ĐỜI SỐNG

Cách tiết kiệm tiền hợp lý cho dân văn phòng thời bão giá

Yellowly • 30-07-2022 • Lượt xem: 379
Cách tiết kiệm tiền hợp lý cho dân văn phòng thời bão giá

Nỗi lo về giá cả xăng, xe, thịt, cá, gạo, muối đang âm thầm tấn công vào túi tiền của người lao động. Nhân viên văn phòng chắc hẳn không nằm ngoài cơn bão giá này.

Tin, bài liên quan:

Giải pháp để sống khỏe giữa cơn bão tăng giá mùa cao điểm du lịch

Những năm vừa qua chúng ta đã chứng kiến được sức tàn phá khủng khiếp của dịch Covid-19. Sau khi trở về với cuộc sống bình thường sau đại dịch, ngoài những nỗi lo về sức khỏe, đó là những nỗi lo của người lao động về việc giá cả leo thang. Nỗi lo về giá cả xăng, xe, thịt, cá, gạo, muối đang âm thầm tấn công vào túi tiền của người lao động. Nhân viên văn phòng với mức lương trung bình trên dưới 10 triệu, chắc hẳn không nằm ngoài cơn bão giá này. 

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc cân đối chi tiêu trong thời bão giá, có thể tham khảo một số cách giúp tiết kiệm sinh hoạt phí hằng ngày sau đây:

Lựa chọn nấu ăn tại nhà

Nấu ăn tại nhà có thể kiểm soát được chi phí bỏ ra cho một bữa ăn

Đặc tính công việc của những người làm văn phòng là làm giờ hành chính, với những ai ở xa nơi làm chắc hẳn phải dậy rất sớm để chuẩn bị. Thay vì nấu ăn tại nhà, nhiều người lựa chọn mua đồ ăn ở ngoài hàng hoặc đặt trên các app giao đồ ăn. Hiện tại, giá một phần cơm văn phòng mua ở ngoài giao động từ 35-45.000 đồng/phần, cao hơn nữa thì 55-70.000 đồng/phần. Chưa kể mua hàng qua app giao hàng sẽ mất thêm phí ship, nếu mua đông người chia ra sẽ đỡ chi phí hơn nhiều, còn mua chỉ một phần thì số tiền phải trả cho một bữa ăn như vậy không phải là thấp so với mức lương trung bình của một nhân viên văn phòng. Khi nấu ăn tại nhà, trước tiên là có thể kiểm soát được chi phí bỏ ra cho một bữa ăn. Chịu khó kết hợp các thực phẩm còn dư lại trong tủ lạnh là có thể chế biến thành một món đơn giản. Bạn có thể tham khảo các thực đơn và cách chế biến các món đơn giản chỉ trong 10-15 phút được chia sẻ rất nhiều trên Internet. Như vậy vừa tiết kiệm, lại đảm bảo an toàn vệ sinh.

Lập kế hoạch mua sắm thông minh

Lập danh sách các vật dụng cần mua trước khi đi mua sắm sẽ có ích cho bạn

Chắc hẳn rất nhiều người không thể cưỡng lại việc mua sắm. Chúng ta bắt đầu bước vào cửa hàng với ý nghĩ mình chỉ mua một lốc trứng, nhưng trở ra với ổ bánh mì, chai sữa tắm mới ra mùi hương mà bạn yêu thích, đôi giày đang được giảm giá trên tay. 

Khi nói tới lối sống tiết kiệm và tối giản, chắc hẳn không thể bỏ qua lối sống của người Nhật. Có một cách rất hay mà cũng cực kỳ đơn giản giúp tiết kiệm chi phí mỗi lần mua sắm đó là lập danh sách mua sắm. Với những người làm công sở, thường không có nhiều thời gian để đi mua sắm hằng ngày. Trong tuần thường sẽ có một ngày chúng ta dành ra để mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết dùng trong tuần như thực phẩm, gia vị, các đồ dùng cần thiết trong nhà,… Việc lập danh sách các vật dụng cần mua trước khi đi mua sắm sẽ có ích cho bạn. Trước tiên là không bỏ sót bất cứ món đồ cần thiết nào. Thứ hai là bạn sẽ giữ nguyên tắc chỉ mua và thanh toán những thứ đã ghi trong danh sách. Việc này giúp tránh tình trạng vung tay quá tráng khi mua sắm, và sau đó chất đống ở nhà là những vật dụng ít khi dùng tới.

Tận dụng các chương trình khuyến mãi

Theo dõi các chương trình giảm giá giúp tiết kiệm chi phí mua sắm

Cho dù bạn có thói quen mua sắm online hay mua ở cửa hàng, siêu thị, sẽ luôn có những đợt họ có chương giảm giá sâu. Thông thường các mặt hàng giá trị lớn như tivi, máy giặt,…khi mua với giá đã giảm, sẽ rẻ hơn thậm chí vài triệu so với giá gốc. Nếu bạn đã lên kế hoạch mua một món đồ có giá trị lớn, điều đầu tiên nên cân nhắc giá chênh lệch giữa những nơi bán. Điều thứ hai là cân nhắc xem nên mua ngay hay đợi đến đợt sale của nó để mua với giá hời hơn. Hơn nữa trên các sàn thương mại điện tử, vào những đợt như vậy sẽ tung ra các mã giảm giá đa dạng giá trị, thậm chí lên đến hàng triệu đồng. Để nhanh chóng cập nhật thông tin về các đợt giảm giá, bạn có thể thao khảo theo dõi các fanpage của cửa hàng, fanpage của các sàn thương mại điện tử. Một bí mật có thể nhiều người sẽ không muốn bạn biết đó là có nhiều group săn sale trên mạng xã hội được lập ra nhằm chia sẻ những mã giảm giá độc quyền từ các sàn thương mại điện tử, bạn không những có thể học hỏi được kinh nghiệm của những “chuyên gia” mua sắm, mà còn có cơ hội săn được các mã giảm giá có giá trị.

