc, Bá Nghị và Thế Thanh… Nó thú vị là một diễn viên có thể lồng tiếng cho ba nhân vật từ vai bà ngoại, bà mẹ rồi em bé... cùng một thời điểm vẫn tỉnh bơ như không có gì. Dòng phim này tương đối phong phú và bình ổn, nên thu nhập khá ổn định, hầu hết đều yên tâm với công việc của mình.

Đôi lúc vì tiến độ gấp, lại nhận show nhiều, làm việc từ 8 giờ sáng đến tôi mịt mù là chuyện bình thường. Rơi vào trường hợp này, các diễn viên cần có độ nhạy bén, linh hoạt, rồi chịu khó đầu tư chất giọng bằng việc uống ước giá âm ấm, chanh, gừng ngâm mật ong, kiêng cafe, thuốc lá.... để chất giọng được “thọ” hơn. Đối với người lồng tiếng, họ sợ nhất là bị mất giọng bởi như thế xem như không làm ăn được gì.

Những ngôi sao ẩn mình

Chuyện về một Thế Phương từng giả giọng ông già lúc 20 tuổi, rồi thả hồn vào các nhân vật cực ác đến độ khán giả chỉ cần nghe anh nói chuyện ngoài đời vẫn có thể nhận ra, đây được xem là những trường hợp hy hữu, trời cho. Nhưng tính của anh này thích phiêu lưu, lúc đóng kịch, khi thì làm diễn viên rồi chuyển sang làm phó đạo diễn. Có thời, khán giả mê Minh Hằng trong loạt phim Mộng phù du, Ngã rẽ cuộc đời… hoặc như Đức Tiến, Như Phúc lần đầu “lơ ngơ” với lời thoại thu tiếng trực tiếp ở phim trường, chính Thế Phương đã dùng chất giọng “phù thuỷ” của mình để mồi cho các diễn viên này nhập vai một cách tốt nhất.

Hoặc các diễn viên lồng tiếng như: Thy Mai, Kim Phụng, Trung Châu, Thế Thanh… luôn được xem là chất giọng vàng ở lĩnh vực phim quảng cáo, phim truyện… Đây là những nhân tố có chất giọng tuyệt đẹp trời cho, nên mỗi lần ra quân là các nhà sản xuất xem như yên tâm trọn bề.