ĐỜI SỐNG

Cách xử lý thuê bao lừa đảo

Trầm Hương • 05-11-2022 • Lượt xem: 471
Cách xử lý thuê bao lừa đảo

Chiêu trò đe dọa, chiếm đoạt tài sản thông qua các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo hiện đang rầm rộ khắp nơi và diễn biến phức tạp. Chính điều đó, đầu số 156 chính thức được thành lập bởi Bộ Thông tin và Truyền thông, trở thành nơi tiếp nhận phản ánh của mọi thông tin có dấu hiệu lừa đảo.

Vụ việc này ngày càng gia tăng, xảy ra nhiều tình huống không thể kiểm soát được. Nhiều nạn nhân bị đe dọa, làm phiền suốt thời gian dài dẫn đến ảnh hưởng công việc và cuộc sống. Vì thế, ngày 1/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai kết hợp với các doanh nghiệp viễn thông tăng cường nhận phản ánh về những hành vi có dấu hiệu xấu.

Một số cơ quan chức năng được mạo danh thông qua cuộc gọi lừa đảo

Hãy gọi ngay đến bộ phận chăm sóc khách hàng đầu số 156, cung cấp những thông tin liên quan về cuộc gọi ảnh hưởng đến bạn. Ngoài ra, người dân còn có thể nhắn tin qua 156 và 5656.

Cú pháp nhắn tin phản ánh như sau:

Đối với tin nhắn rác: soạn S (số điện thoại phát tán tin nhắn rác) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656.

Đối với cuộc gọi rác: hãy soạn cú pháp V (số điện thoại phát tán cuộc gọi rác) (nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656.

Đối với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo: nhắn ngay cú pháp LD (số điện thoại phát tán cuộc gọi lừa đảo)(nội dung cuộc gọi) gửi 156 hoặc 5656.

Cú pháp phản ánh cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi rác

Đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) chia sẻ: “Đây là một trong các cách hỗ trợ người dùng để góp phần xử lý triệt để tình trạng cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác, gọi lừa đảo giả mạo góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và quyền lợi của chính người sử dụng dịch vụ”.

Theo thống kê từ Cục Viễn thông cho hay, chiêu trò mới này diễn ra trong khoảng thời gian gần đây, nhưng đã có chiều hướng gia tăng đồng thời diễn ra rất phức tạp, với mục đích chính của những đối tượng này là nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Tính riêng tháng 9/2022, tổng đài đã nhận 202.949 lượt phản ánh đến đầu số 5656. Số lượng phản ánh cuộc gọi rác 177.473 lượt tăng tới 34,2% so với năm 2021. Trong khi đó cuộc gọi đòi nợ và lừa đảo cũng chiếm 12,5%.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Cục trưởng Cục Viễn thông chia sẻ, đây được xem là vấn nạn mới của thế giới. Tại một số nước như Mỹ, Indonesia, Việt Nam trung bình người dân nhận cuộc gọi rác trong một tháng lần lượt là 31, 14 và 12.

Bên cạnh đó, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ thêm, cần được sự tham gia hỗ trợ cung cấp thông tin cụ thể từ người dân cho các doanh nghiệp, cơ quan chức năng để thu thập, thống kê, xử lý những hành vi lừa đảo ảnh hưởng đến cuộc sống người dân cũng như ngăn chặn triệt để tránh để lại hệ lụy cho xã hội.

Đối với những thủ đoạn này, các cơ quan chức khi nhận được phản ánh sẽ xử lý như sau: doanh nghiệp viễn thông sẽ xác minh thông tin thuê bao có hành vi phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, từ đó yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không đúng. Cụ thể là tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông 2 chiều nếu không thực hiện và sau đó là thanh lý hợp đồng, chấm dứt dịch vụ viễn thông.

Được biết, các nhà mạng như Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile… đã ký thỏa thuận ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý sim có dấu hiệu tồn kênh. 

Đầu số 156 được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng