ĐỜI SỐNG

Cẩn trọng với những căn bệnh trẻ hay mắc vào đầu năm mới

Võ Hoàng Tuấn • 27-01-2023 • Lượt xem: 669
Cẩn trọng với những căn bệnh trẻ hay mắc vào đầu năm mới

Vào dịp Tết, trẻ thường hay thức khuya, ăn những thực phẩm nhiều dầu mỡ và đây cũng là thời điểm một số virus bùng phát mạnh mẽ nên trẻ rất dễ mắc bệnh. Dưới đây là những căn bệnh phổ biến trẻ hay mắc phải vào thời điểm đầu năm mới.

Rối loạn tiêu hóa

Theo các bác sĩ, vào những ngày Tết trẻ thường ăn rất nhiều thực phẩm khác nhau, trong đó có những thức ăn có nhiều dầu mỡ như thịt kho, bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng… và uống các loại nước ngọt có gas nên rất dễ gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Triệu chứng điển hình của rối loạn tiêu hóa là đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần. Khi gặp phải tình trạng này, cha mẹ đừng quá lo lắng. Hãy cho bé nghỉ ngơi, ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa hoặc massage bụng trẻ nhẹ nhàng để kích thích tiêu hóa. Nếu các triệu chứng rối loạn tiêu hóa vẫn không cải thiện, gia đình hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị.

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là tình trạng rất phổ biến vào dịp Tết

Cảm cúm

Thời tiết vào những ngày Tết thường lạnh cộng thêm việc hay thức khuya khiến hệ miễn dịch của trẻ suy yếu. Bên cạnh đó, những ngày Tết trẻ cũng hay được gia đình dẫn đi chơi ở những nơi đông người nên càng dễ bị lây bệnh. Khi bị cảm cúm, trẻ sẽ có những biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, ho và sổ mũi.

Khi trẻ có những biểu hiện cảm cúm, cha mẹ cần cho bé nghỉ ngơi, bổ sung những thực phẩm có nhiều vitamin C và chất xơ để trẻ nhanh hồi phục. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên cho trẻ ăn những thực phẩm có nhiều dầu mỡ, nhiều đường mà nên ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, soup, các loại nước ép trái cây… Nếu tình trạng cảm cúm của bé vẫn kéo dài, gia đình nên đưa trẻ đến khám bác sĩ.

Dị ứng, hen phế quản

Mùa xuân là thời điểm trăm hoa đua nở nên có rất nhiều phấn hoa. Những trẻ dị ứng phấn hoa, hen phế quản nếu không cẩn thận dính phải phấn hoa sẽ làm các triệu chứng dị ứng trở nên trầm trọng hơn. Biểu hiện của viêm mũi dị ứng là ngứa mũi, hắt hơi liên tục, chảy mũi, còn hen phế quản có biểu hiện đặc trưng là khó thở, thở khò khè, thở rít.

Để đề phòng tình trạng này xảy ra, bạn có thể cho trẻ sử dụng các loại thuốc phòng hen phế quản, viêm mũi dị ứng. Lưu ý là các loại thuốc này phải được sử dụng trước 2 tuần thời điểm trẻ hay dị ứng.

Bệnh thủy đậu

Mùa xuân thời tiết nóng, ẩm là thời điểm dịch thủy đậu bùng phát mạnh mẽ. Bệnh lây qua đường hô hấp nên trẻ rất dễ mắc phải. Trẻ mắc thủy đậu sẽ sốt cao, mệt mỏi, nổi bóng nước toàn thân. Các triệu chứng của bệnh thủy đậu thường sẽ thuyên giảm sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ có hệ miễn dịch yếu, thủy đậu có thể tiến triển nặng gây nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.

Trẻ mắc thủy đậu sẽ nổi bóng nước khắp người

Vì thủy đậu là bệnh rất dễ lây, cha mẹ cần phải đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần chăm sóc trẻ. Gia đình cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để hạn chế cọ xát làm vỡ các bóng nước. Trẻ cần ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm lỏng dễ tiêu hóa, đặc biệt không nên ăn thức ăn quá nóng nếu trong miệng có các vết lở, loét.