ĐỜI SỐNG

Cảnh giác với các biến chứng nguy hiểm của viêm amidan

Quỳnh Phương • 27-05-2022 • Lượt xem: 550
Cảnh giác với các biến chứng nguy hiểm của viêm amidan

Viêm amidan do liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây ra các biến chứng chết người nếu không được can thiệp kịp thời.

Viêm amidan là bệnh lý về tai mũi họng thường gặp ở mọi lứa tuổi. Bình thường amidan cùng với VA tạo thành vòng Waldeyer, đóng vai trò như hệ miễn dịch, giúp chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên và đường tiêu hóa. Nhưng khi amidan bị viêm, bản thân nó sẽ trở thành mầm bệnh dễ lây lan ra các vùng lân cận, nếu kéo dài sẽ tiến triển thành tình trạng mãn tính hoặc/và gây ra các biến chứng từ nhẹ đến nặng. Hầu hết những biến chứng nguy hiểm nhất của viêm amidan có nguồn gốc từ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. 

Liên cầu khuẩn nhóm A là vi khuẩn streptococcus nhóm A thường gây ra các bệnh lý ở vòm họng của con người cực kỳ nguy hiểm. Loại vi khuẩn này có thể lây nhiễm qua việc tiếp xúc với dịch mũi họng nên rất dễ gây bệnh.

Nếu nhiễm streptococcus nhóm A không xâm lấn, người bệnh chỉ có các biểu hiện thông thường như viêm đỏ họng gây ngứa, rát, có thể biến chứng thành viêm tai hoặc viêm phổi nhưng không đáng lo ngại. Nếu streptococcus nhóm A xâm lấn có thể gây ra hội chứng nhiễm độc liên cầu khuẩn cấp tính (STSS), viêm hoạt tử, viêm tim hoặc sốt thấp khớp.

Các biến chứng viêm amidan cụ thể do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra bao gồm:

Viêm cầu thận cấp tính: Biểu hiện phù nề, bất thường về cặn lắng trong nước tiểu, tăng huyết áp, giảm protein huyết, nồng độ bổ thể thấp và tăng chất chỉ điểm viêm. Ở người trẻ tuổi chức năng thận sẽ hoạt động lại bình thường sau khi bệnh được chữa khỏi. Người cao tuổi có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng và khả năng phục hồi kém hơn. 

Sốt thấp khớp: Chứng bệnh nguy hiểm này thường gây viêm khớp, chứng múa giật Sydenham và viêm tim. Đây đều là các bệnh tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao, do đó người bệnh không được chủ quan; nên tới bệnh viện điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa Tai-Mũi-Họng.

Viêm khớp nhiễm trùng (Lemierre): Biểu hiện đặc trưng bằng nhiễm trùng huyết, tắc mạch nhiễm trùng, huyết khối tĩnh mạch. Các biến chứng nghiêm trọng có thể dọa tử vong như suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), viêm màng não, viêm tủy xương. 

Ngoài ra, viêm amidan không được quản lý tốt có thể gây biến chứng viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm phế quản hoặc/và cũng có thể gây ra các biến chứng toàn thân làm suy giảm sức khỏe của người bệnh. Điều trị viêm amidan đúng cách từ sớm là cách phòng ngừa biến chứng tốt nhất người bệnh nên thực hiện. 

Đối với viêm amidan nhẹ, không biến chứng, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp tại nhà để giúp cải thiện các triệu chứng.

Ngậm nước muối sinh lý: Dùng nước muối sinh lý là biện pháp tốt cho các loại viêm đường hô hấp trên. Nồng độ natri tiêu chuẩn giúp giảm tải lượng vi khuẩn/virus, làm dịu các triệu chứng đau, ngứa, đỏ và ho. Bạn có thể ngậm vào buổi sáng hoặc tối trước khi đi ngủ hoặc bất kỳ khi nào có triệu chứng kích ứng cổ họng.

Uống chanh và mật ong: Chúng đều giàu tính kháng viêm, chất chống oxy hóa và cung cấp độ ẩm cần thiết cho cổ họng. Bạn có thể nhâm nhi một tách chanh mật ong ấm để làm bong các dịch nhầy trong họng và tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Trà gừng: Gingerol là một hợp chất chống oxy hóa và kháng viêm mạnh có trong củ gừng. Nhờ thế nên gừng có thể trở thành “vị thuốc" tự nhiên chữa viêm amidan, viêm họng rất đáng tin cậy.

Xông tinh dầu: Viêm amidan thường kéo theo viêm mũi xoang gây nghẹt mũi, khó chịu. Xông tinh dầu là biện pháp tại nhà lý tưởng để giúp thông xoang và tống các dịch nhầy ra khỏi mũi xoang.

Ngoài ra, đối với tình trạng viêm amidan, người bệnh cần kiêng ăn/uống đồ lạnh, đồ gây kích ứng niêm mạc họng như bia rượu, thuốc lá, đồ ăn cay, đồ ăn quá khô như các loại hạt; Cần giữ ấm cổ họng, đeo khẩu trang khi ra ngoài; tránh đến nơi đông người nhằm phòng ngừa nguy cơ lây lan liên cầu khuẩn nhóm A.