GIẢI TRÍ

‘Chân dài 11 tuổi’ Trần An Thương: ‘Tự tin là yếu tố quan trọng làm nên thành công’

Long Châu • 04-11-2020 • Lượt xem: 1771
‘Chân dài 11 tuổi’ Trần An Thương: ‘Tự tin là yếu tố quan trọng làm nên thành công’

Em nghĩ nghề nào cũng có khó khăn và thách thức thị phi. Một khi mình chọn cái gì thì mình đam mê và làm tốt nhất việc đó” – “Chân dài 11 tuổi” Trần An Thương chia sẻ.

Trong những chương trình biểu diễn thời trang gần đây, các người mẫu nhí trở thành tâm điểm chú ý bởi sự chuyên nghiệp và thần thái chẳng hề thua kém các anh chị hoạt động chuyên nghiệp. Điều này tạo nên cái nhìn đầy lạc quan của người trong giới về người mẫu chuyên nghiệp Việt Nam thế hệ mới trong tương lai.

Một trong những cái tên gây chú ý với vai trò người mẫu nhí là bé Trần An Thương, 11 tuổi. Tuy còn nhỏ nhưng bé đã được đào tạo và trình diễn ở nhiều sân khấu thời trang, tạo nên ấn tượng riêng đối với các nhà thiết kế. Được biết, Trần An Thương đã từng xuất hiện trong các show diễn như: Sixdo (NTK Đỗ Mạnh Cường), Muse's Garden (NTK Nguyễn Minh Công), Tuần lễ thời trang trẻ em Việt Nam - Vietnam Junior Fashion Week mùa 9, 10, 11, 12 tại TP.HCM và Hà Nội.

Duyendangvietnam.net.vn đã có dịp kết nối để có thể hiểu hơn về "mẫu nhí" Trần An Thương và lắng nghe những chia sẻ của phụ huynh khi cho con tham gia hoạt động nghệ thuật lúc quá nhỏ.

- Em nhận ra mình đam mê người mẫu từ khi nào? Việc theo học lớp của cô Xuân Lan là do em ngỏ ý với gia đình hay tự gia đình muốn em phải theo đuổi?

Em nhận ra mình đam mê người mẫu từ khi học tập tại lớp người mẫu của cô Xuân Lan. Vì ở đó, em được dạy thực hành những bài tập đi catwalk như một người mẫu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc học tập là ba mẹ chọn cho em. Cơ duyên bắt nguồn từ việc mẹ muốn em casting xem bản thân có năng khiếu gì. Đây cũng là cách mẹ giúp em tự tin hơn trong cuộc sống vì sợ con của mình nhút nhát. Bởi trước đó, em còn thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử và rất ngại đám đông, nên gia đình muốn em một lần thử sức, vượt qua giới hạn của chính mình. 

Sau khi em casting, cô Xuân Lan thấy em phù hợp. Đồng thời, bản thân em cũng yêu thích nên thuyết phục ba mẹ cho em theo học. Ba muốn em tự tin hơn trong cuộc sống bởi ba nghĩ đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng làm nên thành công của một người.


Chân dung của 'Chân dài 11 tuổi' Trần An Thương

- Vừa học văn hoá, vừa theo đuổi nghề người mẫu khi còn bé, em gặp những khó khăn nào?

Em không gặp nhiều khó khăn khi vừa học văn hoá, vừa theo đuổi nghề người mẫu. Ngược lại bản thân em cảm thấy rất vui. Bởi vì ba mẹ biết sắp xếp thời gian phù hợp cho em. Em học các môn văn hoá vào những ngày trong tuần. Còn vào cuối tuần, thay vì chỉ nghỉ ngơi, em chọn học người mẫu vì đó là sở thích nên cũng giúp em thư giãn sau thời gian học tập căng thẳng trên lớp. 

- Trong quá trình tập luyện, cô Xuân Lan đã chỉ dạy em những gì? Em tâm đắc điều gì nhất từ những bài học của cô?

Trong quá trình học tập, cô Xuân Lan và cô Cindy (Cindy Thái Tài – PV) chỉ dạy em rất nhiều. Trong đó, điều em tâm đắc nhất là: “Các con muốn trở thành một người mẫu chuyên nghiệp thì các con phải trước hết là một người có văn hóa, ứng xử tốt. Và trước khi muốn nổi tiếng thì phải học đạo đức. Khi đi học thì phải chuyên nghiệp lắng nghe cô và thực hành chỉn chu”. Những bài học của các cô như người mẫu chuyên nghiệp không có cười khi diễn, không có múa tay, vai thẳng và mắt nhìn ngang… cũng giúp em hoàn thiện mình hơn.

