ĐỜI SỐNG

Các thao tác bảo dưỡng điều hòa sau một thời gian dài không sử dụng

Diễm Chi • 25-09-2023 • Lượt xem: 815
Các thao tác bảo dưỡng điều hòa sau một thời gian dài không sử dụng

Sau một mùa nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến mang theo những cơn mưa khiến thời tiết trở nên mát mẻ và dễ chịu hơn. Cũng chính vì vậy, nhu cầu và tần suất sử dụng thiết bị hay điều hòa cũng giảm xuống đáng kể và bắt đầu cho một “chu kỳ” nghỉ ngơi dài hạn. Tuy nhiên, để kéo dài tuổi thọ của các thiết bị điện, đặc biệt là máy lạnh, chúng ta cần thực hiện một số thao tác đơn giản bảo dưỡng trước khi chính thức cho chúng “nghỉ ngơi”.

Xem thêm:

Mách bạn cách chi tiêu hợp lý khi mức lương chỉ ở ngưỡng 10 triệu đồng/tháng

Trong giai đoạn nắng nóng, có thể nói, các thiết bị làm mát như điều hòa hay máy lạnh đã phát huy hết công suất và vai trò của mình để phục vụ cho nhu cầu sử dụng của con người. Ở giai đoạn thời tiết trở nên mát mẻ hơn, tần suất sử dụng các thiết bị này cũng giảm một cách đáng kể.

Đặc biệt, đối với máy điều hòa một chiều chỉ có chức năng làm lạnh, khi thời tiết trở nên mát mẻ, nhiều người cũng tận dụng chính cơ hội này để cho các thiết bị có cơ hội được nghỉ ngơi dài hạn. Tuy nhiên, việc để các thiết bị điện ngừng hoạt động sau một thời gian dài có thể dẫn để tình trạng làm giảm hiệu suất của thiết bị nếu như trước đó chúng ta không thực hiện các công tác bảo dưỡng cơ bản.

Máy điều hòa một chiều là thiết bị chỉ có chức năng làm lạnh, khi hoạt động, máy sẽ thổi ra những nguồn hơi lạnh, làm giảm nhiệt độ trong phòng, khiến căn phòng trở nên mát mẻ hơn trong những ngày oi bức. 

Theo thông tin các đơn vị sản xuất và phân phối điều hòa, người dùng cần lưu ý thực hiện một số thao tác cơ bản để đảm bảo tuổi thọ của thiết bị, góp phần tiết kiệm điện cũng như đảm bảo an toàn. Dẫu vậy, mặc dù là những thao tác cơ bản, có thể thực hiện một cách dễ dàng, song nhiều người lại chủ quan hoặc quên thực hiện.

Sau đây là các thao tác đơn giản mà người dùng có thể thực hiện để đảm bảo sau khi sử dụng lại thiết bị vẫn sẽ hoạt động tốt và ổn định với hiệu suất cao.

Các thao tác bảo dưỡng máy lạnh trước khi ngưng sử dụng trong một thời gian dài

Kiểm tra và làm sạch bộ lọc

Một trong những thao tác cơ bản không ai không biết trước khi ngừng sử dụng một thiết bị chính là làm vệ sinh thiết bị đó. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc vệ sinh không cần diễn ra một cách phức tạp mà chỉ cần xét trên các bộ phận cơ bản của thiết bị như phần vỏ, khu vực cục nóng và đặc biệt nhất chính là bộ lọc. 

Để vệ sinh bộ lọc, trước tiên, người dùng cần đảm bảo thiết bị đã được ngắt điện. Thông thường, lưới lọc bụi là bộ phận được lắp sau mặt nạ của điều hòa. Lưới lọc sẽ có tác dụng lọc sạch bụi bẩn với nhiều kích thước nói chung. Việc vệ sinh bộ lọc có thể thực hiện một cách đơn giản là sử dụng khăn ẩm để lau sạch, đối với lưới lọc có thể sử dụng bàn chải mềm để làm sạch hoặc rửa sạch bằng nước trong trường hợp chúng quá bẩn.

Việc vệ sinh sơ bộ bên ngoài và bên trong thiết bị có thể góp phần hạn chế các lớp bụi đóng một cách dày đặc sau một thời gian dài không sử dụng. 

