ĐỜI SỐNG

Biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe con người

Lan Hương • 13-11-2022 • Lượt xem: 723
Biến đổi khí hậu tác động nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe con người

Nhiệt độ tăng, nắng nóng kéo dài, cháy rừng, hạn hán, bão lũ, ngập lụt… là những hậu quả của biến đổi khí hậu diễn ra ở nhiều nơi những năm trở lại đây. Hiện tượng thời tiết cực đoan này gây thiệt hại không những về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người.

Theo các chuyên gia cho biết, rất nhiều đợt nắng nóng xảy ra cùng với các đám cháy rừng, nước sông đang dần cạn kiệt, nhiệt độ trái đất ngày một tăng là những thiệt hại không còn nghi ngờ nữa mà chính bởi biến đổi khí hậu gây ra.

Các chuyên gia đang lo ngại về khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, thế nhưng đây chỉ là một phần nhỏ so với những tác động của biến đổi khí hậu, vốn trầm trọng hơn nhiều và rất cần những biện pháp để kịp thời ứng phó.

Thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng trên toàn thế giới

Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 7/11 cho biết, tính từ đầu năm đến nay, có ít nhất 15.000 trường hợp tử vong ở Châu Âu là do nắng nóng. 2 trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là Đức và Tây Ban Nha.

Trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8, châu Âu đã trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất từ trước tới nay, nhiệt độ tăng cao dẫn đến những cơn hạn hán nặng nề mà lục địa này từng trải qua rất lâu kể từ thời Trung cổ.

Trong năm nay, hơn 57.200 ha rừng tại Pháp đã bị thiêu rụi, nhiều gấp 6 lần mức trung bình mỗi năm từ trước đến nay. Tại Tây Ban Nha, nhiệt độ đo được ở một số nơi có khi tăng đến 45 độ C, gây ra hàng chục vụ cháy rừng liên tục. Tại Anh cũng đã ghi nhận nhiệt độ đạt mức 40 độ hôm 19/7.

Các nhà khoa học cho hay, các đợt nắng nóng kéo dài như hiện nay chính là hệ quả của biến đổi khí hậu. Việc con người sử dụng nhiều các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đã làm cho thời tiết ngày một nóng hơn, các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên và kéo dài.

Tiến sĩ Yuming Guo (Trường ĐH Monash – Úc) cho biết: “Biến đổi khí hậu về dài hạn có thể làm gia tăng gánh nặng tử vong, khi số người chế do nắng nóng hiện nay ngày một gia tăng”.

WHO cho biết, biến đổi khí hậu khiến cho các dịch bệnh đang lan tràn khắp nơi trên thế giới hơn bao giờ hết. Mỗi năm có tới 150.000 trường hợp tử vong do các bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu, từ các bệnh về hô hấp, tiêu chảy cho đến các bệnh tim mạch do nhiệt độ tăng quá cao.

Việt Nam chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu về nhiều mặt

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia nhận định, biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp tác động đến sức khỏe con người. Các đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí gia tăng dẫn đến gia tăng một số nguy cơ tiêu cực với người cao tuổi, người mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, xương khớp, thần kinh, hô hấp hay dị ứng…

Nhiệt độ thay đổi cũng khiến cho nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, cúm mùa, thương hàn, tiêu chảy hay dịch tả… và rất nhiều các nhóm bệnh khác như say nắng, đột quỵ, tai biến do sốc nhiệt hay các đợt rét đậm trong thời gian tới.

Lũ lụt làm gia tăng các bệnh lây nhiễm do thiếu nước sạch, khiến cho hệ thống y tế gián đoạn, tăng tình trạng đuối nước… Hạn hán khiến cho sản lượng lương thực giảm sút, dẫn đến gia tăng các vấn đề về suy dinh dưỡng và các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.

Các đối tượng dễ bị ảnh hưởng và tổn thương nhất trong hệ quả này chính là người già, trẻ em, những người mắc bệnh mãn tính và những người khó khăn về kinh tế…

WHO ước tính đến năm 2030, các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu như sốc nhiệt có thể gây tử vong cho 38.000 người cao tuổi, 48.114 trường hợp tử vong ở trẻ em do tiêu chảy và 336 triệu người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét.

Từ đó cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đến trái đất và Việt Nam nói riêng là rất nghiêm trọng, đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức và sự nỗ lực trong các chính sách và đề ra biện pháp khắc phục của các ban ngành. Đồng thời cần gia tăng tuyên truyền và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi người dân, nhằm ứng phó với các biến đổi tiêu cực trong thời gian sắp tới.