Phòng ngủ là một không gian quen thuộc trong mỗi ngôi nhà, với mỗi người. Một người bình thường - không phải là kiến trúc sư hay nhà thiết kế nội thất cũng có thể tự bố trí phòng ngủ cho mình theo những nhu cầu của bản thân. Bố trí phòng ngủ không phức tạp; tuy vậy trong cũng có những nét cơ bản cần lưu ý, mà nếu làm theo và làm đúng, sẽ tạo được không gian phòng ngủ thẩm mỹ và tiện dụng hơn.
Bố trí đồ đạc
Trong phòng ngủ, thông thường có các đồ đạc, vật dụng sau đây: Giường ngủ, tủ đầu giường, bàn trang điểm, tủ quần áo, kệ tivi, kệ trang trí, bàn học - làm việc, bàn ghế nghỉ… Tất nhiên không phải phòng ngủ nào cũng có đầy đủ các đồ đạc như trên; và trong đó, giường là quan trọng nhất.
- Giường: Vị trí của giường quyết định cấu trúc phòng ngủ. Trước kia do điều kiện kinh tế khó khăn, diện tích ở chật hẹp, giường hay được kê sát vào tường, vào góc nhà để tận dụng diện tích. Hiện nay trong một phòng ngủ tiêu chuẩn thông thường, giường được kê vào giữa, đầu giường áp vào tường và hở hai phía vai. Điều kiện lý tưởng là cuối giường hướng về phía có cửa vào phòng; tránh việc cửa nằm cùng bức tường kê đầu giường, hoặc gần đầu giường. Tuy nhiên không nhất thiết “máy móc” là giường hở cả hai phía vai mới đẹp và tiện nghi. Với giường có kích thước nhỏ (rộng 1,4m, 1,2m) hoặc giường cá nhân sử dụng, giường cho trẻ em hoàn toàn có thể kê áp một bên vai vào tường, tùy các trường hợp cụ thể liên quan đến diện tích phòng và phương án sắp xếp các đồ đạc khác.
Vị trí đặt giường ngủ là yếu tố cơ bản tạo nên bố cục, cấu trúc phòng ngủ
- Tủ đầu giường: Rất nên có để thuận tiện trong sử dụng, sinh hoạt. Mặt trên tủ là kệ để đèn, để đồ cá nhân thường đeo, sử dụng như đồng hồ đeo tay, điện thoại, đồ trang sức của nữ…; ngăn tủ có thể đựng sổ sách, giấy tờ, thuốc y tế hoặc các đồ cá nhân ít sử dụng khác. Tủ đầu giường có chiều cao tương đương với mặt đệm nằm là phù hợp thẩm mỹ và sử dụng. Nếu mảng tường đầu giường không lớn và không có đồ đạc khác kê ở phía đó, thì tủ đầu giường có thể làm dài tới góc tường.
Tủ/kệ đầu giường rất quan trong và ý nghĩa trong sử dụng, thể hiện mức tiện nghi của phòng ngủ
- Bàn trang điểm: Bàn trang điểm cần kê ở góc có nhiều ánh sáng tự nhiên. Bàn trang điểm thường có gương phẳng gắn cố định, cần kê sao cho tránh chiếu gương vào giường ngủ. Vị trí tiện phù hợp và tiện lợi nhất là kê phía đầu giường, gương tựa vào mặt tường đầu giường sẽ tránh được điều đó.
- Tủ quần áo: Tủ quần áo nên kê ở phía có cửa ra vào để tiện lấy đồ. Trường hợp phòng ngủ có nhà vệ sinh liền kề bên trong thì cần tính toán cho vị trí tủ quần áo gần phòng vệ sinh, tránh phải đi chéo phòng hay xuyên phòng để lấy quần áo và tới nhà vệ sinh. Nếu tủ quần áo kê song song với vai giường thì cần khoảng cách tối thiểu 80-90cm cho giao thông và tiếp cận.
- Bàn làm việc: Bàn làm việc, bàn học trong phòng ngủ (nếu có) nên kê áp vào tường, không cần kê quay mặt ra ngoài vì chiếm nhiều diện tích. Thực tế trong phòng ngủ, bàn học – làm việc sử dụng với thời gian không quá lâu và cũng không phải là chỗ tiếp khách để phải kê hướng ra phía ngoài.
- Kệ tivi: Hiện đa phần các phòng ngủ chính trong ngôi nhà hiện đại đều trang bị tivi. Tivi có thể treo hoặc đặt trên kệ. Kệ tivi tiện nhất là đặt phía cuối giường. Trong phòng ngủ không nên làm kệ tivi quá lớn, trang bị quá nhiều thiết bị điện tử, sẽ không tốt cho sức khỏe và thiếu cảm giác bình an của phòng ngủ. Kệ tivi nên làm kết hợp với chức năng để đồ, trang trí.
Kệ tivi nên đặt cuối giuờng và kết hợp làm nơi trang trí
Chiếu sáng
- Đừng nghĩ rằng phòng ngủ thì để… ngủ nên không cần ánh sáng tự nhiên. Ánh sáng tự nhiên ngoài việc hỗ trợ các sinh hoạt khác trong phòng ngủ, còn có tác dụng tích cực đến tâm lý, sức khỏe, tạo sự sảng khoái, phấn chấn tinh thần khi ngủ dậy. Hướng chiếu sáng tự nhiên chính theo chiều ngang giường (vuông góc với vai giường) là tốt nhất. Có thể khai thác thêm ánh sáng từ hướng phía đầu và cuối giường, nhưng cần xem xét kỹ tới hướng địa lý tự nhiên để có giải pháp chắn nắng, chắn sáng phù hợp. Nếu khai thác ánh sáng, thông thoáng từ cửa sổ phía đầu giường thì tránh đặt cửa sổ ở phạm vi giường mà để lệch sang hai phía. Tuy nhiên thực tế hiện nay một số căn hộ chung cư có cửa sổ nằm ngay đầu giường (mà không được phép chỉnh sửa). Khi đó cần thiết kế một hệ thống mành rèm đủ “mạnh” để chắn sáng và tạo cảm giác an tâm.
