ĐỜI SỐNG

Cách giải quyết khi không được hồi đáp

Mỹ Nhi • 29-11-2022 • Lượt xem: 324
Cách giải quyết khi không được hồi đáp

Đã có bao giờ bạn lâm vào tình cảnh khi phát biểu một ý kiến, đưa ra một quan điểm, thả đi một tin nhắn hay trình bày những ý tưởng với những người cộng sự, cùng học tập, làm việc với mình nhưng lại chỉ nhận lại sự im lặng chưa? Nếu đã từng là nạn nhân của sự phớt lờ thì bài viết này hy vọng có thể giúp bạn thoát khỏi cảnh ngộ lạnh lùng trớ trêu này.

Ngắn gọn, súc tích, đánh vào trọng tâm

Một trong những lý do khiến người khác không phản hồi bạn khi làm việc nhóm đó chính là sự dài dòng mà không đi vào vấn đề cần nói một cách trực tiếp. Hàng ngày, mỗi người đều có rất nhiều những mối lo, nghĩ và quan tâm khác nhau, có những sự ưu tiên riêng trong việc giải quyết các vấn đề của bản thân  thế nên việc phải dành thời gian để lắng nghe, đọc và tiếp nhận một thông tin nào đấy quá dài sẽ khiến người ta rơi vào trạng thái chán nản, mệt mỏi và không còn tâm trạng để tiếp thu hết những gì bạn trình bày. Từ đó, như một phản xạ tự nhiên mỗi khi thấy tin nhắn hay phải nghe bạn trình bày người ta sẽ bỏ qua một cách không do dự. Vậy nên, ngắn gọn và đi vào vấn đề chính càng sớm càng tốt để tiết kiệm thời gian xử lý và hiểu vấn đề. Đồng thời, cũng tạo được tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng cho người khác. 

Deadline và sự chủ động

Để mọi việc được xử lý nhanh chóng bạn không thể cứ ngồi im chỉ để chờ người khác trả lời bạn vậy thì phải chăng quá lãng phí thời gian mà công việc lại chẳng tới đâu. Thế nên, nếu bạn đang trong vị trí của người trưởng nhóm, khi giao một nhiệm vụ hay phân công cho ai đó thì nên để thêm thời gian hạn định để hoàn thành - deadline. Đó cũng là cách giúp người nhận nhiệm vụ luôn ghi nhớ và có thêm sự thôi thúc trong quá trình xử lý các vấn đề, nhờ mà mọi chuyện cũng được giải quyết một cách thuận tiện và đúng tiến độ. Hoặc khi bạn đang trong vị trí của một người cấp dưới đang cần sự phê duyệt của sếp khi đề xuất một kế hoạch nào đấy, thay vì chờ đợi vô nghĩa thì hãy bắt tay ngay vào việc và chứng minh được tính khả thi mà kế hoạch bạn đề ra. Khi ấy, dù sếp có muốn phớt lờ và không để tâm đến đâu cũng phải nhìn lại mà xem xét.  Như vậy, có phải bạn đã thành công trong việc giải quyết vấn đề của mình mà còn nhận được sự tín nhiệm từ cấp trên. Hãy chủ động để không còn là nạn nhân của sự im lặng. 

Thay đổi thái độ bằng sự quan tâm và tích cực

Nếu không ai quan tâm những gì bạn thể hiện đó cũng là lúc bạn phải nhìn nhận và suy xét  lại bản thân đã đủ chân thành hay chưa. Hãy thử mở lòng và chú ý đến những điều tinh tế nhất,  bởi lẽ không ai là không thích được quan tâm. Khi bạn cho người khác cảm giác đủ tin tưởng, an toàn và yêu thương chắc chắn họ sẽ không để bạn cảm thấy cô đơn mà hồi đáp lại bằng cả chân tình. Mail gửi đi nhưng người nhận lại bặt vô âm tín, tin nhắn gửi vào nhóm nhưng chỉ xem và không ai trả lời hay thậm chí chỉ cần bạn mở miệng ra là lập tức cuộc trò chuyện bỗng dưng cụt hứng và mất đi không khí vui tươi. Không sao cả! Hãy bình tĩnh và quay về thay đổi chính mình, nâng cao giá trị bản thân bằng tinh thần  lạc quan hơn, tích cực hơn khi ấy bạn sẽ trở nên thu hút và nhận được nhìn nhận, lắng nghe và hồi đáp từ người khác.