Mới đây, nhiều tài khoản trên nền tảng mạng xã hội Facebook, TikTok đã truyền tai nhau về đoạn video được đặt tên là “mặt trời đôi” xuất hiện trên bầu trời. Đã có rất nhiều bình luận, chia sẻ về hiện tượng lạ này được đông đảo cộng đồng mạng quan tâm.
Một tài khoản có nickname là Nhôm Kính Gia Khánh chia sẻ, hiện tượng trên có thể là do mặt trăng và mặt trời cùng nằm trên một điểm nhưng không đồng tâm. Bạn cho rằng, việc hiện tượng này xảy ra là một điềm báo may mắn, theo quan điểm của ông bà xưa “biến đổi trời đất ắt có cơ duyên”.
Bạn Hiền Nguyễn và Mê Len cùng một thắc mắc, trước giờ mặt trời chỉ có một, nhưng bây giờ lại chứng kiến nhiều bức ảnh, video quay lại 2 mặt trời xuất hiện cùng lúc, hai bạn đặt câu hỏi liệu đây có phải là một sản phẩm được tạo ra từ công nghệ, như photoshop chẳng hạn?
Hình ảnh 2 mặt trời xuất hiện cùng lúc được cộng đồng mạng chia sẻ nhiều ngày qua.
Tuy nhiên, theo đông đảo cộng đồng mạng cho biết, trước đó không lâu cũng đã có nhiều người chia sẻ đoạn video về hiện tượng 2 mặt trời xuất hiện cùng thời điểm nhưng lại ở Tứ Xuyên (Trung Quốc). Đoạn video đó là của một người đàn ông quay lại khi nhìn thấy hai mặt trời ẩn hiện trong mây và ngay lập tức quay lại khoảnh khắc đặc biệt đó và đăng tải lên mạng xã hội.
Người đàn ông tại Trung Quốc đã ghi lại hình ảnh 2 mặt trời xuất hiện cùng một thời điểm.
Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho rằng hiện tượng này xảy ra là do sự khúc xạ và tán xạ của ánh sáng trong khí quyển khi gặp điều kiện phù hợp sẽ tạo ra một hoặc nhiều lớp ảnh ảo của mặt trời. Tuy nhiên, hiện tượng xuất hiện 2 mặt trời cùng một lúc là vô cùng hiếm, nhưng đây được xem là hiện tượng quang học thuần túy chứ không phải một điềm báo, dự đoán tương lai gì cả.
Ông cho biết thêm, trong một số trường hợp, mặt trời và mặt trăng có vị trí gần nhau, kèm theo điều kiện ánh sáng và hiệu ứng của máy ảnh nên ảnh chụp, video quay lại sẽ có điều khác biệt, khiến nhiều người nhầm lẫn. Hoặc cũng có thể hiện tượng 2 mặt trời được tạo ra là do ánh sáng mặt trời phản xạ 2 lần trong các hạt nước gây ra sự tạo ảnh trên các đám mây.
Một số chuyên gia thiên văn học lại có góc nhìn giải thích khác như hiện tượng nhiều mặt trời xuất hiện cùng một lúc từng được ghi chép trong các tư liệu từ thời cổ đại, và có tên bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là Parhelion.
Theo mô tả ban đầu, Parhelion là do hai tia sáng nhỏ hình thành ở cả hai phía mặt trời khi gặp một loại mây nhất định, còn được gọi là mây ti. Những đám mây này có hình dạng giống như sợi tơ hoặc bông gòn và có chứa các tinh thể băng hoạt động như lăng kính nhỏ. Sau đó, những tinh thể băng đó sẽ tạo nên khúc xạ tia nắng của mặt trời. Từ đó, chúng sẽ làm lệch một phần tia sáng mặt trời đến một nơi khác tạo thành điểm cận nhật.
Tuy nhiên để hiện tượng Parhelion xảy ra cần phải đáp ứng đủ 2 điều kiện. Thứ nhất, các đám mây cần gắn với mặt trời. Thứ hai, các tầng mây phải mỏng, độ truyền ánh sáng phải tốt, đặc biệt góc giữa hai mặt trời và các tinh thể băng của mây li cùng với góc quan sát phải có độ chênh lệch nhất định thì mới có thể xảy ra hiện tượng trên.
Hình ảnh: Internet