Thời tiết thay đổi thất thường gây ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ vì sức đề kháng của các con còn yếu. Đó trở thành nỗi lo lắng, trăn trở của nhiều cha mẹ. Vậy bí quyết nào giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ khi thời tiết giao mùa?
Nhiều bé nhỏ đến khám bệnh khi thời tiết giao mùa (Ảnh:Haokhanh)
Có lẽ những người mẹ như mình sẽ cảm thấy thật bối rối và lo lắng vì những ngày gần đây bé nhỏ liên tục bị bệnh. Từ những biểu hiện ban đầu, bé chỉ khò khè khi ngủ và có ho một vài cái về đêm nên mình chủ quan nghĩ là không sao cả. Thế nhưng những ngày tiếp theo bé có những triệu chứng nặng hơn như sốt, ho nhiều về đêm, hắt hơi, sổ mũi, tiêu chảy,…Và chỉ trong vòng một tuần bé đã 2 lần đến bệnh viện vì các triệu chứng cứ tái đi tái lại không dứt. Bé được bác sĩ chuẩn đoán là bị viêm tiểu phế quản và rối loạn tiêu hóa. Thế là bắt đầu hành trình hai mẹ con chăm sóc nhau vượt qua cơn bệnh. May sao nhờ sự kiên trì và cố gắng của hai mẹ con, chỉ trong vài ngày sức khỏe của bé có nhiều cải thiện, dần khỏe lại, chạy nhảy vui chơi và đi học bình thường như các bạn. Thật là một phen hú vía với cả gia đình.
Từ bài học trên, mình rút ra kinh nghiệm phải quan tâm và chú ý tới những biểu hiện của trẻ nhiều hơn, đặc biệt trong thời tiết giao mùa này.
Đây là một số bí quyết mình đã áp dụng và thấy hiệu quả muốn chia sẻ đến các cha mẹ:
Chế độ ăn uống khoa học
Tháp dinh dưỡng cho trẻ
Mình lên bản kế hoạch dinh dưỡng cho bé, cho con ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa,…Bên cạnh đó kết hợp nhiều loại rau củ quả, trái cây như cam, cà rốt, cà chua,…nhằm bổ sung những vitamin giúp tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, các thực phầm giàu men vi sinh như sữa chua cũng được bổ sung trong khẩu phần bữa xế của con mỗi ngày.
Rèn luyện thể dục thể thao
Mỗi buổi sáng, sau khi bé dậy và vệ sinh cơ thể, mình thường dẫn bé đi dạo ngoài trời. Việc tắm nắng vào buổi sớm từ 6-7 giờ sáng rất tốt vì cung cấp vitamin D cho con. Và mình nhận ra rằng con rất thích các hoạt động ngoài trời, con thích chạy theo những cánh bướm, bắt chước tiếng vịt kêu, chơi với những con mèo nhỏ,…Con chạy nhảy vui đùa, vận động giúp con rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất, từ đó nhanh đói bụng hơn và ăn uống tốt hơn (Đây là điều mình học được từ bác sĩ Đoàn Thị Lan – Chuyên khoa dinh dưỡng. Mình thường xem các bài viết, video,phóng sự của bác để học cách chăm con nhỏ, vì trước đây bé rất biếng ăn nguyên nhân do thói quen thường xuyên ăn vặt và lười vận động, chỉ ngồi xem tivi, điện thoại). Điều này vô cùng quan trọng, giúp con tăng cường sức đề kháng để chống lại các căn bệnh.
Thay đổi thói quen sinh hoạt cho trẻ
Những ngày này, thời tiết ẩm thấp, mưa gió và trở lạnh vào ban đêm, nên mình cố gắng giữ ấm cho con bằng cách lựa chọn trang phục đảm bảo thân nhiệt, nhiệt độ phòng phù hợp khoảng 25-28 độ C, bôi dầu tràm vào mũi, cổ, lòng bàn chân và massage cho bé. Điều này giúp con cảm thấy thoải mái, ngủ sâu giấc.
