ĐỜI SỐNG

Bí quyết trang trí nhà đẹp ngày Tết

Hà Thành • 17-01-2023 • Lượt xem: 764
Bí quyết trang trí nhà đẹp ngày Tết

Ngôi nhà đẹp là do thiết kế hay, do thi công tốt. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần. Ngôi nhà đẹp nữa là do chủ nhân biết cách làm đẹp trong quá trình sống và sinh hoạt, biết làm cho ngôi nhà tươi mới, tình cảm, biết thổi hồn vào trong đó.  Khi mà kiến trúc và kể cả nội thất đã định hình rồi, bạn vẫn có thể làm cho ngôi nhà đẹp hơn bằng cách trang trí, sắp đặt cho không gian sống của mình. Việc này có thể và nên làm thường xuyên, và nhất là nên làm vào những dịp đặc biệt như ngày sinh nhật thành viên gia đình, ngày lễ, ngày Tết…

Trang trí nhà bằng cách sắp đặt

Việc trang trí nhà cửa có thể hiểu theo nghĩa rộng như là trang trí nội thất, bao hàm cả việc thiết kế. Việc này có thể làm từ khi hoàn thiện công trình như các công đoạn sơn tường, lắp đặt chiếu sáng, lắp đặt mành rèm, treo tranh ảnh, thiết kế - sản xuất - sắp đặt các đồ nội thất có tính trang trí như tủ, kệ… Bài viết này chỉ đề cập tới việc trang trí bằng cách sắp đặt đơn giản, không can thiệp vào những thành phần mang tính cố định cần thiết tới nhà thiết kế hay thợ chuyên ngành, và cũng không mất thời gian quá lâu, không tốn tiền hay phải cần tới thiết bị gì đặc biệt cho công việc.

Trang trí bằng cách sắp đặt hoàn toàn có thể tự làm bởi những thành viên trong gia đình, lúc nào cũng được. Nó cũng giống như thói quen chăm sóc, vệ sinh nhà cửa. Nếu làm và duy trì được điều này, bạn sẽ luôn cảm thấy ngôi nhà mình luôn mới mẻ, tạo nên nhiều cảm hứng và niềm vui cho cuộc sống.

Những nơi có thể sắp đặt - trang trí

Trang trí nhà phải chọn lọc, tìm ra những điểm nhấn để cho không gian đẹp hơn, hoặc khắc phục nhược điểm những chỗ xấu, chỗ không thuận mắt. Việc trang trí không nên thực hiện quá tràn lan sẽ không hiệu quả, mất thời gian và có thể cũng tốn kém ở mức độ nào đó. Những nơi cần trang trí, sắp đặt thường là:

- Góc tường, góc cầu thang, góc khu vực tiếp khách… dễ có khoảng trống. Nơi này phù hợp với vịêc trang trí vì không bị vướng trong sử dụng và làm nổi bật không gian chung lên.

- Gầm cầu thang (nếu không xây kín) - nơi này thường là nơi bất lợi, xấu trong không gian nhà ở.

- Trên các mặt bàn như bàn nước, bàn ăn… khi không sử dụng thường trống trải. Những vị trí này lại ở không gian chung hay được nhìn ngắm.

- Các tủ - kệ trang trí, kệ tivi, các mặt phẳng của các khối kiến trúc - nội thất, ô âm tường…

- Mặt bếp, mặt quầy bar, mặt bàn chậu rửa nhà vệ sinh

- Những mảng tường (thường ở những không gian chung)

- Vườn khô trong nhà, tiểu cảnh dưới giếng trời, các khoảng không gian đệm như sảnh, hiên…

- Các khoảng trống trên sàn ít sử dụng

Cần tránh sắp đặt trang trí ở các lối giao thông hẹp hoặc có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt khác.

Những “vật liệu” trang trí

- Hoa và cây xanh là những vật liệu phù hợp cho việc trang trí - sắp đặt. Hoa và cây xanh làm mềm đi những nét khô cứng của vật liệu kiến trúc - nội thất, đem thiên nhiên vào trong nhà. Hoa và cây xanh cũng rẻ và dễ mua; ngoài ra luôn luôn thay đổi nên tạo cảm giác mới mẻ.

