ĐỜI SỐNG

Cách những động vật thích nghi với biến đổi khí hậu

Cẩm Chi • 22-05-2023 • Lượt xem: 2580
Cách những động vật thích nghi với biến đổi khí hậu

Các loài nhỏ bé, phổ biến, sinh sản nhanh, có vị trí thấp trong chuỗi thức ăn sẽ thích ứng tốt nhất với biến đổi khí hậu. Chúng thường thay đổi hình dạng cơ thể theo xu hướng gia tăng kích thước của tai, đuôi, mỏ và các phần phụ khác để thích nghi với nhiệt độ toàn cầu tăng cao.

Những loài nào thích ứng tốt?

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances do nhà sinh thái học Giovanni Strona từ Ủy ban châu Âu đã chỉ ra rằng các loài động vật lớn hơn và có vị trí cao hơn trong chuỗi thức ăn dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Ngược lại, những sinh vật đứng thấp hơn trong chuỗi thức ăn như côn trùng và động vật gặm nhấm có thể sinh tồn tốt hơn trong một thế giới ngày càng nóng lên. Hiện tượng nóng lên toàn cầu là một thách thức lớn đối với các loài động vật, đặc biệt là động vật máu nóng khi chúng luôn phải duy trì nhiệt độ bên trong cơ thể không đổi.

Trong một nghiên cứu khác trên tạp chí Global Change Biology, các nhà khoa học nghiên cứu 461 loài động vật trên 6 lục địa, kết quả cho thấy những loài sinh sản nhanh rất giỏi trong việc khai thác môi trường sống mới. Chu kỳ sinh sản nhanh mang lại cho các loài động vật cơ hội sống sót cao hơn trong điều kiện môi trường bị gián đoạn. Trong khi đó, những động vật sinh sản chậm hơn - thường là các loài lớn hơn, quần thể của chúng giảm khi nhiệt độ và môi trường sống thay đổi.

Gấu Bắc Cực, động vật ăn thịt lớn nhất trên cạn, là một trong những loài dễ bị ảnh hưởng nhất khi Trái Đất nóng lên

Kích thước cũng là một yếu tố có thể chống lại các loài: động vật lớn hơn phải vật lộn nhiều hơn với biến đổi khí hậu vì chúng cần nhiều thức ăn hơn và dễ bị đe dọa do mất môi trường sống.

Các loài có chế độ ăn đa dạng cũng đương đầu tốt hơn với biến đổi khí hậu, theo WWF. Ví dụ, động vật ăn tạp như gấu mèo và quạ có thể thích ứng tốt khi một nguồn thức ăn biến mất, trong khi gấu trúc (chủ yếu ăn tre trúc) và gấu túi (chủ yếu ăn lá bạch đàn) sẽ gặp rắc rối lớn.

Những động vật gặm nhấm như chuột ít chịu ảnh hưởng bởi khí hậu

Khả năng di cư và thích nghi với các môi trường sống khác nhau cũng là yếu tố quan trọng. Ví dụ, nhiều sinh vật chỉ có thể tồn tại ở các vĩ độ đóng băng hoặc trong các rạn san hô sẽ đối mặt với rủi ro lớn hơn do môi trường suy thoái khi Trái đất nóng lên. Các loài động vật như vẹt, dơi và chuột chù đang "biến hình" qua nhiều thế hệ: phát triển mỏ, cánh và đuôi lớn hơn để giúp chúng hạ nhiệt hiệu quả hơn ở vùng khí hậu ấm hơn, qua đó thích nghi tốt hơn.

Thay đổi hình dạng để ứng phó

Các loài động vật đang đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu theo nhiều cách khác nhau. Một số di chuyển đến những khu vực mát mẻ hơn, như gần các vùng Cực hoặc nơi có độ cao lớn hơn. Một số thay đổi thời gian diễn ra các sự kiện quan trọng trong cuộc sống như thời điểm sinh sản và di cư.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Trends in Ecology and Evolution 2021, các nhà khoa học tại Australia phát hiện thêm một phương pháp mà các loài động vật dùng để thích nghi với biến đổi khí hậu, đó là sự gia tăng kích thước tai, đuôi, mỏ và các phần phụ khác của chúng. 

Voi thường sử dụng đôi tai lớn và vòi dài bơm nước để thích nghi với nắng nóng

Động vật sẽ có mỏ dài hơn, chân và tai lớn hơn nhằm cho phép chúng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tốt hơn. Ví dụ, voi châu Phi bơm máu ấm lên đôi tai lớn của chúng, sau đó vỗ nhẹ để phân tán nhiệt. Mỏ của các loài chim cũng thực hiện một chức năng tương tự – lưu lượng máu được vận chuyển đến mỏ nhiều hơn khi chim cảm thấy nóng. Đó là nguyên nhân khiến mỏ chim ấm hơn phần còn lại của cơ thể.

Các phần phụ của động vật có vú cũng ngày càng tăng về kích thước. Ví dụ, chiều dài đuôi và chân của những con chuột chù sống ở Alaska (Mỹ) tăng lên đáng kể từ năm 1950 đến nay. Điều này cho thấy sự thay đổi hình dạng đang xảy ra ở các phần phụ khác nhau của nhiều loài động vật trên thế giới.

Trong nghiên cứu mới, nhà khoa học đã kiểm tra dữ liệu được thu thập trước đây để xác định xem nhiệt độ có ảnh hưởng đến sự thay đổi kích thước mỏ của những con chim sẻ này hay không. Kết quả cho thấy, những con chim sẻ với mỏ nhỏ hơn ít có khả năng sống sót qua mùa hè nóng hơn. Vì vậy, nhiệt độ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự thay đổi kích thước phần phụ của các loài động vật.

Một con chim có ​​kích thước mỏ tăng lên để thích ứng với khí hậu nhiệt đới tăng cao

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số dự đoán về những loài động vật có nhiều khả năng thay đổi kích thước phần phụ nhất để phản ứng với nhiệt độ tăng, hay những loài triệt để tuân theo quy tắc. Chúng bao gồm chim sáo đá, chim sẻ hót và một loạt các loài chim biển và động vật có vú nhỏ.

Trong khi nghiên cứu cho thấy một số loài động vật đang thích nghi với biến đổi khí hậu, nhiều loài khác thì không. Ví dụ, một số loài chim phải duy trì một chế độ ăn uống cố định, do chúng không thể thay đổi hình dạng mỏ. Các loài động vật khác thậm chí không thể tiến hóa theo kịp biến đổi khí hậu.

Vì vậy, ngoài việc nghiên cứu để dự đoán động vật hoang dã sẽ ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào, thì cách tốt nhất để con người bảo vệ các loài trong tương lai là giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu càng nhiều càng tốt.