Ba mẹ nhớ cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày (Hình ảnh minh họa)
Mình thường xuyên cho bé uống nước ấm, đôi khi là uống nước gừng, mật ong (không dùng mật ong cho bé dưới 1 tuổi ba mẹ nhé). Chúng có rất nhiều chất giúp trẻ tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa các bệnh cảm cúm.
Chú ý hơn đến vấn đề vệ sinh cho con cũng là điều được mình quan tâm hàng đầu. Bé tắm nước ấm và thường xuyên cắt tỉa móng tay sạch sẽ. Súc miệng bằng dung dịch vệ sinh răng miệng.
Một trong những thành tựu mà mình cảm thấy rất vui là dạy cho con những thói quen tốt từ nhỏ. Bé tự giác lau dọn và sắp xếp đồ chơi sau khi con chơi xong, trước khi ăn uống thì rửa tay bằng dung dịch và xà phòng diệt khuẩn. Điều này giúp con ngăn ngừa được sự lây nhiễm của dịch bệnh.
Tiêm phòng đầy đủ
Mình thấy rằng có một số cha mẹ rất chủ quan trong vấn đề tiêm phòng của con, thậm chí một số người có suy nghĩ “anti vaccine”. Điều này thật nguy hiểm. Đặc biệt những tháng cuối năm này, khi dịch sởi và dịch cúm bùng phát, rất nhiều bé bị mắc bệnh vì không được chích ngừa đầy đủ.
Tiêm chủng cho bé (Hình ảnh minh họa)
Mình vẫn nhớ như in câu nói của vị bác sĩ vào lần đầu đưa bé đi tiêm chủng khi bé tròn 2 tháng tuổi. Bác nói:
“Hầu hết các bệnh giao mùa đều có thể được ngăn ngừa bằng vaccine. Tiêm chủng vaccine là “tấm khiên” bảo vệ con khỏi các bệnh truyền nhiễm, giúp con khỏe mạnh và phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Cha mẹ nhớ tiêm đầy đủ các mũi vaccine cho con nhé!”
Nghe lời bác nên tháng nào cũng vậy, dù bận rộn cỡ nào, hay đôi khi gặp khó khăn về vấn đề về kinh tế, mình cũng cố gắng sắp xếp thời gian và tiết kiệm hơn để con đi tiêm đúng hẹn, đủ mũi. Nhờ vậy mình cũng cảm thấy bớt lo hơn khi cho con đi học và ra ngoài vui chơi, không sợ con bị lây chéo bệnh và nếu có thì triệu chứng cũng nhẹ và bé nhanh khỏi hơn.
Nghe theo lời khuyên của bác sĩ
Thời buổi công nghệ hiện đại, chỉ bằng vài cú click chuột chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều thông tin về các phương pháp hoặc các loại thuốc chữa bệnh, ba mẹ hãy lí trí chọn lọc những thông tin hữu ích, cập nhật kiến thức hằng ngày ở trên các trang web chính chủ của Sở y tế và các bệnh viện nổi tiếng, uy tín để có phương pháp chăm sóc con đúng đắn nhé.
Dù trong tình trạng không mong muốn, đã cố gắng giữ gìn và bảo vệ sức khỏe của con nhưng bé vẫn bị bệnh, ba mẹ hãy bình tĩnh, kiên nhẫn đưa con đi khám, tuân thủ liệu trình của bác sĩ. Điều này sẽ giúp bé nhanh khỏi bệnh và có một nền tảng sức khỏe vững chắc để con thoải mái học tập và vui chơi.
Trên đây là một số bí quyết của mình trong hành trình 2 năm chăm sóc con nhỏ. Mình hi vọng rằng chúng sẽ mang lại những thông tin hữu ích giúp các bậc cha mẹ giống mình có cách chăm sóc con nhỏ một cách tốt hơn. Nếu bạn có những thông tin nào hay và hữu ích, đừng ngần ngại, hãy chia sẻ và góp ý với mình nhé, để các thiên thần của chúng ta luôn khỏe mạnh và lớn lên từng ngày!