ĐỜI SỐNG

Cần làm gì để tự rèn luyện tư duy phản biện hiệu quả nhất?

Hương Nguyễn • 18-06-2022 • Lượt xem: 304
Cần làm gì để tự rèn luyện tư duy phản biện hiệu quả nhất?

Trong môi trường hiện đại, tư duy phản biện là một trong những kỹ năng quan trọng thường được các cơ quan, doanh nghiệp đòi hỏi và đánh giá rất cao. Bởi dù trong học tập hay làm việc thì những người hình thành được lối tư duy này sẽ có khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách toàn diện và khác biệt hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về bản chất của kỹ năng này cũng như tìm được những phương pháp tự rèn luyện phù hợp.  

Học cách đánh giá khách quan 
Để có thể rèn luyện tư duy phản biện, điều đầu tiên cần phải thay đổi chính là tập cách đánh giá và nhìn nhận mọi vấn đề dưới góc nhìn khách quan. Nói một cách dễ hiểu, khi đứng trước một vấn đề nào đó chúng ta cần có một cái nhìn trung lập và bao quát, không chỉ suy nghĩ theo ý kiến chủ quan và cảm xúc của bản thân. Hãy thử bỏ đi cái nhìn chủ quan mà thay bằng những suy nghĩ khách quan hơn, có như thế thì bản thân mới có thể nhìn nhận, đánh giá những vấn đề một cách thật logic và chính xác được.

Thử lật ngược vấn đề
Hình thành lối tư duy ngược cũng là cách hiệu quả để rèn luyện tư duy phản biện. Trước một vấn đề hoặc nhận định, việc đảo ngược tình huống có thể giúp bạn hiểu vấn đề một cách cặn kẽ và tìm ra đáp án dễ dàng hơn. Mặc dù, cách tư duy này không phải lúc nào cũng mang đến giải pháp nhưng nó sẽ khiến chúng ta nhận ra không phải lúc nào cách nhìn của mình cũng đúng. Từ đó giúp bản thân một lần nữa tái khẳng định hoặc phản biện lại nhận định ban đầu.

Tích cực trau dồi kiến thức 
Mong muốn hiểu được bản chất của vấn đề và không ngừng tò mò đi tìm lời giải đáp cho mọi vấn đề được đặt ra là bước quan trọng để hình thành nên lối tư duy phản biện. Điều bạn cần làm là cố gắng quan sát và học hỏi thật nhiều kiến thức để bản thân luôn là người nắm vững các thông tin, từ đó có thêm dữ kiện để dễ dàng thuyết phục được người khác. Bên cạnh những kiến thức chuyên ngành hoặc thông tin liên quan trực tiếp đến vấn đề cần giải quyết, nên luôn chú ý học hỏi, trang bị mọi kiến thức, thông tin khác mà bản thân có cơ hội tiếp cận. Điều này có thể giúp chúng ta xử lý và giải quyết trong một số tình huống nào đó xảy đến bất ngờ. 

Tập đặt câu hỏi và đưa ra giả định 
Khi đứng trước một vấn đề cần giải quyết, phương pháp tối ưu nhất là nên tự đặt ra các câu hỏi và đưa ra những giả định tự trả lời để nhận ra những yếu tố và khía cạnh quan trọng khác của vấn đề. Điều này giúp chúng ta dễ dàng kiểm soát, phòng ngừa những trường hợp không may nằm ngoài suy nghĩ của bản thân có thể xảy ra. Đặc biệt, việc tự đặt câu hỏi và đưa ra giả định giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau mà vẫn đảm bảo được tính khách quan. 

Chia nhỏ các vấn đề
Cũng giống như khi đặt câu hỏi, chia nhỏ các vấn đề có thể giúp chúng ta đơn giản hóa việc giải quyết và nhìn nhận vấn đề. Việc cố gắng giải quyết một vấn đề lớn đôi khi sẽ khiến bản thân mất thời gian và không đạt được hiệu quả như mong muốn. Thay vào đó, hãy chia nhỏ các vấn đề và xem xét, giải quyết từng phần. Bằng cách này công việc sẽ trở nên dễ dàng và tránh được việc rơi vào tình trạng quá tải. 

Sử dụng dẫn chứng thực tế 
Để trở thành một người có tư duy phản biện tốt bạn phải xem xét sự đúng sai dựa trên những điều đã được chứng minh và sử dụng dẫn chứng thực tế, từ đó tự đúc kết cho mình những lập luận và chính kiến riêng. Hãy luôn nhớ rằng trước khi nhận định hay kết luận cần phải dùng xác thực và rõ ràng mới có thể tăng tính thuyết phục đối với mọi người.

Dự đoán các tình huống có thể xảy ra
Hãy dành thời gian để vạch ra các tình huống có thể xảy ra cho những câu trả lời của bản thân, sau đó mới đưa ra quyết định có lợi nhất, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến những người liên quan. Có thể mọi người sẽ cảm thấy phương pháp này mất nhiều thời gian và không mang lại hiệu quả nhưng việc này giúp rèn luyện tầm nhìn một cách tốt hơn. Bằng cách cân nhắc mọi khả năng tích cực và tiêu cực, bạn có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn rất nhiều.