ĐỜI SỐNG

Cần chú ý điều gì về chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi?

Hương Nguyễn • 12-06-2022 • Lượt xem: 674
Cần chú ý điều gì về chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi?

Đối với việc chăm sóc người cao tuổi, chế độ dinh dưỡng là yếu tố cần được đặt lên hàng đầu. Bởi nhu cầu về dinh dưỡng và khả năng hấp thu của người cao tuổi sẽ có những đổi khác so với một người trưởng thành. Nếu không được xây dựng một chế độ thực phẩm phù hợp thì việc ảnh hưởng ngược đến sức khỏe là không thể tránh khỏi.

Giảm chất đường, tinh bột
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ mới được công bố gần đây, những người cao tuổi có chế độ ăn nhiều tinh bột và đường dễ có nguy cơ suy giảm nhận thức nhiều hơn. Khi tuổi tác tăng lên, khả năng hấp thụ, chuyển hóa đường và tinh bột của cơ thể cũng dần kém đi. Việc nạp quá nhiều chúng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như béo phì, đái tháo đường, tim mạch...

Giảm chất béo, chất đạm 
Đối với người cao tuổi, việc thu nạp dư thừa chất béo dễ dẫn đến các chứng mỡ trong máu, cholesterol cao gây nguy cơ nhồi máu cơ tim, thiếu máu não,… Để giải quyết tình trạng này, cần hạn chế dầu mỡ trong khẩu phần ăn giảm mỡ động vật và thay bằng dầu thực vật. Về nhu cầu protein, người cao tuổi trung bình cần khoảng ở khoảng 60 - 70g/ngày, trong đó đạm động vật chiếm 30% lượng nạp vào cơ thể. Thay vì sử dụng số lượng lớn thịt đỏ, thực đơn dành cho nhóm người cao tuổi nên tăng cường nhóm thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua cùng các nhóm protein thực vật.

Giảm muối 
Các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao như dưa cà muối, mắm, cá khô,… thường nằm trong khẩu phần ăn ưa chuộng của người cao tuổi. Tuy nhiên, lượng muối cần nạp vào cơ thể chỉ nên ở mức dưới 150g/người/tháng để tránh các bệnh thường gặp như tăng huyết áp, tim mạch, thận tiết niệu. Do đó để đảm bảo sức khỏe, không chỉ riêng người lớn tuổi mà các thành viên trong gia đình đều nên giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày và sử dụng đúng liều lượng mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo.

Ăn nhiều rau tươi, quả chín
Chất xơ có tác dụng làm giảm cholesterol và đường máu rất tốt đối với người mắc bệnh tiểu đường và có tiền sử tăng huyết áp. Ngoài ra, các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng đào thải các chất béo thừa giúp cơ thể phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Vì vậy, người cao tuổi nên được xây dựng một thực đơn với nhiều rau, quả chín, trong khoảng 300g rau xanh và 100g hoa quả mỗi ngày. 

Uống đủ nước 
Người lớn tuổi thường giảm cảm giác khát và có thói quen uống ít nước do sợ đi tiểu nhiều lần, gây mất ngủ. Tuy nhiên, nước lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình tiêu hóa, đào thải các chất cặn bã của cơ thể. Nên duy trì thói quen uống từ 1,5 - 2 lít nước một ngày, đặc biệt cần chủ động uống nước thay vì chờ đến khi cơ thể thật khát mới uống để duy trì sức khỏe tốt nhất. 

Chia khẩu phần ăn trong ngày thành các bữa nhỏ
Các chuyên gia y tế đều khuyên rằng, người cao tuổi nên thường xuyên thay đổi thực đơn, tránh đơn điệu để cung cấp đầy đủ và đa dạng chất dinh dưỡng cho cơ thể. Người cao tuổi nên ăn nhiều vào bữa sáng, trưa ăn vừa phải, bữa tối không nên ăn quá no và không ăn muộn sau 7 giờ tối. Tránh thói quen ăn quá nhiều vào một bữa và để các bữa cách xa nhau bởi rất dễ gây ra tình trạng hạ đường huyết. Thay vào đó nên giữ chế độ ăn từ 4 - 5 bữa trong ngày, đồng thời khoảng cách giữa các bữa đều nhau và ăn uống đúng giờ. Thói quen này cũng hỗ trợ rất tốt trong việc giải quyết tình trạng biếng ăn, không ăn được nhiều ở một số người lớn tuổi.

Ưu tiên đồ ăn mềm, loãng, dễ tiêu hóa
Khi đã có tuổi khả năng tiêu hóa cũng như là hấp thụ thức ăn của cơ thể sẽ bị giảm sút. Đối với người lớn tuổi nên sử dụng các món hấp, luộc thay thế các món rán, nướng. Các món canh, mềm, thái nhỏ hoặc hầm kỹ sẽ giúp hệ thống tiêu hóa làm việc dễ dàng và hấp thu tốt hơn. Người cao tuổi nên chú ý ăn ngay sau khi nấu chín, thức ăn còn thừa phải đun sôi mới cất tủ lạnh và khi sử dụng lại cần đun sôi để tránh các trường hợp đau bụng, tiêu chảy do hệ thống đường ruột đã suy yếu.