Phòng ngủ cũng rất cần ánh sáng tự nhiên, nhưng cần có hệ thống mành/rèm phù hợp để điều tiết ánh sáng
- Chiếu sáng nhân tạo: Nên có tối thiểu hai hệ thống đèn: Một hệ thống đèn chiếu sáng chung cho những sinh hoạt chung nội bộ ở phòng ngủ, và một hệ thống chiếu sáng tức thời sử dụng trong thời gian ngắn. Hệ thống chiếu sáng chung có thể phân chia tiếp, cơ bản bố trí trên trần; có thể là đèn âm trần và đèn hắt khe, đèn âm trần và đèn chùm. Hệ thống chiếu sáng tức thời bố trí trên tường, sử dụng bóng sợi đốt; và có thể kết hợp chức năng trang trí. Hệ đèn này nhất thiết dùng công tắc đảo chiều: Một công tắc tắt/bật ở phía cửa vào phòng, một công tắc tắt/bật ở đầu giường ngủ.
Nên có tối thiểu 2 hệ thống đèn trong phòng ngủ, để tiện dụng trong từng hoàn cảnh sử dụng
- Đèn đầu giường: Là thành phần chiếu sáng nhân tạo bổ sung nhưng rất hữu dụng cho sinh hoạt, nhất là với những người có thói quen nằm trên giường đọc sách. Đèn đầu giường trong phạm vi nào đó cũng có thể sử dụng như hệ thống chiếu sáng tức thời, khi người sử dụng đang ở vị trí giường ngủ. Đèn đầu giường (có thể gắn tường hoặc đặt trên tủ đầu giường) cũng là thành phần trang trí làm tăng tính thẩm mỹ cho phòng ngủ. Lưu ý cổ cắm cấp điện cho loại đèn này.
Chất liệu và màu sắc
Phòng ngủ - chức năng chính là ngủ - nghỉ. Vì vậy, dù chủ nhân là một cặp vợ chồng trẻ có tính cách trẻ trung, mạnh mẽ, ưa sự mới lạ, khác thường; hay chủ nhân là một chú bé hiếu động; thì cũng nên tiết chế - tránh việc sự dụng quá nhiều vật liệu, màu sắc gây rối mắt. Cần tránh sử dụng quá nhiều các chất liệu kim loại, kính, đá trong phòng ngủ, sẽ gây cảm giác lạnh lẽo, bất an. Gỗ là chất liệu phù hợp cho phòng ngủ tạo cảm giác gần gũi và ấm áp. Màu sắc nên sử dụng các màu trầm ấm, nhã nhặn; có thể dùng các mảng màu mạnh dùng để nhấn một số chỗ nhưng không nên quá tràn lan. Mảng nhấn thường là mảng đầu giường để khi bước vào phòng có thể cảm nhận được, nhưng khi nằm ngủ - nghỉ lại không nhìn thấy, không bị phân tâm hay chói mắt. Màu trắng – sáng luôn cho cảm giác tinh khiết an lành, thảnh thơi; song cũng có thể là “dư sáng” nơi phòng ngủ, cần kết hợp với các màu trầm, và hệ thống mành rèm để điều tiết ánh sáng cho phù hợp trong từng hoàn cảnh sinh hoạt và nghỉ ngơi.
Màu sắc phòng ngủ cần kết hợp cân bằng giữa sáng và sẫm, mang lại cảm giác tinh khiết, an lành. Chất liệu ưu tiên gỗ cho cảm giác ấm áp, gần gũi.
Phòng vệ sinh riêng
Hiện nay, rất nhiều ngôi nhà ở được thiết kế phòng vệ sinh liền - trong phòng ngủ (phòng vệ sinh riêng). Điều này rất tiện lợi cho sinh hoạt, đặc biệt là đối với người già, trẻ em, hay những cặp vợ chống trẻ. Tuy vậy cũng cần cân nhắc mối quan hệ và tính tương tác giữa hai không gian này ở các yếu tố công năng, kỹ thuật, thẩm mỹ và thói quen sinh hoạt. Bởi có những người thích sự kín đáo, có người lại thích xu hướng “mở”, điều này đôi khi gây ra sự xung đột trong sinh hoạt, biến sự tiện lợi thành bất lợi. Và việc thiết kế một phòng vệ sinh riêng cũng cần xem xét trong tổng thể của mặt bằng tầng hay tổng thể ngôi nhà. Ví dụ như một tầng có hai phòng ngủ với hai vệ phòng vệ sinh riêng nhưng có diện tích nhỏ và mức độ tiện nghi không cao (do diện tích, tài chính); so với một tầng có hai phòng ngủ, có chung một phòng vệ sinh rộng rãi và tiện nghi – thì cái nào hơn, lựa chọn cái nào? Ngoài ra nó còn phụ thuộc vào cấu trúc phòng ngủ, giao thông nội bộ và nội dung đồ đạc bên trong. Làm một phòng vệ sinh riêng trong phòng ngủ, sẽ xuất hiện một cánh cửa trên bề mặt tường, có thể sẽ lấy đi mất chỗ kê một thứ đồ đạc cần thiết, như cái tủ quần áo chẳng hạn?!
Bố trí phòng vệ sinh riêng trong phòng ngủ cần cân nhắc trên nhiều phương diện: công năng, thẩm mỹ, kỹ thuật, thói quen sinh hoạt...