Đã đến lúc học cách quản lý tiền bạc

Nguyên tắc 6 cái lọ yêu cầu bạn chia tiền của mình thành 6 phần khác nhau

Nguyên tắc 6 cái lọ được T Harv Eker đưa ra trong khóa học Chuyên sâu về tư duy triệu phú và có đề cập một phần trong  cuốn sách nổi tiếng “Bí mật tư duy triệu phú” của ông. Nghe có vẻ hơi vĩ mô, nhưng đây thực chất là một nguyên tắc quản lý tiền bạc tương đối đơn giản và hiệu quả phù hợp với tất cả mọi người. Về cơ bản, nguyên tắc 6 cái lọ yêu cầu bạn chia tiền của mình thành 6 phần khác nhau, mỗi phần được dùng vào các mục đích riêng biệt và chiếm các tỷ lệ khác nhau trong thu nhập của bạn. 

Lọ 1 – chiếm 55% – Nhu cầu thiết yếu: Dùng cho các nhu cầu cần thiết hàng ngày như nhà ở, ăn uống, quần áo, nhu yếu phẩm. 

Lọ 2 – chiếm 10% – Quỹ tự do tài chính: Số tiền này chỉ được sử dụng cho các vụ đầu tư. Tài khoản này không bao giờ được dùng để chi tiêu, mà chỉ để đầu tư.

Lọ 3 – chiếm 10% – Quỹ giáo dục: Dùng để nâng cao trình độ học vấn và phát triển bản thân. Tiền này có thể được sử dụng để mua sách, CD, các khóa học hoặc bất cứ thứ gì khác có giá trị giáo dục.

Lọ 4 – Chiếm 10% – Quỹ tiết kiệm dài hạn: Tài khoản được tích lũy dùng cho sau này với các thứ xa xỉ hơn như nhà, ô tô, các trường hợp khẩn cấp về y tế và quỹ dự phòng.

Lọ 5 – Chiếm 10% – Quỹ thụ hưởng: Chủ yếu được sử dụng để nuông chiều chính bạn, để làm những việc mà bình thường bạn không hay làm.

Lọ 6 – Chiếm 5% – Quỹ cho đi: Sử dụng tiền cho gia đình và bạn bè cho các dịp đặc biệt và ngày lễ, hoặc cho những người khó khăn hơn, cho các tổ chức từ thiện. 

Bằng việc chia nhỏ thu nhập thành nhiều phần khác nhau, mỗi phần dùng cho những mục đích riêng, nhắc nhở bạn khi chi tiêu, chỉ được dùng trong khoản tiền giới hạn. Bạn sẽ điều chỉnh ham muốn và thói quen tiêu tiền vào những thứ không cần thiết. Như vậy vẫn đảm bảo đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của bản thân mà còn có thể tiết kiệm được một số tiền để dự phòng cho các tình huống bất ngờ. Có thể bạn lo lắng rằng “Với mức lương hiện tại tôi còn không thể chia nổi làm 2 phần, chứ đừng nói làm 6”. Đừng lo lắng, theo T Harv Eker, thậm chí với chỉ 1$, bạn hoàn toàn vẫn có thể làm điều đó. Mấu chốt vấn đề không nằm ở số tiền bạn có, mà ở phương thức bạn quản lý số tiền đó.

Ghi chép lại các chi tiêu hàng ngày

Ghi chép lại chi tiêu trong một ngày để kiểm soát số tiền đang có

Việc này giúp bạn bám sát được ngân sách của mình. Mục đích là xem thử hàng ngày tiền đã được dùng vào những việc gì, đã tiêu bao nhiêu, còn lại bao nhiêu. Sau khi đã thiết lập được mức ngân sách cho mỗi phần tiền, việc theo dõi chi tiêu hàng ngày là điều cần thiết để duy trì ngân sách đó. Nếu bạn không theo dõi tiền của mình, bạn sẽ không biết khi nào nên ngừng chi tiêu vào phần tiền đó.

Vào cuối mỗi tháng, hãy xem lại các khoản chi mà bạn đã ghi lại để so sánh những gì bạn đã chi với những gì bạn định chi theo ngân sách của mình. Từ đó sẽ tự điều chỉnh cách chi tiêu cho hợp lý. Bạn có thể ghi chép vào một cuốn sổ nhỏ để mang theo hàng ngày. Hoặc tiện lợi hơn, hiện nay có rất nhiều app giúp bạn quản lý, ghi chép chi tiêu, được cài đặt ngay trên điện thoại.

Như đã nói ở trên “thói quen quản lý tiền bạc của bạn quan trọng hơn số tiền bạn đang có”, việc này thậm chí còn có ích hơn trong thời điểm vật giá leo thang như hiện nay. Bạn có thể tham khảo nhiều lối sống tiết kiệm chi tiêu khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là phải kiên trì thực hiện thành thục, biến nó thành thói quen có ích, không những trong thời bão giá mà có thể mang theo bạn trong suốt cuộc đời.