Làm khô các bộ phận sau khi vệ sinh

Tuy nhiên, người dùng cũng cần cẩn thận và lưu ý, sau khi tiến hành làm sạch, các thiết bị cần được làm khô trước khi lắp chúng trở lại vị trí ban đầu.

Để giúp làm khô một cách triệt để các bộ phận nhanh hơn, chuyên trang của siêu thị Điện máy Xanh cũng hướng dẫn người dùng có thể tận dụng chức năng Fan Mode sẵn có của máy lạnh. 

Sau khi các bộ phận được lắp vào đúng vị trí, người dùng tiến hành bật chế độ Fan Mode trong thời gian khoảng 15 phút, lúc này, động cơ phía bên trong dàn lạnh và hơi nước còn đọng sẽ lại sẽ được làm khô nhanh chóng.

Ngắt hoàn toàn nguồn điện vào thiết bị

Sau khi đã vệ sinh, làm khô hoàn toàn các bộ phận, để giúp tiết kiệm cũng như cũng như đảm bảo an toàn, người dùng cần ngắt hoàn toàn nguồn điện vào thiết bị máy lạnh hay điều hòa bằng cách dập cầu dao hoặc đóng aptomat. 

Theo các thông tin mà chuyên gia cung cấp, việc đơn thuần tắt thiết bị bằng remote, hay còn gọi là điều khiển của thiết bị, không thể ngắt hoàn toàn nguồn điện được nạp vào thiết bị mà thay vào đó, thiết bị chỉ chuyển sang chế độ chờ Stand by.

Theo một số dữ liệu được cung cấp sau khi thực hiện các thí nghiệm hay chính trải nghiệm chân thật của người dùng cũng chỉ ra, việc tắt điều hòa hay máy lạnh bằng remote, thiết bị vẫn sẽ tiếp tục tiêu thụ một lượng điện trong khoảng 1-3W điện/giờ. Vậy số tiền cần phải trả cho lượng điện hao phí trong một tháng sẽ là 1.500 đồng - 4.000 đồng tương ứng với 1 - 2 số điện.

Khi thiết bị ở chế độ chờ quá lâu, vô hình chung, tuổi thọ của các linh kiện bên trong thiết bị cũng sẽ giảm đáng kể, hơn thế, hành động này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra chập và cháy vô cùng nguy hiểm.

Cuối cùng, một điều mà người dùng không thể quên đó chính là tháo rời pin ra khỏi remote khi không sử dụng trong một thời gian dài. Bởi lẽ, cộng với điều kiện thời tiết, việc để pin trong thiết bị điều khiển một thời gian dài có thể gây chảy nước, hoen rỉ, hư hỏng mạch,...

Cần làm gì sau khi sử dụng lại thiết bị?

Vệ sinh thiết bị

Sau một thời gian dài không sử dụng, việc điều hòa bị bám bụi là điều không thể tránh khỏi. Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, đối với điều hòa ngưng sử dụng trong khoảng thời gian từ 3 tháng trở lên cần được tiến hành vệ sinh và làm sách trước khi đưa vào sử dụng lại.

Bên cạnh việc vệ sinh, người dùng có thể bật máy lạnh hay điều hòa trong khoảng thời gian ngắn, ví dụ 30 phút. Điều này giúp máy lạnh làm mát và loại bỏ mùi khó chịu có thể có khi không sử dụng.

Kiểm tra dây điện và ổ cắm

Dây điện và ổ cắm có thể bị hỏng hoặc gỉ sét sau thời gian dài không sử dụng. Trước khi bật máy lạnh, người dùng cần kiểm tra xem dây điện và ổ cắm có bất kỳ dấu hiệu hỏng hóc nào không. Nếu thấy có dấu hiệu gì đó không bình thường, các thiết bị này cần được thay mới để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Kiểm tra ống dẫn 

Ống dẫn là một trong những bộ phận quan trọng của điều hòa để chúng có thể vận hành tốt. Chính vì vậy, người dùng cần kiểm tra kỹ lưỡng các ống dẫn của thiết bị để đảm bảo không bị rò rỉ hoặc vấn đề gì, nếu phát hiện vấn đề, cần gọi kỹ thuật viên để kiểm tra và sửa chữa.