ĐỜI SỐNG

Cẩn thận sốc nhiệt khi trời nắng

Lan Hương • 12-04-2023 • Lượt xem: 836
Cẩn thận sốc nhiệt khi trời nắng

Sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể tiếp xúc quá lâu với môi trường nắng nóng gay gắt, đây là một trong những bệnh về nhiệt nghe phổ biến nhưng nếu không được xử trí kịp thời sẽ mang đến các mối nguy hại lớn cho sức khỏe.

Những ngày vừa qua, nhiều nơi trên địa bàn cả nước đang rơi vào tình trạng nắng nóng gay gắt, đặc biệt là các tỉnh thành Nam Bộ. Khi nhiệt độ bên ngoài quá cao cộng với độ ẩm trong không khí giảm xuống thấp thì những người làm việc hay di chuyển ngoài trời có thể gặp phải tình trạng mất nước, say nắng, kiệt sức… thậm chí đột quỵ khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Vậy sốc nhiệt được hiểu như thế nào?

Theo bác sĩ Hoàng Anh Dũng (BV Bình Dân, TP. HCM) cho biết, người tiếp xúc lâu dưới mức nhiệt ngoài trời từ 32 – 40 độ C có thể bị uể oải, mất nước, cháy da, sốc nhiệt, suy thận, rối loạn nhận thức…

Sốc nhiệt hay còn gọi là say nắng, cảm nắng, là tình trạng thân nhiệt đột ngột tăng cao quá mức (trên 40 độ C) do ở quá lâu nơi có nhiệt độ cao. Khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ bên ngoài quá cao và trong thời gian dài sẽ dẫn đến nguy cơ mất cân bằng lượng nhiệt trong cơ thể.

Lúc này thân nhiệt tăng lên đột ngột, thế nhưng cơ thể lại chưa kịp thích ứng dẫn đến rối loạn một số chức năng. Khi đó cơ thể buộc phải tiết nhiều mồi hôi, gây mất nước và các chất điện giải, làm tổn thương hệ thần kinh trung ương và có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.

Cơ thể con người sẽ có một trung khu điều hòa thân nhiệt nằm ở vùng gáy, cơ quan này có tác dụng đảm bảo nhiệt độ cơ thể luôn cân bằng trước mọi tác động của môi trường. Tuy nhiên khi cơ thể tiếp xúc với nắng nóng kéo dài, cùng với cường độ làm việc gắng sức gây tổn thương trung tâm điều nhiệt và không thể giữ vững được sự cân bằng nữa. Khi đó nhiệt độ cơ thể sẽ tăng mạnh dẫn đến sốc nhiệt.

Những người có nguy cơ cao bị sốc nhiệt thường có điểm chung là phải hoạt động tốn sức trong nhiều giờ dưới thời tiết nắng nóng mà không được nghỉ ngơi, không được bổ sung đầy đủ nước và điện giải. Có thể kể đến như sau:

+ Người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ: đây là nhóm những người có khả năng chịu đựng kém.

+ Những người đang mắc các bệnh lý như tim mạch, gan thận, ung thư…

+ Những người làm việc nặng nhọc hoặc thường xuyên di chuyển ngoài trời nắng như công nhân, nhân viên giao hàng, nông dân, vận động viên…

Những người làm việc trực tiếp dưới ánh nắng gay gắt có nguy cơ bị sốc nhiệt cao.

Làm gì khi bị sốc nhiệt?

Sốc nhiệt có thể khởi phát từ từ hoặc đột ngột và được nhận biết với các biểu hiện như:

+ Mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, nhịp tim nhanh, đau cơ, đau đầu, chuột rút...

+ Sốt cao trên 39 độ, da khô nóng, đỏ bừng mặt.

+ Rối loạn ý thức như mê sảng, co giật hoặc hôn mê. Đây là tình trạng hết sức nguy hiểm cần được xử trí và đưa đi cấp cứu kịp thời.

Hạ nhiệt nhanh chóng là bước đầu tiên phải làm khi nhận thấy một người có các dấu hiệu bị sốc nhiệt. Trước khi xe cấp cứu đến có thể làm một số sơ cứu ban đầu như sau:

Di chuyển người bệnh vào nơi có bóng mát, để bệnh nhân ở tư thế nằm rồi cởi bớt quần áo, dùng khăn ướt phủ lên toàn bộ cơ thể người bị sốc nhiệt đồng thời dùng quạt để nhanh hạ nhiệt. Có thể phun nước vào người hoặc ngâm người bệnh vào nước lạnh.

Để bệnh nhân nghiêng người sang một bên nhằm hạn chế hít sặc và cho uống thêm nước nếu người bệnh còn tỉnh táo và nôn ít. Tiếp tục hạ nhiệt cho tới khi kiểm tra nhiệt độ xuống còn 38 – 39 độ C. Trấn an bệnh nhân cho tới khi nhân viên y tế đến nơi.

Phòng ngừa sốc nhiệt khi trời nắng nóng

Do đặc thù công việc của mỗi người là khác nhau tuy nhiên chúng cần hết sức cẩn thận mỗi khi ra đường những ngày trời nắng. Biện pháp hiệu quả nhất để tránh sốc nhiệt bao gồm uống đủ chất nước và bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng trực tiếp chiếu vào nhằm giảm tác động của nhiệt.

Người dân cần hạn chế ra đường từ 11h trưa đến 15h chiều. Với những người phải làm việc ngoài trời cần trang bị áo chống nắng, mũ rộng vành, bao tay, khẩu trang, mắt kính râm để che chắn.

Cần trang bị đầy đủ mũ nón, quần áo dài tay và che chắn kỹ càng khi làm việc dưới ánh nắng gay gắt để tránh sốc nhiệt.

Lưu ý nên mặc các loại quần áo sáng màu, rộng rãi, dễ thấm hút mồ hôi. Tránh mặc các loại đồ bó sát, quá dày hoặc tối màu vì sẽ gia tăng hấp thụ nhiệt. Ngoài ra nếu bạn đang đi ngoài trời nắng vào, không nên vào phòng máy lạnh ngay và ngược lại, không nên đang ở trong phòng lạnh mà ra thẳng trời nắng gắt để tránh bị sốc nhiệt.

Một điều quan trọng tiếp theo cần thực hiện chính là uống đủ nước. Cơ thể bị mất nước qua việc tiết mồ hôi nhiều hơn dưới trời nắng nóng, bởi thế nếu không bổ sung đủ nước cũng làm tăng nhiệt độ cơ thể và dễ gây sốc nhiệt. Cần uống từ 2 – 3 lít nước mỗi ngày với thời tiết nắng nóng như hiện nay.

Bổ sung đủ lượng chất lỏng cần thiết cho cơ thể trong những ngày nắng nóng là điều vô cùng quan trọng.

Cần hạn chế các loại nước có gas, nước đá lạnh hay các loại nước nhiều đường vì chúng càng làm cơ thể thêm mất nước. Tốt nhất nên uống nước lọc, nước ép trái cây hoặc nước ép rau củ nguyên chất. Nên chuẩn bị sẵn nước, muối, đường để bổ sung bất cứ lúc nào bạn cảm thấy mệt mỏi. Điều này sẽ giúp cơ thể cân bằng điện giải trong suốt cả ngày.

Hãy sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài để bảo vệ da khỏi tác động có hại của ánh sáng mặt trời. Và đừng quên rèn luyện sức khỏe để có một cơ thể dẻo dai, tràn đầy sức sống cũng như tăng khả năng chống chịu với thời tiết đang ngày càng khắc nghiệt.