ĐỜI SỐNG

Cà phê Việt - Những điều kiện bồi đắp cho hương vị vượt trội

Diễm Hương • 25-04-2022 • Lượt xem: 293
Cà phê Việt - Những điều kiện bồi đắp cho hương vị vượt trội

 

Nếu là một tín đồ có niềm đam mê với cà phê thì bạn cũng sẽ phần nào biết được sản lượng cà phê Việt Nam đứng hàng thứ hai trên thế giới chỉ sau Brazil. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc nước ta có những điều kiện gì để cho ra đời hạt cà phê chất lượng, và đâu là những vùng trồng cà phê ngon nhất chưa? Hãy cùng khám phá những điều thú vị ấy sau đây nhé.

Điều kiện tự nhiên ở Việt Nam khiến cà phê thơm ngon:

+ Thổ nhưỡng 

Các dải đất cao nguyên ở nước ta may mắn được tạo hóa ban cho đất đỏ Bazan màu mỡ và trù phú (2 triệu hecta, chiếm 60% đất bazan cả nước). Có khả năng giữ nước và hấp thu dinh dưỡng cao, giàu mùn và độ tơi xốp, nên rất thích hợp với giống cây như cà phê.

+ Độ cao

Cây cà phê thích hợp sống ở những vùng đồi núi cao (từ 600 cho đến 2500m). Mà ở nước ta, các vùng như: Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên... đều là những vùng canh tác trọng điểm đáp ứng được điều đó. Khi được trồng ở vị trí càng cao, chu kỳ sinh trưởng của cà phê sẽ càng kéo dài, quá trình tích lũy các chất dinh dưỡng sẽ diễn ra chậm, khiến hạt cứng và nặng hơn. Theo đó, hương vị cà phê cũng sẽ đậm đà và rõ nét.

+ Khí hậu

Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, kết hợp với bản tính vốn khó chìu của cây cà phê sẽ khiến cho hạt cà phê của nước ta trở nên đặc biệt hơn. Nhiệt độ 20 -26 độ C, sẽ là khoảng nhiệt độ thích hợp để cây cà phê phát triển. 

+ Lượng mưa

Lượng mưa cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình canh tác cây cà phê ở nước ta. Sự thay đổi đột ngột giữa mùa khô và mùa mưa sẽ giúp tăng cường dinh dưỡng cho cây, dẫn tới sự hình thành hoa cà phê. Lượng mưa cần và đủ để cây phát triển sẽ rơi vào khoảng 1300mm – 1900mm.

5 vùng đất trồng cà phê ngon ở Việt Nam:

+ Tây Nguyên 

Là dải đất có diện tích đất đỏ Bazan tương đối trù phú, đây được xem như một thiên đường cho cây cà phê sinh trưởng và phát triển. Thông thường, đất bazan tại đây sẽ tập trung phân bố ở những mặt bằng rộng, kèm với đó là độ cao lý tưởng, khí hậu mát mẻ, mưa nhiều, rất thích hợp với sự sinh trưởng của cây cà phê, đặc biệt là cà phê vối Robusta.

+ Gia Lai

Đây là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, cực kỳ phù hợp cho sự  phát triển của cây cà phê đặc biệt là giống Robusta - được xem là đặc sản của Gia Lai. Sự đặc biệt của cà phê Robusta trồng tại Gia Lai là hàm lượng cafein sẽ cao hơn, vị đậm hơn và mùi thơm cũng sẽ thuần khiết hơn. 

+ Buôn Ma Thuột 

Là nơi có sản lượng cà phê vối Robusta đứng đầu cả nước, được mệnh danh là thủ phủ của cà phê Việt Nam. Với độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa cùng đất đỏ bazan giàu dưỡng chất, đã góp phần làm cho hạt cà phê không chỉ thơm tự nhiên mà còn mang đến hương vị đậm đà, đặc trưng mà chỉ nơi này mới có được.

+ Khe Sanh

Đây được xem là một trong những vùng trồng cà phê chè Arabica trọng điểm của cả nước. Độ cao phù hợp cùng với  khí hậu, thổ nhưỡng tốt, khiến nơi đây luôn được đánh giá cao về chất lượng cà phê chè. Và chưa dừng lại ở đó, Khe Sanh còn có thể trồng được các giống cà phê khác như Catimor trái đỏ – góp phần làm cho cà phê Việt trở nên đa dạng hơn.

+ Cầu Đất

Là một trong những vùng cao nguyên nổi tiếng tại Việt Nam. Cầu Đất chứa rất nhiều lợi thế như độ cao hợp lý, biên độ nhiệt vừa mức, cùng với đất bazan màu mỡ, nên những cây cà phê ở đây đều phát triển rất tốt. Đặc biệt là giống cà phê Arabica được đánh giá là có hương vị hết sức đặc biệt bởi sự hòa quyện giữa vị đắng nhẹ cùng vị chua thanh đầy cuốn hút.

Từ những điều thú vị trên, chắc hẳn bạn đã hiểu được vì sao cà phê Việt Nam lại được lòng người sành uống và nhận được rất nhiều sự yêu thích của các quốc gia trên thế giới. Đó không chỉ là niềm tự hào về sản xuất, mà còn là động lực để Việt Nam khẳng định vị thế cà phê của nước nhà.