ĐỜI SỐNG

Các bước sơ cứu vết thương căn bản mà nhiều người vẫn chưa biết

Minh Trung • 19-08-2022 • Lượt xem: 253
Các bước sơ cứu vết thương căn bản mà nhiều người vẫn chưa biết

Hiểu và biết cách sơ cứu vết thương là cách để bảo vệ chính mình và những người xung quanh chúng ta. Sơ cứu không đúng cách có thể dẫn đến mất máu, nhiễm trùng, tệ hơn là hoại tử vùng vết thương. Vậy bạn đã biết cách sơ cứu vết thương một cách đúng đắn? Cùng tìm hiểu nhé.

Đánh giá vết thương 
Trước khi vào sơ cứu, chúng ta phải đánh giá về vết thương: mức độ chảy máu và mức độ nhiễm trùng. Ở bài này chỉ bàn về vết thương đơn giản, nghĩa là vết thương không sâu, chảy máu rỉ rã dễ cầm với đè ép và dễ dàng loại bỏ các vật bẩn.

Các bước thực hành 
Đầu tiên, rửa tay bạn với nước và xà phòng, sau đó rửa vết thương dưới vòi nước đang chảy. Bạn có thể rửa lại bằng nước muối sinh lý hoặc cồn iod pha loãng 1/10 hoặc dưới 2% để sát khuẩn (Nếu nghi ngờ vết thương chưa sạch). Nếu vết thương đang chảy máu, bạn hãy dùng gạc vô khuẩn đè trực tiếp lên vết thương và nâng cao chi (tay hoặc chân).
Tiếp đến là bao phủ vết thương với gạc vô khuẩn để tránh nhiễm trùng. Bạn nên băng vừa phải, thông thoáng, tránh băng chặt kín. Nếu vết thương nhỏ và ở vị trí ít đụng chạm, bạn có thể không băng vết thương.
Cuối cùng là giữ sạch vùng xung quanh vết thương. Thay băng mỗi ngày hoặc khi dịch thấm nhiều để hạn chế vết thương khô và dính vào gạc. Nếu thấy vết thương sưng đỏ, mủ ... thì phải đi khám.

Một số chú ý 
Nếu bạn không chắc có thể lấy hết bụi bẩn khỏi vết thương, đừng băng vết thương lại. Hãy nhờ sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Nếu vết thương sâu, máu bắn thành tia hoặc chảy liên tục không cầm thì bạn hãy dùng gạc, băng vô khuẩn đè mạnh vào vết thương, băng ép và nhanh chóng đi đến cơ sở y tế gần nhất.

Một số thắc mắc căn bản 
Chúng ta có nên sử dụng cồn iod và oxy già đổ trực tiếp lên vết thương đơn giản không? Câu trả lời: Không được khuyến cáo. Vì nó có thể phá hủy mô và chậm lành vết thương. Cồn Iod (cần thiết) sẽ dùng để sát khuẩn quanh mép vết thương. Với oxy già, có thể dùng cho vết thương chảy máu rỉ rả liên tục, mô hoại tử và dị vật nhỏ nhiều với mục tiêu cầm máu, loại bỏ các mô hoại tử, oxy già sỏi bọt đẩy các dị vật ra ngoài và phòng uốn ván. Tuy nhiên, việc này chỉ dành cho nhân viên y tế.
Làm sao biết mình đã tiêm phòng uốn ván hay chưa và khi nào thì tiêm? Khi bị một vật bằng kim loại làm bị thương thì cần tiêm phòng uốn ván. Có thể kiểm tra trong sổ tiêm của mình. Cần tiêm phòng uốn ván tốt nhất là ngay sau khi bị thương và trong vòng 24 giờ, đặc biệt khi vết thương được gây ra bởi kim loại.

Trên đây là một số kiến thức tham khảo về sơ cứu vết thương đơn giản. Hi vọng nó sẽ giúp ích cho các bạn trong những trường hợp chấn thương nhẹ để bảo vệ bản thân.