ĐỜI SỐNG

Cảnh giác với chứng trầm cảm nơi công sở

Thi Thơ • 31-05-2022 • Lượt xem: 553
Cảnh giác với chứng trầm cảm nơi công sở

Áp lực trong công việc, tiền bạc, sức khỏe… là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm nơi công sở. Hiện nay, tình trạng này đang ngày một gia tăng và có khoảng 25% dân văn phòng gặp phải các triệu chứng của bệnh trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau.

Các nguyên nhân của chứng trầm cảm nơi công sở

Có thể nói, chứng trầm cảm nơi công sở là một triệu chứng thường gặp, trung bình dù ở bất kì độ tuổi, giới tính nào đều có khả năng gặp phải. Đặc biệt, với xu thế xã hội ngày càng phát triển về mọi mặt thì nhân viên văn phòng càng có nguy cơ rơi vào tình trạng này. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nên nhiều hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần, hiệu quả làm việc của nhân viên. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm cảm nơi công sở. Phổ biến nhất có lẽ là áp lực công việc kéo dài, nhân viên không biết phải giãi bày với ai hay như mâu thuẫn giữa đồng nghiệp với nhau cũng có thể dẫn đến chứng trầm cảm nơi công sở. Khi những áp lực, mâu thuẫn này không được giải quyết sẽ dẫn đến các chất dẫn truyền thần kinh bị thay đổi khiến cho cảm xúc, suy nghĩ của con người cũng bị thay đổi theo, hình thành các triệu chứng của bệnh trầm cảm. 

Một số nguyên nhân cụ thể của bệnh trầm cảm có thể kể đến như:

  • Áp lực công việc quá lớn, khối việc cần xử lí quá nhiều nhưng thời gian làm việc không đủ. 
  • Môi trường làm việc tù túng, gò bó, đồng nghiệp thiếu sự kết nối với nhau
  • Chạy đua thành tích giữa nhân viên với nhau, sự thua kém không thể đạt được thành công như người khác cũng là một nguyên nhân dễ dẫn đến trầm cảm.
  • Mâu thuẫn với đồng nghiệp, cấp trên nhưng không thể giải quyết

Một vài biểu hiện nhận biết

Có những áp lực tạo nên kim cương nhưng không phải ai cũng như thế, đối với những người không chăm lo cho sức khỏe tinh thần của bản thân thì càng nghiêm trọng hơn. Tùy vào mức độ và nguyên nhân mà mỗi người sẽ có những biểu hiện bệnh khác nhau. 

Nhìn chung người mắc chứng trầm cảm nơi công sở sẽ có biểu hiện lơ đễnh, lờ đờ, uể oải, không tập trung vào công việc. Bên cạnh đó, hứng thú dành cho công việc cũng giảm bớt, có những nỗi sợ vô hình và sự tự ti về bản thân. Mặt khác, nhân viên văn phòng mắc chứng trầm cảm này sẽ thiếu kiên nhẫn khi giao tiếp với đồng nghiệp hay khách hàng, tự tạo ra vỏ bọc cho bản thân và xu hướng muốn tìm đến bia rượu, các chất kích thích, chất gây nghiện để giải tỏa tâm trạng. Nghiêm trọng hơn, một số người còn cố gắng tìm đến cái chết để giải thoát bản thân. 

Do sự phát triển âm thầm, lặng lẽ mà nhiều người vẫn chưa nhận ra được bản thân đã vô tình mắc chứng trầm cảm nơi công sở. Và hầu hết các bệnh nhân đều bắt đầu kiểm tra và điều trị khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn. 

Cách phòng tránh chứng trầm cảm nơi công sở

Chữa trị bệnh trầm cảm là một việc cần rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Ngoài việc chữa trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ còn cần thay đổi thói quen sinh hoạt, suy nghĩ tích cực hơn. Mặt khác, sự hiểu biết và chủ động cố gắng của bệnh nhân cũng góp phần không nhỏ đến việc điều trị khỏi chứng trầm cảm nơi công sở. 

Học cách từ chối với những yêu cầu vô lí từ sếp và đồng nghiệp cũng là một cách để giảm bớt áp lực cho bản thân. Nếu công việc quá bận rộn, thời gian nghỉ ngơi không được đảm bảo thì đừng cố gắng giúp đỡ hoặc làm thay việc cho người khác, bởi ôm nhiều việc sẽ khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Mặt khác, nếu nguyên nhân đến từ mâu thuẫn với đồng nghiệp hay sếp thì cần giải quyết một cách triệt để và hiệu quả nhất, khúc mắc cứ kéo dài sẽ khiến cho đôi bên đều bị tổn thương. 

Để khắc phục và phòng tránh tốt chứng trầm cảm nơi công sở, không chỉ nhân viên mà các cơ quan, công ty cũng cần phối hợp, tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt nhất để nhân viên không cảm thấy bị áp lực. Ngoài ra, mỗi cơ quan, công ty cần có phòng điều trị tâm lý để nhân viên có thể đến thăm khám khi cần thiết. Công ty cần chú ý nhiều hơn đến đãi ngộ về sức khỏe cũng như tinh thần của nhân viên để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc.