ĐỜI SỐNG

Cha mẹ nên làm gì khi con là nạn nhân của bạo lực học đường?

Tường Tường • 09-06-2022 • Lượt xem: 567
Cha mẹ nên làm gì khi con là nạn nhân của bạo lực học đường?

Từ trước đến nay, bạo lực học đường vẫn luôn là vấn nạn nhức nhối và để lại những hậu quả khôn lường về mặt tâm sinh lý ở trẻ. Mặc dù vậy, không phải phụ huynh nào khi rơi vào trường hợp có con em là nạn nhân của bạo lực học đường cũng biết cách đồng hành, thấu hiểu cũng như chữa lành vết thương tâm hồn của các con một cách hiệu quả.

Kiểm soát cảm xúc của chính mình
Chắc hẳn rằng khi biết tin con mình bị bắt nạt, phụ huynh sẽ không thể nào bình tĩnh được. Tuy nhiên đây chính là lúc chúng ta cần phải giữ bình tĩnh nhất để có được giải pháp xử lý đúng đắn. Nếu các con thấy ba mẹ của mình mất bình tĩnh sẽ càng rơi vào hoảng sợ và rối loạn tâm lý, đồng thời nóng giận cũng dễ khiến vấn đề trở nên mất kiểm soát. Tuyệt đối không gây sức ép để con nói ra ai là người bắt nạt mình nếu con không muốn nói. Thay vào đó, ba mẹ hãy nhẹ nhàng khuyên nhủ dành thời gian theo dõi, tự tìm hiểu. Nếu được thì hãy chụp nhanh những hình ảnh con mình bị bắt nạt để làm bằng chứng và ra mặt ngay lập tức.

Tâm sự, chia sẻ để con không cảm thấy cô đơn
Những đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường thường có xu hướng sống trong lo lắng, sợ hãi và căng thẳng. Điều phụ huynh cần làm lúc này chính là xoa dịu tinh thần, tạo sự tin tưởng để con cảm thấy thoải mái, từ đó có thể mở lòng và chia sẻ nhiều hơn với chúng ta. Hãy kiên nhẫn và cố gắng trò chuyện, lắng nghe để con có cảm giác được che chở, bảo vệ và biết rằng ba mẹ vẫn luôn bên cạnh. 

Đến gặp và trao đổi với lãnh đạo nhà trường
Đến gặp và trao đổi với ban lãnh đạo nhà trường như hiệu trưởng hoặc giáo viên chủ nhiệm của con là điều cấp thiết. Bởi hầu hết các trường học đều có các chính sách và quy trình để xử lý đối với trường hợp này, bao gồm cả việc tách học sinh ra để chúng không tiếp xúc với nhau nữa. Cha mẹ nên nói chuyện với nhà trường về hành vi bắt nạt để đảm bảo rằng có các biện pháp can thiệp thích hợp được thực hiện với hy vọng không còn tình trạng bạo lực xảy ra trong phạm vi nhà trường.

Gặp và trao đổi với phụ huynh của đối tượng bắt nạt con mình
Khi biết được danh tính của kẻ bắt nạt con mình, đa số các bậc phụ huynh sẽ đến nhà tìm gặp ba mẹ của kẻ bắt nạt để phàn nàn hoặc làm cho ra lẽ. Tuy nhiên hành động này sẽ chỉ khiến mọi việc phức tạp và khó giải quyết hơn. Thay vào đó, phụ huynh nên giữ thái độ hòa nhã và cho họ biết về xu hướng bạo lực của con họ từ đó tìm dược phương pháp quản thúc, giáo dục phù hợp. Bởi bên cạnh vai trò của nhà trường thì gia đình chính là môi trường giáo dục có liên quan trực tiếp nhất.


Đưa con đến trung tâm tâm lý
Nếu cảm thấy con có những trạng thái bất ổn hãy đưa con đến các trung tâm tâm lý càng sớm càng tốt. Với chuyên môn của mình, các chuyên gia tâm lý có thể giúp con giải quyết những nút thắt trong tâm lý và dần lấy lại sự bình ổn, tự tin trong cuộc sống hằng ngày. Không chỉ đóng vai trò là người trò chuyện, nhà trị liệu tâm lý còn có thể hướng dẫn cho trẻ hướng cách tiếp nhận, giải quyết vấn đề một cách tích cực và lạc quan hơn.

Xây dựng cho con một môi trường lành mạnh
Trong trường hợp cần thiết, việc xem xét chuyển trường để thay đổi môi trường học tập là vấn đề phụ huynh có thể xem xét với mong muốn tạo cho con môi trường phát triển lành mạnh nhất. Ngoài ra, phụ huynh có thể cho con tham gia vào các lớp kỹ năng mềm như học võ, bơi lội hoặc các bộ môn giúp rèn luyện thể lực, gia tăng sức khỏe. Sẽ không bao giờ là muộn khi dạy con cách tự bảo vệ mình. Không những vậy, đây cũng là cơ hội để các con có thể theo đuổi đam mê. Khi được sống với sở thích, con cũng dần quên mất những điều tiêu cực trong quá khứ, từ đó chữa lành những vết thương trong tâm hồn.