ĐỜI SỐNG

Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện hạt vi nhựa trong đám mây

Lan Hương • 02-10-2023 • Lượt xem: 1558
Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện hạt vi nhựa trong đám mây

Trong những đám mây cũng ẩn chứa hạt vi nhựa, đây là phát hiện mới được công bố trên tạp chí Environmental Chemistry letters do các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu và thu thập từ các đám mây trên đỉnh núi Phú Sĩ.

Mới đây, giới nghiên cứu ở Nhật đã xác nhận sự hiện diện của hạt vi nhựa trong các đám mây. Đây là loại hạt vi nhựa tìm thấy trong hệ sinh thái đại dương hay rải rác trong băng ở Bắc Cực, và có thể chúng đã xâm nhập vào khí quyển khi nước biển bốc hơi ngưng tụ thành mây.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Giáo sư Hiroshi Okochi (Đại học Waseda) cho biết, họ đã leo lên núi Phú Sĩ và núi Tanzawa-Oyama thuộc tỉnh Kanagawa, thu thập nước từ sương mù bao phủ ở chân núi và đỉnh núi, sau đó sử dụng các kỹ thuật phân tích hình ảnh tiên tiến để xác định tính chất hóa học, vật lý của 44 mẫu thử.

Các nhà khoa học đã tìm thấy hạt vi nhựa trong những đám mây ở chân núi, đỉnh núi Phú Sĩ và cả núi Oyama.

Qua kết quả phân tích, các nhà nghiên cứu tìm thấy tổng cộng 70 hạt vi nhựa, trong đó có 9 loại polyme khác nhau và một loại cao su. Trung bình các hạt có kích thước từ 7,1 - 94,6 micromet. Trong kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học còn xác định được mỗi lít nước mây chứa từ 6,7 – 13,9 mảnh nhựa.

Các hạt này khi tiếp cận tầng khí quyển và tiếp xúc với bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời sẽ bị phân hủy và tạo ra khí nhà kính. Hơn nữa, số lượng polyme ưa nước rất nhiều, điều này nói lên các hạt vi nhựa đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mây một cách nhanh chóng.

Hạt vi nhựa có thể góp phần tác động đến khí hậu.

Cho đến nay, người ta biết rất ít về tác động các hạt này có thể gây ra, thế nhưng chúng có thể góp phần tác động đến khí hậu. Các hạt vi nhựa hoạt động tương tự như những hạt giống, khiến các giọt mây xung quanh ngưng tụ thành mưa, từ đó làm tăng lượng mây thoát ra và tổng lượng mưa.

Khi các hạt vi nhựa từ mây theo mưa rơi xuống đất, chúng có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua các sản phẩm cây trồng, vật nuôi gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường ăn hoặc uống.

Ông Hiroshi Okochi cho biết thêm, nếu tình trạng ô nhiễm nhựa trong không khí không có biện pháp giải quyết, thì rủi ro sinh thái và biến đổi khí hậu có thể trở thành hiện thực nhanh chóng trong tương lai, mang đến nhiều thiệt hại cho môi tường mà không có cách nào khắc phục được.

Vào tháng 8 vừa rồi, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra 9 loại vi nhựa trong 5 loại mô tim của 15 bệnh nhân tại bệnh viện Anzhen - Bắc Kinh. Nghiên cứu được công bố ngày 10/8 trên tờ Environmental Science & Technology trình bày về việc các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trung bình con người mỗi tuần sẽ hít phải lượng vi nhựa to bằng chiếc thẻ tín dụng.

Mỗi tuần con người có thể nạp vào cơ thể lượng vi nhựa tương đương một chiếc thẻ tín dụng.

Hạt vi nhựa còn được các nhà khoa học tìm thấy trong mẫu máu của bệnh nhân trước và sau khi phẫu thuật. Họ cho rằng bệnh nhân đã nuốt hoặc hít phải vi nhựa, những vi nhựa này sẽ bám vào màng ngoài của tế bào hồng cầu, gây ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy trong cơ thể.

Vi nhựa được định nghĩa là các hạt nhựa có kích thước dưới 5mm, được tìm thấy trong nước thải công nghiệp, lốp ô tô tổng hợp, từ dệt may, các sản phẩm chăm sóc cá nhân… Nhiều bằng chứng cho thấy các hạt vi nhựa tác động rất lớn đến sức khỏe con người về lâu dài, gây ra các vấn đề về tim phổi, có khả năng phát triển thành ung thư, suy giảm trí nhớ và các vấn đề về sinh sản.