ĐỜI SỐNG

Bí quyết tập trung và sáng tạo bằng âm nhạc

Cẩm Chi • 19-12-2022 • Lượt xem: 629
Bí quyết tập trung và sáng tạo bằng âm nhạc

Việc lựa chọn một list nhạc phù hợp để dành nghe khi làm việc sẽ tạo thành thói quen hữu ích. Khi đoạn nhạc quen thuộc vang lên, não bộ biết là đã đến giờ và điều khiển cơ thể (cả tâm trí) tiến vào trạng thái tập trung làm việc nhanh chóng.

Những bí quyết sau sẽ giúp mỗi người vận dụng âm nhạc hợp lý để mang lại hiệu quả cao trong công việc.

Hạn chế vừa nghe nhạc có lời khi làm việc

Bởi khi nghe nhạc bằng ngôn ngữ mà bạn hiểu, não bộ sẽ tự động dành một phần sự quan tâm đến nó. Và như vậy sẽ rất khó để hoàn toàn tập trung vào công việc.

Còn khi nghe nhạc không lời, bộ não sẽ chỉ nhận biết có giai điệu vang lên. Và một khi giai điệu này còn vang thì “chủ nhân” còn đang muốn làm việc. Vì vậy nó sẽ toàn tâm toàn ý giúp bản thể tập trung xử lý công việc (thay vì phải dành một phần “tâm trí” đi xử lý thông tin từ lời bài hát đem đến).

Không chỉnh âm lượng quá lớn

Thông thường, chỉ nên để âm lượng ở mức khoảng 50% là vừa. Tùy từng trường hợp môi trường bên ngoài có mức độ ồn ào khác nhau mà điều chỉnh lên hoặc xuống một chút. Thế nhưng cực kỳ hạn chế nghe âm lượng lớn hơn 80%, nhất là khi đeo tai nghe. Bởi âm lượng lớn cộng với thời gian dài sẽ gây tác hại đến thính giác người nghe. Rất nhiều người lao động trong các môi trường âm thanh lớn (công xưởng, bar, vũ trường...) về sau thường mắc các chứng lãng tai, thính giác suy yếu.

Với nhiều người, âm nhạc là thứ “thần dược” giúp họ tập trung khi làm việc (học tập).

Hơn nữa, cái gì quá mức đều không tốt. Âm thanh cũng vậy, quá lớn cũng không tốt cho sự tập trung. Bởi khi đó bộ não sẽ dành phần lớn sự chú ý vào âm thanh mà xao nhãng việc xử lý công việc. Hãy nhớ âm nhạc chỉ có vai trò làm nền, hỗ trợ để người nghe có trạng thái làm việc tốt hơn. Chứ nó không thể chiếm vị trí chủ đạo trong thời gian làm việc được.

Hai kiểu người không nên vừa nghe nhạc vừa làm việc

Người cần sự yên tĩnh tuyệt đối khi làm việc thì hoàn toàn không nên vừa nghe nhạc vừa làm việc. Bởi với họ, âm nhạc chỉ làm họ phân tâm. Nếu cần sự tập trung, họ chỉ nên đeo tai nghe (mà không bật nhạc) là được. Hành động này như một lời tuyên bố tế nhị với đồng nghiệp “tôi cần sự tập trung, xin đừng làm phiền”.

Người có trí nhớ kém cũng cần lưu ý khi muốn vừa nghe nhạc vừa làm việc. Bởi âm nhạc, nhất là nhạc có lời, sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn, khiến họ khó có thể xử lý các thông tin trong công việc (nhất là việc nhập các dữ liệu chữ số chẳng hạn).

Làm thế nào để chọn loại nhạc phù hợp với bản thân

Lưu ý mỗi người sẽ chỉ phù hợp với một (hoặc vài) thể loại âm nhạc nhất định. Chọn loại nhạc không thích hợp sẽ khiến bản thân khó chịu, nhức đầu, thậm chỉ tổn hại đến tinh thần. Về cơ bản, các loại nhạc sau sẽ giúp mọi người có trạng thái làm việc tốt hơn. Mỗi người hãy nghe thử và chọn loại phù hợp với bản thân.

