ĐỜI SỐNG

Biến chủng phụ BA.5 xuất hiện ở Việt Nam, nguy cơ gây nên làn sóng Covid-19 mới?

Thi Thơ • 29-06-2022 • Lượt xem: 433
Biến chủng phụ BA.5 xuất hiện ở Việt Nam, nguy cơ gây nên làn sóng Covid-19 mới?

Hiện nay, nhiều biến chủng phụ của Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam, đặc biệt là biến chủng BA.5. Nó được cho là có khả năng lây lan mạnh gấp nhiều lần các biến thể trước của Omicron. 

Biến chủng phụ BA.5 nguy hiểm như thế nào?

Có thể nói BA.5 là một trong những biến chủng phổ biến trong các ca mắc Covid-19 tại phương Tây. Và đặc biệt, người đã mắc các biến chủng Omicron trước đây thì đều có thể mắc BA.5. Biến chủng này mang những đột biến độc đáo của riêng chúng, những thay đổi ở đột biến L452R, F486V trên protein gai giúp virus bám dính vào tế bào vật chủ nhanh hơn, dễ dàng hơn, thậm chí có thể điều chỉnh một số phản ứng miễn dịch.

Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM, biến chủng BA.5 lần đầu xuất hiện tại Nam Phi vào đầu năm 2022. Là một biến chủng của Omicron nên BA.5 đều có những đặc điểm như khả năng lây lan mạnh nhưng ít nguy cơ gây tử vong hơn Delta. 

Một điều không thể phủ nhận rằng nCoV đã thành thạo hơn việc tái tạo lại bên trong chính cơ thể con người. Hiện tại những người đã từng nhiễm Omicron trước đó hoàn toàn có thể tái nhiễm các biến chủng mới của Omicron. Do đó dù đã nhiễm BA.1, BA2 thì bệnh nhân hoàn toàn có thể bị nhiễm biến chủng BA.5 một lần nữa. Vì vậy các chuyên gia cho rằng, khi biến chủng BA.5 xâm nhập Việt Nam sẽ làm ít nhất 5% dân số bị nhiễm tùy thuộc vào tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19. 

“Tại Việt Nam, tỉ lệ tiêm vắc xin là cao nên tôi ước lượng tỉ lệ nhiễm biến chủng phụ này chưa tới 5%. Như vậy, biến chủng phụ BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc và sẽ tạo ra làn sóng dịch, nhưng chưa phải là bùng phát dịch. Nhưng làn sóng dịch này nhỏ hơn so với làn sóng dịch trước đây, không làm tăng nhiều số ca nặng và tử vong”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ. 

Omicron chưa phải là biến thể cuối cùng

Theo GS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bản chất virus SARS-CoV-2 là sự tiến hoá khôn lường. Nó liên tục biến đổi, khó xác định tính chất nguy hiểm và mức độ tử vong. Hiện nay Omicron là biến thể phổ biến nhưng chưa thể khẳng định nó là biến thể cuối cùng của làn sóng Covid-19 này bởi lẽ rất nhiều biến chủng phụ đang dần xuất hiện và làm cho người đã từng mắc Covid-19 tái nhiễm nhiều lần. 

“Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định COVID-19 trong tình trạng đại dịch trên phạm vi toàn cầu và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của virus SARS- CoV-2. Để đánh giá công bố hết tình trạng này hay không WHO 3 tháng có đánh giá lại 1 lần. Lần gần đây nhất vào tháng 4/2022 WHO đã có đánh giá cuối cùng và vẫn xem COVID-19 là tình trạng y tế công công khẩn cấp. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.”, GS Phan Trọng Lân cho biết. 

Hiện tại, biến chủng BA5 có thể “né” vắc xin một phần nào đó. Tuy nhiên đối với người đã tiêm vắc xin Covid-19 thì vắc xin vẫn phát huy tốt hiệu quả của mình đó chính là giảm mức độ nguy hiểm và tử vong cho người bệnh. 

Đặc biệt, theo nhiều nghiên cứu cho biết, nếu nhiễm biến chủng BA.1 khi chưa tiêm thi lượng kháng thể trung hòa tạo ra rất kém. Tuy nhiên nếu nhiễm sau khi đã tiêm vắc xin thì kháng thể sẽ bảo vệ chống lại biến chủng Delta và Omicron BA.1 nhưng lại không bảo vệ với BA4 hay BA.5. Do đó việc tiêm các mũi nhắc lại của vắc xin Covid-19 là một điều rất quan trọng và cần thiết đối với người dân hiện nay, đặc biệt là trước tình trạng biến chủng phụ BA.5 có nguy cơ xâm nhập Việt Nam cao khi khi người dân giao lưu, đi lại trong bối cảnh bình thường mới.