ĐỜI SỐNG

Biến chủng phụ BA.2.75 của Omicron có nguy cơ vượt trội hơn cả BA.5

Lan Hương • 19-08-2022 • Lượt xem: 246
Biến chủng phụ BA.2.75 của Omicron có nguy cơ vượt trội hơn cả BA.5

Biến chủng BA.2.75 đang trở thành biến chủng được quan tâm bởi sự lo ngại của các chuyên gia về việc chiếm ưu thế của chúng trên toàn cầu sau các làn sóng BA.5 hiện tại.

BA.2.75 là một biến chủng phụ thế hệ thứ 2 của Omicron, xuất phát từ biến chủng BA.2, còn được gọi là “Centaurus” hay là Omicron tàng hình. Được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào đầu tháng 5 và hiện nay có ít nhất 20 quốc gia trên toàn thế giới ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng này. Cho đến nay, số lượng ca nhiễm do biến chủng BA.2.75 đã chiếm tới 2/3 trong tổng số các trường hợp mắc Covid ở Ấn Độ.

Về biến chủng phụ BA.2.75

WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) đã đề cập tới biến chủng hoàn toàn mới của Omicron này trong bản tin công bố hồi đầu tháng 7, các chuyên gia cho rằng đây là phiên bản với khả năng né khỏi hệ miễn dịch với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Biến chủng này cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng bởi dự đoán tốc độ lây lan có thể cao hơn so với các biến chủng trước đây.   

Theo thông tin từ người sáng lập và là giám đốc viện nghiên cứu Scrip ở Mỹ - Tiến sĩ Eric Topol cho biết, biến thể BA.2.75 có hơn 8 đột biến khác so với chủng BA.5 vì thế nó có khả năng vượt qua hàng rào miễn dịch mạnh hơn.

Một nhà virus học thuộc Đại học Hoàng gia London – Tom Peacock cho hay, có một số đột biến chính trong protein gai của BA.2.75, đáng chú ý là khả năng lây lan rộng rãi và tăng trưởng nhanh trên nhiều lãnh thổ.  

Theo Jesse Bloom, một nhà virus học nổi tiếng khác từ viện nghiên cứu Ferd Hutch (Mỹ), thông qua quá trình nghiên cứu phân tích trình tự gene của biến chủng BA.2.75 cho thấy rằng, so với phiên bản gốc BA.2, biến chủng mới này có nhiều hơn 17 đột biến nucleotide.

Ngoài ra, hai đột biến quan trọng bao gồm G446S và Q493R của biến chủng có sự thay đổi kháng nguyên đáng kể so với phiên bản gốc. Điều này khiến cho biến chủng BA.2.75 có khả năng lẩn tránh nhiều kháng thể và dễ dàng xâm nhập vào các tế bào, từ đó dễ dàng lây nhiễm cho những người đã tiêm vacxin hoặc những người từng mắc Covid-19 hơn.

Hiện nay vẫn chưa có báo cáo cụ thể các khác biệt về triệu chứng khi mắc biến thể BA.2.75 so với các triệu chứng thường gặp. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn đang theo dõi và giám sát để hiểu hơn về đặc tính và mức độ nghiêm trọng của nó.

Theo CDC (Mỹ), các triệu chứng của Covid-19 thông thường được kể đến như sốt, ớn lạnh, ho, khó thở, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, nhức mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác, nghẹt mũi, viêm họng, chảy nước mũi, buồn nôn, tiêu chảy. Trong đó 4 triệu chứng điển hình của Omicron và các biến thể phụ của nó gồm ho, mệt mỏi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.

Mặc dù chưa có nhiều thông tin về BA.2.75, tuy nhiên với tốc độ lan truyền đáng kinh ngạc trên phạm vi địa lý nhiều quốc gia, các nhà nghiên cứu lo ngại có thể đây là mối nguy hại tiềm tàng của biến chủng này.

Việt Nam và biến chủng phụ thế hệ 2 của Omicron

Theo thông tin báo cáo của Cục y tế dự phòng ngày 17/8, Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng phụ BA.2.74, là loại biến chủng mới nhất thuộc thế hệ thứ 2 của biến chủng Omicron và chưa có thông tin cụ thể về số lượng ca mắc.

Trước tình hình cả nước bình quân với số lượng xấp xỉ 3000 ca mắc mỗi ngày, cùng với sự xuất hiện liên tục của các biến chủng mới, Cục Y tế dự phòng đề nghị các địa phương không chủ quan lơ là, nâng cao cảnh giác và bám sát tình hình dịch bệnh để kịp thời ứng phó với tình huống xấu nhất.

Ngoài việc tiêm vacxin đầy đủ theo đúng chỉ định, người dân cần nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống Covid – 19 như đeo khẩu trang, sát khuẩn, hạn chế tụ tập nơi đông người và nâng cao ý thức trong việc bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh.