ĐỜI SỐNG

Các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người

Anh Tuấn • 10-06-2023 • Lượt xem: 1145
Các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người

Các tác động của biến đổi khí hậu bao gồm nhiệt độ ấm lên, lượng mưa thay đổi, tần suất hoặc cường độ của một số hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn... có thể ảnh hưởng cũng như đe dọa sức khỏe con người, thông qua thực phẩm ta ăn, nước chúng ta uống, cũng như không khí chúng ta hít thở.

Tác động có liên quan đến nhiệt độ

Nhiệt độ trung bình ấm hơn sẽ dẫn đến những ngày nóng hơn và cả những đợt nắng nóng thường xuyên kéo dài. Những thay đổi này sẽ dẫn đến sự gia tăng số ca tử vong. Nước ta đang trong giai đoạn bước vào giai đoạn El Nino, và theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, thì năm 2023 hiện tượng này sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm 2023, duy trì đến năm 2024 với xác suất xảy ra từ 70-80%.

Đối với sức khỏe con người, khi tiếp xúc với nhiệt độ quá cao có thể dẫn đến say nắng và mất nước, cũng như làm trầm trọng thêm một số căn bệnh như tim mạch, hô hấp và mạch máu não… Trong đó một số đối tượng dễ bị tổn thương là những người dành nhiều thời gian ở ngoài trời, các hộ gia đình có thu nhập thấp và người lớn tuổi. Ngoài ra, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và những người mắc một số bệnh lý ít có khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể… cũng cần được quan tâm.

Trong sự tương quan giữa thôn quê và thị thành, biến đổi khí hậu được cho là sẽ làm tăng tính dễ bị tổn thương của những cá thể trong các đô thị lớn trước các tác động sức khỏe liên quan đến nhiệt độ trong tương lai. Các đợt nắng nóng cũng thường đi kèm với không khí tù đọng, dẫn đến ô nhiễm không khí và các ảnh hưởng sức khỏe thêm trầm trọng...

Cháy rừng dự kiến cũng ​​sẽ tiếp tục gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng, tạo ra lượng khói và các chất gây ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe khác như SO2, NO2 và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi khác. Nồng độ CO2 tăng và nhiệt độ ấm hơn cũng ảnh hưởng đến các chất gây dị ứng trong không khí. Ngoài ra hàm lượng bụi mịn PM 2.5 (hạt có kích thước dưới 2.5 micromet) cũng có thể dẫn đến nhiều tác động xấu đối với sức khỏe, bao gồm ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và bệnh tim mạch…

Tác động từ các sự kiện thời tiết cực đoan

Sự gia tăng tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của một số sự kiện thời tiết cực đoan như lượng mưa lớn, lũ lụt, hạn hán và bão lũ… có thể đe dọa sức khỏe sức khỏe con người. Dù cho bước vào pha El Nino nhưng sự chuyển đổi từ La Nina sang El Nino, kết hợp với biến đổi khí hậu khó dự đoạn… thì tính bất ổn định ngày càng tăng lên và không loại trừ khả năng vẫn có thể hứng những cơn bão lớn và cả những trận lụt.

Đối với hiện tượng này, thì những người có nguy cơ cao nhất bao gồm trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người khuyết tật hoặc có bệnh lý nền... Các sự kiện cực đoan có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người theo một số cách như làm giảm mức độ an toàn lương thực - thực phẩm - nước uống, làm hư hại cầu đường, cản trở việc tiếp cận bệnh viện - nhà thuốc, làm gián đoạn các dịch vụ liên lạc, tiện ích chăm sóc sức khỏe… Ngoài những điều đó thì các bệnh do virus lây truyền thông qua vật chủ như muỗi, ve và bọ chét… cũng có thể gia tăng.

Ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt đối với sức khỏe con người ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi nó bắt đầu phá vỡ cơ sở hạ tầng quan trọng, như điện, dịch vụ nước uống, nước thải, đường xá và các cơ sở chăm sóc sức khỏe… Bởi vì nhiều hệ thống này phụ thuộc vào nhau, nên sự gián đoạn của một hệ thống có thể dẫn đến làm trì trệ thêm những hệ thống khác.

Để tránh tác động lớn này, những hành động có thể tiến hành ngay lúc bây giờ là chuẩn bị cũng như triển khai các hệ thống cảnh báo sớm, lập kế hoạch chi tiết cho các sự kiện khó đoán, mức độ nghiêm trọng… Ngoài ra việc trông cây gây rừng, quản lý rừng và ngăn cháy rừng cũng rất cần được quan tâm. Sự giảm thiểu này cũng có thể bắt đầu từ việc giảm hàm lượng thải khí nhà kính, như di chuyển bền vững bằng xe đạp, hoặc dùng nhiều hơn các phương tiện công cộng...

Sức khỏe tinh thần

Bất kỳ thay đổi nào về sức khỏe thể chất thì cũng có thể tác động nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần. Theo đó những người mắc bệnh tâm thần đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ quá cao. Các nghiên cứu cũng đã phát hiện ra rằng các bệnh nhân tâm thần có nguy cơ tử vong nhiều hơn 3 lần trong các đợt nắng nóng. Một số nhóm người có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần như trẻ em và người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tâm thần từ trước…

Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ vào năm 2017 cũng đã giới thiệu một thuật ngữ mới, là sự “lo lắng sinh thái”. Theo đó đây là “nỗi sợ hãi kinh niên có liên quan đến khả năng diệt vong của môi trường sống”. Một năm sau đó, thêm nhiều nghiên cứu cũng đã cho ra kết quả tương tự, khi chứng minh rằng nhiệt độ gia tăng hàng tháng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Hiện tượng này cũng có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ tự tử.

Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến mất việc làm, buộc mọi người phải chuyển đến sống ở môi trường mới… từ đó gây ra tổn hại đến sự gắn kết xã hội cũng như tài nguyên cộng đồng, và sâu xa hơn sẽ tạo ra các hậu quả về sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, nỗi sợ về biến đổi khí hậu và hạnh phúc cá nhân của chúng ta có thể gây ra sự đau khổ đáng kể.

Phản ứng với điều này, mới đây các trường học ở New Zealand cũng đã bắt đầu thêm vào chương trình giảng dạy biện pháp phòng tránh để giúp học sinh của mình bớt sự lo lắng về môi trường sống. Theo Yale Climate Connections của Đại học Yale (Mỹ), để quản lý các vấn đề sức khỏe tâm thần có liên quan đến biến đổi khí hậu, thì các bệnh nhân cần phải hiểu rõ mình đang mắc bệnh, từ đó cố gắng kết nối với cộng đồng và những người khác.

Theo nhiều nghiên cứu, người dân ở các nước đang phát triển có thể là những người dễ bị tổn thương nhất trước các rủi ro về mặt sức khỏe do biến đổi khí hậu gây ra. Một số nhóm dân số, chẳng hạn như trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và những người có thu nhập thấp… chính là lực lượng chịu nhiều tổn thương, từ đó đòi hỏi có những chính sách hỗ trợ phù hợp, đúng người, đúng lúc.