ĐỜI SỐNG

Cầu treo Hussaini, thử thách lòng can đảm cho bất cứ ai đi qua

Lan Hương • 29-08-2023 • Lượt xem: 2730
Cầu treo Hussaini, thử thách lòng can đảm cho bất cứ ai đi qua

Với những du khách thích khám phá và ưa mạo hiểm thì cầu treo Hussaini là một trong những điểm đến không thể bỏ lỡ. Đây sẽ là một trong những thách thức để kiểm tra lòng gan dạ, sự quyết tâm chinh phục thử thách và không phải là nơi dành cho những ai có trái tim yếu đuối.

Nằm ở vùng hẻo lánh phía Bắc Pakistan, cầu Hussaini là cây cầu treo lớn thứ hai trên thế giới với độ dài hơn 200m. Tuy nhiên, chiếc cầu này lại được biết đến như một hành trình nguy hiểm với những ai đi qua nó. Cầu Hussaini nằm trong thung lũng Hunza, bắc ngang qua hồ Borit xinh đẹp, nó nối liền hai làng Zarabad và Hussaini vùng Gilgit-Baltistan với nhau.  

Cây cầu được làm nên bởi hơn 400 tấm gỗ thô sơ rời rạc với nhiều kích thước khác nhau, thành cầu là những sợi dây thép mỏng manh làm cho ai đi qua cũng mang cảm giác mọi thứ không hề chắc chắn. Phía bên dưới, dòng nước chảy xiết như thách thức những con người gan dạ. Việc đi qua cầu không hề đơn giản bởi nếu lơ đãng có thể hụt chân và rơi xuống dưới. Nó mỏng manh đến nỗi chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ làm rung lắc cả cây cầu lẫn người đi trên nó.

Cây cầu được làm từ những tấm gỗ mỏng manh và rời rạc.

Cầu Hussaini được xây dựng từ rất lâu với mục đích để tạo lối đi thuận tiện hơn cho các cộng đồng sống cô lập trong khu vực. Năm 2005, sau một trận lũ lớn, cầu Hussaini bị cuốn trôi và đã được dựng lại để tiếp tục phục vụ việc đi lại của người dân. Từ khi cây cầu được hình thành, cư dân ở đây không phải vất vả lội qua sông lớn hay trèo qua những dãy núi cao mà vẫn có thể đi sang bên kia bờ.

Chiếc cầu được xây dựng để giúp cuộc sống sinh hoạt của người dân được thuận tiện hơn.

Cây cầu hiện giờ vẫn là con đường huyết mạch của cư dân phía Bắc Pakistan, hơn nữa nó cũng góp phần kết nối người dân với thế giới bên ngoài. Với du khách, đi qua cây cầu quả là thử thách lớn nhưng với người dân bản địa, hầu như mọi người đã khá thành thạo trong việc đi qua cầu, hơn nữa họ còn mang vác nhiều đồ đạc nặng nhọc và di chuyển thuần thục qua lại cây cầu từ vùng này sang vùng khác để phục vụ cho công việc và nhu cầu cuộc sống.

Trông nguy hiểm nhưng người dân đi lại trên cầu vô cùng thành thạo.

Do được làm từ ván và dây cáp ọp ẹp, hơn nữa lại là tuyến đường độc nhất của người dân ở đây, vì vậy mà cây cầu được sử dụng thường xuyên nhưng không được tu bổ định kỳ. Theo thời gian, nhiều tấm ván bị mục nát, rơi gãy và hư hỏng. Tuy nhiên điều này cũng không cản trở sự hiếu kỳ của du khách yêu thích cảm giác mạnh. Nhiều người đến đây để được trải nghiệm cảm giác chênh vênh giữa khoảng không bao la, giữa thiên nhiên rộng lớn.

Cầu Hussaini thực sự là nơi rèn luyện tính kiên trì và lòng dũng cảm cho những ai đi trên nó.

Đây thực sự là hành trình rèn luyện sự dũng cảm và lòng kiên nhẫn, từng bước đi trên cầu phải thực sự chắc chắn. Có thể bạn sẽ cảm nhận thật rõ sự hồi hộp đến ngạt thở khi bước qua các tấm ván lỏng lẻo, nhất là những lúc ngược chiều gió và cây cầu rung lắc dập dềnh. Thế nhưng, cảnh sắc tuyệt đẹp ở hai bên bờ chính là phần thưởng xứng đáng dành cho quyết tâm và nỗ lực của bạn.

Cảnh sắc nơi đây phải nói và được thiên nhiên vô cùng ưu ái, bước đi trên cầu, du khách có thể ngắm toàn cảnh hùng vĩ của núi rừng xanh mướt, dãy Passu Cones sừng sững dưới nắng chiều.

Cảnh sắc thiên nhiên vô cùng tuyệt diệu cho những ai can đảm rảo bước trên cầu.

Đứng trên cầu, bạn có thể bắt trọn trong tầm mắt sự xinh đẹp của hồ nước và thung lũng Hunza căng tràn sức sống. Vào mùa đông, các ngọn núi được phủ tuyết trắng xóa trông kỳ ảo đến lạ thường. Chắc chắn, khi đến với nơi đây, du khách sẽ tìm được cho mình những trải nghiệm không thể nào quên.