ĐỜI SỐNG

Cẩn thận khi vay tiền mua nhà với suy nghĩ an cư lạc nghiệp

Cẩm Chi • 31-08-2022 • Lượt xem: 295
Cẩn thận khi vay tiền mua nhà với suy nghĩ an cư lạc nghiệp

Có một mái nhà che nắng che mưa là suy nghĩ ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Vì vậy nhiều người cố gắng tích cóp một phần tài chính rồi vay thêm phần lớn để mua nhà (hoặc căn hộ chung cư). Mua cái nhà trước đã, thiếu nợ từ từ làm trả lại. Áp lực mới tạo nên động lực kiếm tiền.

Hãy cận thận với suy nghĩ đó. Vì nhiều lúc quyết định này sẽ khiến tiền mất tật mang. Hoặc đỡ hơn một chút thì bạn cũng trở thành nô lệ cho chính ngôi nhà mình mua.

An cư lạc nghiệp không hẳn là vật chất mà là tinh thần

Câu tục ngữ “an cư lạc nghiệp” nghĩa là có một nơi ở ổn định rồi thì việc xây dựng sự nghiệp sẽ được thuận lợi. Hay nói đơn giản là có một chỗ để về sau một ngày đi làm vất vả, một chỗ để nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe. Có như vậy thì tinh thần mới thoải mái để ban ngày xông xáo đi làm kiếm tiền. An cư để không cần phải lo lắng chỗ ở bấp bênh, phải nghe chủ nhà nhắc đóng tiền nhà trọ hàng tháng...

Có một căn nhà là ước mơ của hầu hết người Việt.

Tuy nhiên, câu nói này dần dần không còn đúng với cuộc sống hiện tại nữa. Bởi cuộc sống thời xưa công việc ít, thành trấn cũng ít. Một người khi đã định hình nghề nghiệp rồi gần như cực ít thay đổi chỗ làm. Từ đó họ không phải thay đổi chỗ ở. Việc có một nơi “an cư” là cần thiết. Vì rất nhiều khả năng đó sẽ là nơi ở họ gắn bó cả phần đời còn lại.

Ngày nay không như vậy, có quá nhiều thành phố phát triển, công việc có ở khắp mọi nơi. Tìm được một việc làm phù hợp dễ dàng hơn rất nhiều. Hơn thế nữa có một sự thật là nhảy việc (thay đổi chỗ làm) là một trong những cách để đột phá về lương bổng. Vì vậy chỗ ở đã không cần thiết phải cố định nữa. Một người năm trước làm ở Sài Gòn, năm sau làm ở Hà Nội, năm tới nữa chuyển việc ra Đà Nẵng là một việc không hiếm thấy. Cứ chỗ nào lương cao là nhảy. Do đó chỗ ở cũng thường xuyên thay đổi theo.

Vậy việc mua nhà để an cư liệu có còn cần thiết? Thay vì vậy, tiền tiết kiệm chỉ cần đủ thuê nhà trong một năm tới là bản thân yên tâm có một nơi để an cư lạc nghiệp.

Áp lực khi phải trả nợ

Dĩ nhiên với những ai có dư vài tỷ thì mua nhà hay mua một căn hộ là chuyện hoàn toàn hợp lý. Vì căn bản thì bất động sản xét về tương đối là một kênh đầu tư khá an toàn (cần lưu ý vấn đề pháp lý và giá cả khi mua).

Thế nhưng những ai chỉ có vài trăm triệu, phần còn lại phải vay ngân hàng và trả trong vài chục năm tới thì cần cân nhắc cẩn thận. Bởi cảm giác khi mắc nợ sẽ rất mệt mỏi. Tinh thần người đang mang nợ sẽ không còn được nhẹ nhàng thoải mái như trước.

Tâm lý con người là thứ rất dễ thay đổi. Cảm giác có được một cái nhà (khi chưa có) thì rất mãnh liệt. Một khi đã có rồi thì dĩ nhiên sẽ cảm thấy vui vẻ hào hứng một vài tháng đầu. Nhưng một thời gian sau thì não bộ sẽ hết tiết ra các hormone hạnh phúc cho “cái nhà” nữa. Khi đó, bạn trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc và nhớ tới số nợ tiền tỷ đang treo trên đầu thì... hết vui. Cái nhà sẽ trở thành “cục nợ”, là gánh nặng đè lên vai chứ không còn là một nơi để an cư nữa.

Khi nhà là cục nợ thì câu nói an cư lạc nghiệp không còn đúng nữa.

Hơn thế nữa, không có gì đảm bảo thu nhập của bạn luôn ổn định ở tương lai. Đại dịch vừa qua là một ví dụ rõ ràng nhất. Có những người đang lãnh mức lương vài chục triệu mỗi tháng đột nhiên công ty phá sản đóng cửa. Thời điểm dịch bệnh cũng chẳng thể kiếm được một việc làm khác dù bản thân có tay nghề. Làm sao đảm bảo được tương lai không có một sự kiện tương tự xảy ra? Và khi đó, tiền đâu để trả nợ ngân hàng mỗi tháng cho khoản vay mua nhà?

Mất đi cơ hội đầu tư

Một người suy nghĩ cụ thể về kế hoạch vay tiền mua nhà khi và chỉ khi đã đi làm vài năm. Bản thân đã nắm vững chuyên môn, có được mức thu nhập kha khá và trong tài khoản ngân hàng có một khoản dư dả. Nếu không thì không ai đủ “dũng cảm” vay mượn tiền tỷ.

Thay vì mỗi tháng tiết kiệm được một số tiền, trong tài khoản lúc nào cũng dư dả thì đột nhiên bạn phải gánh số nợ phải trả hàng tháng. Tài khoản ngân hàng thì vét sạch đi mua nhà. Việc này dẫn đến một hậu quả khác tai hại không kém.

Chỉ có vài trăm triệu nhưng nhiều người sẵn sàng vay tiền tỷ mua nhà.

Đó là bạn sẽ mất đi khả năng nắm bắt các cơ hội kiếm tiền. Không phải tất cả, nhưng rất nhiều nghề nghiệp một khi bạn có một vị trí nhất định thì những cơ hội kiếm tiền (hợp pháp) sẽ lần lượt kéo đến. Tuy nhiên phần lớn chúng đều cần có tài chính để nắm bắt. Và khi đó, với cái tài khoản đang âm, phải trả nợ hàng tháng thì bạn sẽ chẳng thể nào làm gì được.

Hay đơn giản có một công việc khác lương cao hơn, nếu trong quá khứ bạn đã dũng cảm nhảy việc. Nhưng hiện tại đang mang nợ phải trả chục triệu mỗi tháng thì bạn sẽ chẳng dám thay đổi.

Câu nói “người thành công là người có thể chịu đựng những áp lực người khác không chịu được” đúng. Thế nhưng quan trọng nhất là lượng sức mà làm. Mỗi người mỗi khác, không thể lấy thành công của người khác ra làm thước đo cho bản thân.

Việc mua nhà cũng vậy. Xét cho cùng, mua nhà là để an cư, để đầu óc thảnh thơi mà đối mặt với những vấn đề rắc rối trong cuộc sống hàng ngày. Một khi căn nhà trở thành gánh nặng, là cục nợ thì mục đích ban đầu đã không còn nữa. Đừng để bản thân trở thành nô lệ cho ngôi nhà (căn hộ) của bạn.