ĐỜI SỐNG

Các nhà khoa học đưa ra lời giải thích mới về hậu chứng Covid-19 kéo dài

Anh Tuấn • 23-10-2023 • Lượt xem: 5671
Các nhà khoa học đưa ra lời giải thích mới về hậu chứng Covid-19 kéo dài

Tờ The New York Times đưa tin một nhóm các nhà khoa học đang đề xuất cách giải thích mới cho một số trường hợp mắc hội chứng Covid-19 kéo dài, dựa trên phát hiện về mức serotonin thấp.

Trong một nghiên cứu vừa được công bố hôm thứ Hai trên tạp chí Cell, các nhà khoa học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho rằng việc giảm serotonin có nguồn gốc từ tàn dư của virus tồn tại trong ruột người bệnh. Họ cho rằng serotonin bị cạn kiệt có thể giải thích các vấn đề suy giảm trí nhớ cũng như một số triệu chứng về thần kinh và nhận thức của hội chứng Covid-19 kéo dài.

Những cách mới để chẩn đoán và điều trị Covid-19 kéo dài

Đại dịch Covid -19 có thể coi như gần như kết thúc với vaccine và các biện pháp tăng cường hệ thống miễn dịch, nhưng hậu chứng của nó, gồm các tác động như mất ngủ, rụng tóc, đánh trống ngực, hụt hơi... thì dường như chưa có cách nào giải quyết triệt để. Những điều này ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì thế, một trong những mối quan tâm hàng đầu không chỉ của các bệnh nhân mà còn là của các nhà nghiên cứu chính là nguyên nhân và cách chữa trị các hậu chứng này. 

Nghiên cứu nói trên là một trong một số những phát hiện mới ghi lại những thay đổi sinh học rõ rệt trong cơ thể của những người mắc hậu chứng Covid-19 kéo dài - mang đến những khám phá quan trọng về căn bệnh này. Nghiên cứu chỉ ra hướng điều trị khả thi, bao gồm cả thuốc tăng cường serotonin. Và các học giả cho biết nghiên cứu này có thể góp phần thống nhất nhiều lý thuyết chính về nguyên nhân gây ra hậu chứng Covid kéo dài: tàn tích còn sót lại của virus, tình trạng viêm, tăng khả năng đông máu và rối loạn chức năng của hệ thần kinh tự trị.

What You Should Know About Serotonin Syndrome - Clearbrook Massachusetts

Christoph Thaiss, tác giả chính của nghiên cứu và là trợ lý giáo sư về vi sinh học tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết: “Tất cả những giả thuyết khác nhau đều có thể được kết nối thông qua con đường serotonin. Ngay cả khi không phải ai cũng gặp những tình trạng xấu trong con đường serotonin, thì ít nhất một nhóm nhỏ có thể giảm bớt những tác động xấu với các liệu pháp kích hoạt con đường này”.

Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale và nhóm của cô gần đây cũng đã công bố một nghiên cứu nhằm xác định những thay đổi sinh học khác có liên quan đến một số trường hợp mắc hậu chứng Covid kéo dài, bao gồm cả mức độ hormone cortisol. Những nghiên cứu này có thể chỉ ra các phân nhóm cụ thể của Covid kéo dài hoặc các chỉ số sinh học khác nhau ở các thời điểm khác nhau trong tình trạng bệnh.

Serotonin là một hormone đặc biệt, nó đảm nhiệm nhiều chức năng sinh lý trong cơ thể con người và còn được biết đến với tên gọi là hormone hạnh phúc. Nó có mặt ở nhiều cơ quan trong cơ thể, điển hình là não bộ, tiểu cầu trong máu và đường ruột. Một trong số những chức năng chính của nó là chất dẫn truyền tín hiệu cho các tế bào thần kinh, điều chỉnh khả năng nhận thức, vận động, cảm xúc, duy trì tâm trạng và cảm giác thèm ăn.

Tác hại của virus tàn dư trong ruột

Các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu máu của 58 bệnh nhân mắc hội chứng Covid-19 kéo dài từ 3 - 22 tháng kể từ khi nhiễm bệnh. Những kết quả đó được so sánh với phân tích máu của 30 người không có triệu chứng sau Covid và 60 bệnh nhân đang ở giai đoạn đầu, cấp tính của nhiễm virus Corona.

Maayan Levy, tác giả chính và trợ lý giáo sư vi sinh học tại Trường Y Perelman, cho biết mức độ serotonin và các chất chuyển hóa khác đã bị thay đổi ngay sau khi nhiễm virus corona, một điều cũng xảy ra ngay sau khi nhiễm virus khác. Nhưng ở những người mắc hậu chứng Covid-19 kéo dài, serotonin là phân tử quan trọng duy nhất không phục hồi về mức trước khi tác động.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích mẫu phân của một số bệnh nhân mắc hội chứng này và phát hiện ra rằng chúng chứa các tàn dư virus sót lại. Kết hợp những phát hiện ở bệnh nhân với nghiên cứu trên chuột và mô hình thu nhỏ của ruột người, nơi sản sinh ra hầu hết serotonin, nhóm nghiên cứu đã xác định được một con đường có thể là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp mắc bệnh Covid-19 kéo dài.

Như vậy quy trình nói trên có thể tóm gọn như sau: Tàn dư của virus thúc đẩy hệ thống miễn dịch tạo ra các protein chống nhiễm trùng gọi là interferon. Interferon gây viêm làm giảm khả năng hấp thụ tryptophan của cơ thể, và đây cũng là một loại axit amin giúp sản xuất serotonin trong ruột. Các cục máu đông hình thành sau khi nhiễm virus Corona có thể làm suy giảm khả năng lưu thông serotonin của cơ thể.

Long COVID-19 Syndrome Symptoms, Treatment, Prevention

Các nhà nghiên cứu cho biết serotonin bị cạn kiệt sẽ làm gián đoạn hệ thần kinh phế vị, có vai trò truyền tín hiệu giữa cơ thể và não. Serotonin đóng một vai trò trong trí nhớ ngắn hạn, và các nhà nghiên cứu đề xuất rằng serotonin bị cạn kiệt có thể dẫn đến các vấn đề về trí nhớ và các vấn đề nhận thức khác mà nhiều người mắc bệnh Covid-19 lâu năm đã gặp phải.

Trước khi các nhà khoa học đưa ra biện pháp theo hướng cải thiện serotonin, bệnh nhân cũng có thể tự mình cải thiện tình trạng nói trên bằng cách tiêm chủng vaccine đúng liều và đúng lượng. Theo các nhà khoa học, vaccine có thể làm giảm khả năng mắc hậu chứng Covid-19 kéo dài bằng cách giúp ngăn ngừa Covid-19 ngay từ đầu.

Trong một nghiên cứu gần đây , những người được tiêm chủng đầy đủ được chứng minh là ít có khả năng phát triển các triệu chứng Covid-19 kéo dài hơn nhiều. Một lời giải thích khả dĩ cho điều này là khi tiêm chủng, tải lượng vi rút sẽ nhỏ hơn, điều này làm giảm khả năng vi rút lây nhiễm vào não, tim và các hệ thống cơ thể khác.