ĐỜI SỐNG

Bộ Công Thương chỉ ra 4 nguyên nhân làm thiếu xăng dầu cục bộ

DDVN • 13-10-2022 • Lượt xem: 235
Bộ Công Thương chỉ ra 4 nguyên nhân làm thiếu xăng dầu cục bộ

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết việc thiếu xăng dầu cục bộ thời gian vừa qua là do 4 nguyên nhân chính.

Thông tin trên được Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông đưa ra tại buổi họp báo quý 3/2022 chiều 12.10. Ông Đông cho biết, ngoài 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện cả nước có 332 doanh nghiệp phân phối xăng dầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì họp báo

Theo quy định, doanh nghiệp phân phối xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp này đều ký kết hợp đồng và lấy hàng tương đối ổn định từ các nguồn hàng quen thuộc. Theo ông Đông, việc thiếu xăng dầu cục bộ thời gian vừa qua cơ bản xuất phát từ 4 yếu tố chính:

Thứ nhất là giá, nguồn cung xăng dầu thế giới biến động bất thường, biên độ giao động lớn và khó dự báo (nhất là trong giai đoạn quý 2 các doanh nghiệp đã nhập với khối lượng lớn giá cao do lo ngại nguồn cung thiếu nên sang quý 3, giá giảm mạnh, các doanh nghiệp đã bị thua lỗ lớn) nên thời gian gần đây các doanh nghiệp nhập khẩu, mua trong nước số lượng cầm chừng để hạn chế thua lỗ.

Thứ hai là từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng (chi phí vận chuyển, premium... tăng) nhưng những chi phí này không được Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh tăng kịp thời trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành (theo quy định việc điều chỉnh các chi phí này phải được thực hiện từ đầu tháng 7.2022 nhưng đến giữa tháng 10 mới được điều chỉnh) gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Để hạn chế thua lỗ, các doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động kinh doanh.

Thứ ba là mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.

Thứ tư là một số doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến thiếu nguồn hàng cho các thương nhân phân phối và các đại lý mua hàng của các thương nhân đầu mối này, dẫn đến việc thiếu nguồn cung cục bộ tại một số địa bàn.

Hiện Bộ Công Thương vẫn đang theo dõi và quản lý 332 thương nhân phân phối xăng dầu, tuy nhiên, theo quy định hiện hành không có quy định về việc đăng tải danh sách các thương nhân này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp các đơn vị chức năng cần cung cấp thông tin, Bộ Công Thương sẵn sàng cung cấp danh sách cụ thể của các thương nhân phân phối theo quy định.

Hiện cả nước chỉ có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 4 doanh nghiệp chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không tại các sân bay. Hệ thống bán lẻ xăng dầu hiện có khoảng gần 17.000 cửa hàng phân bố khắp các vùng miền trên cả nước.

Về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, ông Đông cho biết theo báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 Nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong 3 tháng cuối năm dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3, chiếm 80% tổng nhu cầu (hiện 2 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong quý 4/2022). Lượng còn lại sẽ nhập khẩu để bảo đảm cung ứng cho thị trường.

Về cơ bản, lượng sản xuất và nhập khẩu như trên theo đúng kế hoạch đã phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022. Nguồn cung xăng dầu trên thị trường mặc dù có nhiều khó khăn nhưng cơ bản vẫn được cung ứng đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tại một số địa bàn khu vực phía Nam có hiện tượng các cửa hàng xăng dầu đóng cửa, ngừng bán hàng.

Theo Tuyết Nhung/1thegioi.vn