Em nhớ mãi câu của cô Cindy: “Là một người mẫu chuyên nghiệp thì không bao giờ cúi đầu”. Trước tiên em thấy là muốn trở thành một người mẫu thì mình phải luyện tập nhiều và xem nghề đó như một phần trong cuộc sống, tập trung khi bước vào công việc, ra ngoài thì nghỉ ngơi để cân bằng. Và em biết sẽ có áp lực nhưng vì là người mẫu chuyên nghiệp nên em sẽ không bao giờ cúi đầu.

- Có cô giáo là một siêu mẫu nổi tiếng như vậy, bản thân em có gặp áp lực gì không? 

Em thấy rất vui và hạnh phúc khi là học trò của cô Xuân Lan. Hơn nữa, em còn thấy tự hào chứ không có gặp áp lực nào. Em yêu thích các cô, thầy đã giảng dạy mình trong lớp vì mỗi thầy cô đều mang đến cho em những bài học, kỹ năng khác nhau. 


Trần An Thương tham gia trình diễn cho BST Sixdo của NTK Đỗ Mạnh Cường

Phong thái chuyên nghiệp của nữ người mẫu 11 tuổi không hề thua kém các anh chị chuyên nghiệp trong nghề

Ở tuổi 11, An Thương đã được đào tạo bài bản để trở thành một người mẫu chuyên nghiệp. Tin chắc trong tương lai, An Thương sẽ là cái tên đầy hứa hẹn trong làng thời trang Việt 

- Xuất hiện ở nhiều sàn diễn, bạn bè trên lớp em phản ứng về em ra sao?

Bạn bè cũ trên lớp từ tiểu học đã biết và hiểu em nên không có biểu hiện gì. Nhưng lên cấp 2, em thấy mình còn lạ lớp, lạ trường, lạ thầy cô và lạ bạn nên có lúc cũng có những bạn chưa hiểu mình, thậm chí có những lời nói và cử chỉ làm em không vui. Ví dụ như có thể chê em học như thế này thế kia... mà đòi làm người mẫu, hay soi xét em kỹ hơn. Lúc đầu em hơi buồn, nhưng sau đó em nghĩ không có vấn đề gì vì em vẫn phải cố gắng học văn hóa, làm bài tập, rèn luyện để không phụ lòng ba mẹ. Em cũng muốn các bạn xem em bình thường thôi chứ không tạo áp lực gì cho em. Em mong sẽ hiểu và được chơi vui vẻ với các bạn. 

- Bản thân em đã chuẩn bị gì cho hành trình trở thành người mẫu chuyên nghiệp? Em thần tượng siêu mẫu nào nhất ở Việt Nam?

Ba mẹ yêu thương em và muốn em trở thành một người tốt. Ba vất vả chỉ mong em vui vẻ, tự tin. Ba tạo điều kiện để em học tốt văn hoá, bổ sung các kỹ năng khác như ứng xử, làm người mẫu,... Ba còn cho em học khóa MC để bổ sung khả năng ứng xử.

Hiện tại, em chưa có chuẩn bị gì cho hành trình trở thành người mẫu chuyên nghiệp mà em nghe theo ba mẹ. Ba mẹ nói rằng học tốt và làm cái gì cũng phải tập trung hoàn thành thì tương lai sẽ là người tốt.


Mới đây, An Thương tham gia trình diễn tại Tuần lễ thời trang trẻ em Việt Nam - Vietnam Junior Fashion Week mùa 12 (2020) do siêu mẫu Xuân Lan tổ chức

- Để trở thành người mẫu chuyên nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và thị phi. Em dự định sẽ đối mặt với điều đó như thế nào?

Em nghĩ nghề nào cũng có khó khăn, thách thức và thị phi. Một khi mình chọn cái gì thì mình đam mê và làm tốt nhất việc đó. Vì thế ba dạy em phải học đạo đức, văn hóa tốt để biết và hiểu cách vượt thử thách. Còn về thị phi thì em sẽ không quan tâm nhiều vì trong cuộc sống có người thương mình và có người ghét mình. Em làm những điều tốt và cũng phải góp tiếng nói để bảo vệ những điều tốt, và đấu tranh chống những điều xấu.


Ngoài ra, An Thương còn có khả năng hội họa, âm nhạc, nói tiếng Anh lưu loát. Dù theo đuổi đam mê hết mình nhưng cô bé vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân, nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là học tập. Mẫu nhí luôn đạt được thành tích xuất sắc ở lớp, tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp,...

Đặc biệt, cô bé tâm sự mục tiêu lớn nhất của em là tham gia Hoa hậu Việt Nam vào năm 18 tuổi.

- Cảm ơn em Trần An Thương đã chia sẻ!

