“Buồn hết đêm nay” là vở kịch được các thành viên của CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn biên soạn và trình diễn. Đây là thành quả của hơn 30 bạn sinh viên chuẩn bị trong suốt thời gian 4 tháng, và các bạn đã thực hiện rất trọn vẹn sản phẩm của mình.
Nội dung của vở kịch được lấy cảm hứng từ truyện “Thư” của Higashino Keigo. Tác phẩm được xuất bản tại Nhật Bản vào năm 2003. Khác với thể loại trinh thám mà Keigo thường hay viết, “Thư” tập trung vào những vấn đề tâm lý và nghịch lý xã hội. Và ê kíp của CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông đã khá thành công trong việc cải biên “Thư” và chuyển thể thành tác phẩm “Buồn hết đêm nay” của riêng mình.
Naoki của hiện tại và quá khứ - Nguồn: CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học KHXH&NV
Mặc dù “Buồn hết đêm nay” có khá nhiều khác biệt so với “Thư”, nhưng đây vẫn là một câu chuyện về những lời nói dối của cuộc đời. Câu chuyện xoay quanh Naoki, một chàng trai trẻ phải đối mặt với định kiến của xã hội khi anh trai cậu, Tsuyoshi, bị bắt vào tù vì tội giết người. Cuộc sống của Naoki đã bị đảo lộn khi tất cả mọi người xung quanh đều nhìn cậu như là em của một người tù nhân thay vì con người thật của cậu. Hai anh em họ vẫn tiếp tục trao đổi qua những lá thư nhưng chính những lá thư này lại đem đến những rắc rối cho Naoki và khiến cuộc sống cũng như chuyện tình cảm của cậu đi vào bế tắc.
Khác với “Thư”, “Buồn hết đêm nay” không chỉ tập trung vào câu chuyện của Naoki và những đau khổ của bản thân. Tất cả các nhân vật khác đều có những nỗi buồn riêng và mang trên mình những định kiến khác nhau của xã hội. Nhưng không ai trong số họ nhận ra rằng thứ thật sự xiềng xích tâm hồn không phải là định kiến của xã hội, mà chính là những suy nghĩ sâu thẳm trong chính bản thân mỗi người. Tất cả những bất hạnh đó cuốn vào nhau và trở thành lý do khiến các nhân vật cùng sống trong sự bế tắc. Cuối cùng, chỉ có một người có hạnh phúc thật sự chính là Yasuke Terao, một nhân vật phụ đã vượt qua định kiến về cái chết và sống hết mình cho đến giây phút cuối cùng. Yasuke thật sự là nhân vật phá bĩnh nhưng lại mang lại những bài học quý giá mà các nhân vật khác và người xem phải mơ ước.
Yasuke và Naoki - Nguồn: CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học KHXH&NV
Tuy vẫn chưa phải là xuất sắc nhưng “Buồn hết đêm nay” là một sản phẩm nghệ thuật rất chỉn chu. Các bạn sinh viên đã chứng tỏ được sự nghiêm túc của mình đối với nghệ thuật qua một màn trình diễn rất bài bản. Người xem đã thật sự đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, để cuối cùng chứng kiến một cái kết thúc có thể cho là có hậu so với nguyên tác “Thư”.
Trong suốt ba tiếng, các bạn đã đem đến cho người xem một trải nghiệm tốt nhất và không hề có một lỗi kỹ thuật nào. Tuy diễn xuất của một số sinh viên còn hơi thiếu tự nhiên, nhưng các bạn cho thấy sự nhập tâm cao độ trong việc thể hiện trọn vẹn vai diễn của mình. Tất cả các bạn cho chúng tôi thấy sự tôn trọng khán giả cũng như sự chuyên nghiệp của mình. Và ở đây phải thật sự đề cao diễn xuất của hai diễn viên đóng vai Yasuke (Thanh Nhân) và cô nhân viên nhà xuất bản Shizuka (Như Võ). Hai bạn đã thể hiện được sự lố của nhân vật mình hóa thân một cách tự nhiên và tự do nhất có thể. Cả hai đã phá vỡ không khí nặng nề của vở kịch trong khi vẫn đóng góp cho người xem những suy nghĩ rất thật về bản chất con người, xã hội và định kiến.
Shizuka đang xem tác phẩm của Naoki - Nguồn: CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học KHXH&NV
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin phép được gửi lời khen ngợi đến các bạn làm công tác tổ chức ánh sáng và âm nhạc, các bạn đã đem lại sức sống cho vở kịch. Đó là những bản nhạc rất hay từ ban nhạc Kaguyahime trong thời gian chờ vở kịch bắt đầu, và những giai điệu thật đẹp, thật buồn của ca sĩ Ái Phương và Phạm Hoài Nam trong xuyên suốt vở kịch. Sự phối hợp của âm thanh, ánh sáng cùng sự sắp xếp sân khấu làm cho vở kịch trở nên lôi cuốn hơn, và những phân đoạn chuyển cảnh cũng mượt mà hơn.
Chúng tôi đã đọc “Thư” của Higashino Keigo và chúng tôi rất yêu thích nguyên tác của ông. Nhưng “Buồn hết đêm nay” thật sự là một trải nghiệm mới lạ và thú vị. Tuy các diễn viên và ê kíp thực hiện là các bạn sinh viên còn rất trẻ, nhưng chúng tôi thấy được sự quyết tâm cũng như sự khám phá và dám thực hiện những ý tưởng mới. Cảm ơn các bạn sinh viên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và hẹn gặp lại các bạn ở một tác phẩm mới mà chúng tôi tin rằng đó cũng sẽ là một trải nghiệm mới cho cả các bạn và chúng tôi.
Khán giả chụp hình cùng ê kíp sản xuất và các bạn diễn viên - Nguồn: CLB Kịch khoa Báo chí và Truyền thông của Đại học KHXH&NV