Đầu tiên là nhạc Baroque. Đây là dòng nhạc cổ điển thịnh hành ở châu Âu khoảng thế kỷ 17 – 18. Khi nghe thể loại nhạc này nhịp tim của bạn sẽ chậm lại, huyết áp bình ổn, các loại sóng não hữu ích được tăng cường. Vì vậy, nhạc Baroque giúp người nghe trở nên bình tĩnh, không còn căng thẳng, não bộ sẽ dễ dàng tiếp thu và xử lý thông tin tập trung trong một thời gian dài. Hai tác gia nổi tiếng bậc nhất trong dòng nhạc này là J.S.Bach và Vivaldi. Hãy search cụm từ “the best of Bach” hoặc “the best of Vivaldi” để tìm kiếm những bản nhạc xuất sắc nhất của họ và nghe thử.

Johann Sebastian Bach là nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức và là tác gia tiêu biểu của dòng nhạc Baroque.

Ngoài dòng nhạc Baroque, mọi người cũng có thể nghe thử những bản nhạc cổ điển khác của các tác gia: Mozart, Beethoven, Chopin, Brahms… Chúng cũng được các nhà khoa học cho là có ích trong việc tập trung và cải thiện trí nhớ.

Với những người không thích dòng nhạc Baroque (hay rộng hơn là thể loại nhạc cổ điển) thì có thể thử nghe nhạc không lời. Ca từ sẽ khiến người nghe mất tập trung. Vì vậy những bản nhạc (hiện tại) không có lời là một sự lựa chọn đáng để thử. Giai điệu quen thuộc sẽ khiến người nghe có thiện cảm, dễ tiếp nhận. Đồng thời lại không có lời nên không làm mất tập trung. Điểm lưu ý là người nghe cần hạn chế lẩm nhẩm hát (ngân nga) theo giai điệu. Việc này sẽ làm bản thân bị xao nhãng. Và ai có thói quen này thì hoặc khắc chế, hoặc tốt nhất chọn một thể loại nhạc khác.

Những ai vừa không thích nhạc cổ điển, vừa có thói quen lẩm nhẩm hát theo cũng đừng lo lắng vì vẫn còn thể loại “nhạc” khác để thử. Gọi là nhạc thì không hẳn vì đây là những âm thanh thiên nhiên. Mọi người có thể tìm kiếm “dòng nhạc” này bằng cách search một trong các cụm từ “nature sounds”, “forest sounds”, “campfire sounds”... Đây là tập hợp những tiếng côn trùng, tiếng gió, tiếng dế, âm thanh bếp lửa cháy...

“Nature sounds” có thể giúp trí óc thanh thản tựa như khi đang cắm trại giữa

thiên nhiên.

Và những giai điệu của tự nhiên này giúp cải thiện tâm trạng người nghe, giúp não bộ tập trung hơn. Đặc biệt với những người thường xuyên bị căng thẳng hay đau đầu nghe nó sẽ giúp xoa dịu tinh thần, giúp cơ thể trở nên bình thản.

Nhạc sóng não cũng là một lựa chọn tiềm năng. Khoa học cho rằng đây là dòng nhạc có thể giúp người nghe giảm căng thẳng, bớt lo âu, xoa dịu mệt mỏi, tập trung làm việc, tăng cường sự sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế có hai điều cần lưu ý về loại nhạc này. Một là nó không phù hợp với tất cả mọi người. Nghe một thời gian có người có thể bị nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Và hai là khó xác định được đoạn nhạc gắn mác “nhạc sóng não” là thực hay giả. Vì thuốc không thể uống bậy, tương tự như vậy, nhạc sóng não cũng không thể nghe bậy được.