ĐỜI SỐNG

Biến đổi khí hậu làm gia tăng bệnh nấm

DDVN • 17-10-2023 • Lượt xem: 1240
Biến đổi khí hậu làm gia tăng bệnh nấm

Trang Popular Science dẫn lời giới chuyên gia nhận định khí hậu ấm áp, nhiều bão hơn sẽ khiến nhiều loại nấm gây bệnh sinh trưởng mạnh mẽ - nhiều loại trong số đó có thể lây nhiễm cho con người.

Đầu thế kỷ 21, bệnh nấm Coccidioides ít được biết đến tại Mỹ do mỗi năm chỉ có chưa tới 3.000 ca mắc và tập trung ở hai bang California, Arizona. Nhưng 20 năm qua, số ca mắc tăng hơn 7 lần và đã lan sang bang khác.

Không chỉ nấm Coccidioides mà nhiều bệnh nấm khác cũng xuất hiện ở những nơi chưa từng xuất hiện trước đây. Vài loại nấm trước đây vô hại hoặc có hại ít nay lại trở nên nguy hiểm với con người.

Theo giới khoa học, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu.Thay đổi về mô hình nhiệt độ cùng lượng mưa xảy ra ở khu vực nấm gây bệnh xuất hiện, thiên tai giúp nấm phát tán và lây nhiễm cho nhiều người hơn, nhiệt độ ấm tạo cơ hội cho nấm phát triển thành mầm bệnh nguy hiểm hơn.

Xuất hiện ở nơi chưa từng xuất hiện

Nấm là mầm bệnh “bị bỏ quên” trong thời gian dài. Đầu những năm 2000 giới khoa học chỉ cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ làm những bệnh truyền nhiễm (do vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng gây ra) như: dịch tả, sốt xuất huyết, sốt rét lan rộng hơn, bởi vì cho đến nay nấm vẫn chưa đem lại mối nguy lớn.

Nhiệt độ cơ thể cao giúp bảo vệ con người. Nhà vi trùng học Arturo Casadevall (Trường Y tế công Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins) giải thích nhiều loại nấm sinh trưởng tốt nhất ở 12 - 30 độ C nên chúng dễ dàng lây nhiễm cho thực vật cùng động vật biến nhiệt như lưỡng cư, cá, bò sát, côn trùng chứ không phát triển mạnh bên trong cơ thể ấm áp của động vật có vú. Số ít loại nấm có thể lây nhiễm cho con người như Cryptococcus, Penicillium, Aspergillus thường tập trung ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới - bằng chứng cho thấy nấm bị khí hậu giới hạn phạm vi sinh trưởng.

Nhưng ngày nay, khí hậu ấm lên giúp một số loại nấm gây bệnh lan sang khu vực mới, chẳng hạn như nấm Coccidioides. Một nghiên cứu gần đây của nhà khoa học Morgan Gorris (Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos) chỉ ra hiện tại có đến 217 hạt thuộc 12 bang ở Mỹ sở hữu điều kiện khí hậu thuận lợi cho loại nấm này sinh trưởng. Trong kịch bản phát thải khí nhà kính không suy giảm thì đến năm 2100 nhiệt độ tăng sẽ cho phép Coccidioides lan rộng về phía bắc đến 476 hạt thuộc 17 bang. Căn bệnh từng chỉ giới hạn ở vùng Tây Nam nước Mỹ có thể tiếp cận đến tận biên giới giáp Canada.

Các loại nấm Histoplasmosis, Blastomycosis, Chytrid… cũng phát triển bên ngoài khu vực trước đây, lan sang vùng ở độ cao và vĩ độ cao hơn. Không chỉ con người mà cây trồng cũng bị ảnh hưởng.

Biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng nhiệt độ mà còn làm thay đổi chu kỳ hạn hán và mưa lớn, qua đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm ở người.

Một nghiên cứu với hơn 81.000 trường hợp mắc nấm Coccidioides tại California giai đoạn 2000 - 2020 phát hiện bệnh có xu hướng gia tăng trong 2 năm sau hạn hán. Giới khoa học chưa hoàn toàn hiểu rõ lý do, một giả thuyết cho rằng Coccidioides tồn tại tốt hơn các vi sinh vật, phát triển nhanh chóng khi mưa quay trở lại rồi giải phóng bào tử vào không khí.

Bằng cách gây ra bão cùng cháy rừng dữ dội hơn, biến đổi khí hậu cũng giúp bào tử nấm lây lan xa hơn. Giới nghiên cứu ghi nhận nhiều đợt bùng phát bệnh nấm Coccidioides sau bão bụi hoặc cháy rừng.

Phát triển khả năng chịu nhiệt

Với biến đổi khí hậu, các loại nấm vô hại trước đây có thể phát triển khả năng chịu nhiệt và trở nên nguy hiểm hơn. Năm 2009, giới khoa học phát hiện một loại nấm lây nhiễm ở côn trùng chỉ sau 4 tháng đã tiến hóa để phát triển ở nhiệt độ 37 độ C - cao hơn giới hạn trước 5 độ C. Gần đây, qua nuôi cấy nấm Cryptococcus deneoformans (gây bệnh ở người) ở điều kiện 37 độ C và 30 độ C, các nhà nghiên cứu ghi nhận nhiệt độ cao hơn khiến đột biến DNA cao gấp 5 lần.

Trên thực tế, từ những năm 2000, vài loại nấm gây bệnh vàng lá ở lúa mì thích nghi tốt ở nhiệt độ cao hơn, chủng khỏe mạnh hơn và lan đến nhiều nơi khác.

Một số loại đã có thể vượt qua rào cản nhiệt độ cơ thể người. Năm 2009, các bác sĩ Nhật Bản phát hiện một loại nấm không rõ nguồn gốc từ dịch tai một phụ nữ 70 tuổi. Loại nấm mới (được đặt tên Candidaauris) nhanh chóng lan rộng gây nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng hàng loạt bệnh nhân.

Theo Cẩm Bình/1thegioi.vn