- Quả (trái): Quả vừa dùng để trang trí, và cũng để… dùng luôn cho vấn đề ăn uống. Quả có thể bày ở bàn khách, bàn ăn hay mặt quầy bar. Quả để trang trí nên chọn những loại quả vỏ dày, lâu chín và có màu sắc đẹp

- Bình, lọ (bằng gốm, sứ, thủy tinh…) vừa là thứ trang trí độc lập phù hợp, vừa có thể kết hợp sử dụng (với hoa, cây xanh). Cần xem xét chất liệu, kiểu dáng cho những không gian, vị trí dự kiến sắp đặt cũng như với loại hoa, cây xanh kết hợp. Ví dụ như một không gian mới, hiện đại thì có thể dùng bình thủy tinh, pha lê; một không gian cũ, hoài cổ thì nên dùng bình gốm.

- Những đồ lưu niệm, đồ trang trí: Đó có thể là những bức tượng nhỏ, đồ chơi trẻ em, kỷ niệm chương, cúp giải thưởng… hay là những đồ mỹ nghệ có cả chức năng sử dụng như ly cốc, chân nến, gạt tàn thuốc lá… Những thứ đồ này nên có những tủ kệ riêng để sắp đặt (và lưu trữ) nhưng cũng có thể lựa chọn để đặt vào những chỗ cần thiết.

- Tranh ảnh: Ngoài những tranh ảnh lớn được treo cố định ở những vị trí theo thiết kế (thường được kết hợp chiếu sáng) thì các khung tranh, ảnh nhỏ (có chân, để bàn) là những thứ đồ trang trí rất hiệu quả và có ý nghĩa nếu đặt ở những vị trí thích hợp. Ngoài ra, một số chỗ tranh ảnh treo mà nội dung không quan trọng lắm có thể hoán đổi để tạo nên sự mới mẻ cho không gian.

- Những vật dụng: Có những thứ vật dụng, dụng cụ thường ngày mang tính công năng cũng có thể là đồ trang trí, tất nhiên phải có kiểu dáng, mẫu mã và màu sắc đẹp. Hãy sử dụng chính chúng để trang trí cho không gian đó. Ví dụ cây đàn guitar ở không gian sinh hoạt chung, chiếc ghế ở hiên, hộp tăm và ống dĩa đặt trên bàn ăn, xoong - nồi cùng những dụng cụ làm bếp ở khu vực bếp nấu, ấm chén uống nước ở bàn tiếp khách, loa ở kệ tivi…

Hãy luôn làm mới không gian sống

Một không gian, một căn phòng và những đồ đạc nội thất như bàn, ghế, giường, tủ… có thể hàng mấy năm vẫn y nguyên như thế, và chắc chắn sẽ gây nhàm chán. Nếu bạn chưa muốn cải tạo ngôi nhà theo kiểu sơn lại tường, đóng lại đồ, thay mẫu rèm… thì hãy làm mới không gian sống của mình theo cách sắp đặt, trang trí, rất đơn giản và hiệu quả. Việc này có thể làm thường xuyên hoặc vào những dịp đặc biệt trong gia đình. Tất cả mọi nơi đều có thể trang trí, từ sảnh cho tới phòng khách, phòng bếp – ăn hay những không gian riêng như phòng ngủ, phòng làm việc, và cả phòng vệ sinh. Bạn sẽ thấy không gian sống của gia đình mình mới mẻ hơn, những góc nhà đẹp hơn; và chính bạn sẽ thấy thích thú trong công việc này.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng trang trí cần đúng chỗ để tạo điểm nhấn, tránh trang trí quá nhiều mà cho kết quả ngược lại. Bên cạnh đó khi sắp đặt phải khéo léo và tự nhiên, đừng để trở thành khiên cưỡng, áp đặt. Ngoài vị trí lựa chọn để sắp đặt – trang trí thì việc lựa chọn chủng loại, kích thước, chất liệu, màu sắc của đồ, “vật liệu” trang trí – trong tương quan với đồ vật và không gian rất quan trọng để có một kết quả tốt. Cũng không nên tập trung quá nhiều đồ trang trí ở một khu vực, không đặt cạnh nhau với những đồ - chất liệu không phù hợp, ví dụ như pha lê và gốm mộc. Một số đồ trang trí lưu niệm có tính chất khen thưởng như cúp, cờ, giải thưởng, bằng khen… cần tiết chế, không bày ra quá nhiều ở không gian chung, có thể gây phản cảm.

Và cuối cùng, cần hiểu rằng để có những góc nhà đẹp, thì phần lớn nhờ vào óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của người sắp đặt chứ không phải phụ thuộc vào giá trị của những món đồ trang trí.