ĐỜI SỐNG

Cẩm nang chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà

Thi Thơ • 27-06-2022 • Lượt xem: 451
Cẩm nang chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà

Tay chân miệng là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và lây lan vô cùng nhanh. Nếu không chăm sóc đúng cách và kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng to lớn và nguy hiểm cho bé. 

Bệnh tay chân miệng và dấu hiệu nhận biết

Có thể nói bệnh tay chân miệng là một bệnh vô cùng phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng do do siêu vi trùng đường ruột Coxsackievirus và Enterovirus 71(EV71) gây ra, có thể lây từ người sang người. Chủ yếu loại siêu vi trùng này sẽ lây qua đường tiêu hóa, dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân hoặc chất nôn của bệnh nhân. 

Bệnh tay chân miệng sẽ gồm 3 giai đoạn đó là ủ bệnh, khởi phát và toàn phát. Ở giai đoạn ủ bệnh, virus sẽ xâm nhập vào cơ thể trẻ và có thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày trước khi khởi phát với các triệu chứng rõ rệt. Tiếp đến giai đoạn khởi phát, người bệnh sẽ có triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, lười ăn, tiêu chảy trong giai đoạn 1-2 ngày. Cuối cùng giai đoạn toàn phát sẽ kéo dài trong 3 - 10 ngày với các triệu chứng tiêu biểu của bệnh như vết loét đỏ, các vết phỏng nước đường kính từ 2 - 3 mm ở miệng, các nốt phát ban ở lòng bàn tay, bàn chay, nôn và sốt nhẹ. 

Hơn thế nữa, bệnh tay chân miệng sẽ có những biến chứng nặng hơn như biến chứng thần kinh (viêm não, viêm màng não) hoặc biến chứng tim mạch hô hấp (viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch) nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời. 

Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà

Nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng trên thì phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ thì phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ tại nhà một cách hợp lý để tình trạng bệnh phát triển theo hướng tích cực hơn. 

Một lưu ý vô cùng quan trọng đó chính là cần cách ly trẻ bệnh nhiễm bệnh với những đứa trẻ khác ở trong nhà. Đối với người lớn khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cần vệ sinh bằng xà phòng thật kĩ, đeo khẩu trang cho trẻ và cả bản thân để hạn chế sự lây lan. Quần áo, tả lót nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B hoặc tráng qua nước sôi trước khi giặt bằng xà phòng.Mặt khác, vật dụng cá nhân của trẻ như bình sữa, ly/cốc uống nước, chén/bát ăn cơm, muỗng ăn... nên được khử trùng trước và sau khi sử dụng. 

Hơn thế nữa, phụ huynh nên cho trẻ mặc quần áo vải mềm, rộng rãi, thấm hút mồ hôi, thay quần áo và tắm rửa hằng ngày cho trẻ bằng nước ấm. Đặc biệt cần giữ vệ sinh da của trẻ thật sạch sẽ và có thể dùng thuốc xanh - methylen để chấm lên các nốt phỏng nước.

Đối với thuốc điều trị, tốt nhất cần theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp trẻ sốt cao, phụ huynh có thể dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau, bù đủ nước cho trẻ. Bên cạnh đó cần vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn, có thể súc miệng bằng nước muối loãng để tiệt trùng. 

Trong 5-7 ngày từ lúc phát hiện trẻ bị nhiễm bệnh, ngoài việc tự chăm sóc và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì phụ huynh cần đưa trẻ đi tái khám để phát hiện sớm những diễn biến bất thường. Ngoài ra, nếu thấy trẻ sốt cao trên 39 độ hoặc sốt cao kéo dài trên 48 giờ, quấy khóc, nôn nhiều, run tay chân, đi loạng choạng, mạch đập nhanh, khó thở, da nổi vằn... thì cần cho trẻ nhập viện ngay để được xử trí kịp thời, phòng biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.