Bố của Trần An Thương: 'Muốn con làm người mẫu để tôn vinh cái đẹp
và giá trị nghề nghiệp'

- Trong khi các phụ huynh khác e dè khi con mình theo đuổi nghệ thuật thì anh lại hỗ trợ con hết mình. Vì sao vậy?

Bản thân mình thấy con phù hợp với cái nào thì mình cho bé phát huy cái đó. Là con gái đa phần các bé phù hợp với nghệ thuật, thấy con mình phát triển được kỹ năng nghệ thuật thì mình đầu tư. Tôi nghĩ nghệ thuật có nhiều điều hay, tất cả đều là lao động chứ không phải là việc gì xa vời. Tại sao cha mẹ phải quá lo lắng hay e dè về một điều gì đó mà xã hội công nhận? 

- Anh cân bằng việc học và việc đi diễn của con như thế nào? Có bao giờ nhìn thấy con quá vất vả, anh muốn bé từ bỏ chưa?

Mình luôn luôn cân bằng việc học và diễn của con. Mình chỉ cho con tham gia học và diễn những show mà có lịch là 2 ngày cuối tuần. Đối với những show rơi vào ngày học văn hoá thì tuyệt nhiên bé không tham gia. Tuổi của con hiện tại là học và kỹ năng là phụ, tuy nhiên kỹ năng đó cũng phải được duy trì lâu dài và ổn định.


Anh Thiện Trần - Bố của An Thương ủng hộ con gái tham gia nghệ thuật nhưng chỉ sắp xếp cho bé tham gia các show diễn vào dịp hè hoặc cuối tuần để đảm bảo việc học.

- Thực tế, nghề người mẫu có không ít thị phi, cám dỗ. Anh có lo ngại điều đó khi cho con gái mình theo đuổi ngành nghề này không?

Mình nghĩ sẽ không có vấn đề này vì cuộc sống là đấu tranh với cám dỗ, ở đâu cũng có cám dỗ chứ không chỉ ở đây và nghề này. Nghề không phụ người chỉ có người phụ nghề. Nghề nào cũng có những khó khăn và thuận lợi của nó, học nghề người mẫu chuyên nghiệp sẽ dạy cho con cách để sống tốt và cân bằng giữa thách thức và cơ hội, qua đó con rèn luyện được tốt về nhân cách. Giống như một câu nói hay mà cô giáo đã dạy con: “Là một người mẫu chuyên nghiệp thì sẽ không  bao giờ cúi đầu”. Dạy cho con yêu nghề rồi nghề sẽ cho mình cuộc sống tốt. Áp lực và kỷ luật là những thứ người ta cần rèn luyện suốt đời mà, nếu có cám dỗ thì phải đấu tranh. 

- Chẳng hạn như sau này, An Thương không thích nghề người mẫu nữa thì có phải công sức của anh sẽ “đổ sông đổ biển”? 

Con gái sau này có quyền lựa chọn theo ý mình. Hiện tại bố mẹ chỉ cho con thêm kỹ năng. Thật ra thì tất cả kỹ năng hay kiến thức mình học đều không hề lỗi thời theo thời gian. Tất cả chúng là những giá trị mà ta sẽ sử dụng và chuyển giao lại cho người khác vào một trong những thời điểm nào đó trong đời. Mình cho rằng nếu bé không thích tiếp tục thì những gì đã học cũng đã trang bị cho bé 1 kỹ năng tốt.

- Nhiều người cho con theo nghệ thuật để nổi tiếng, kiếm tiền "khủng". Còn anh thì sao? 

Thật ra không dễ gì mà nổi tiếng, nếu sự nổi tiếng có nhanh thì bạo phát bạo tàn. Con gái làm được điều mình thích, cha mẹ có điều kiện lo cho con phát triển đó chính là niềm vui và tự hào của con cái và của cả bậc cha mẹ. Tôi thì nghĩ rằng nghề người mẫu không kiếm được nhiều tiền đâu, thậm chí là một nghề ít tiền nếu không "đổ mồ hôi sôi nước mắt" luyện tập. 

Theo tôi, nghề nghệ thuật nó không đơn thuần là kiếm nhiều tiền mà nó rèn luyện nhân cách con người, làm người mẫu để còn tôn vinh cho cái đẹp và giá trị nghề nghiệp. Người phụ nữ cần phải làm đẹp cho mình và làm đẹp cho đời thông qua những tài năng của mình về hình thể và trí tuệ.

- Anh trang bị cho con những kỹ năng nào để có thể vượt qua những cám dỗ của nghề?

Mình tạo cho con kỷ luật, dù là bé gái cũng phải kỷ luật. Mình muốn rèn luyện cho con tính tự tin, dạy con làm việc có kế hoạch, dạy cho con biết rằng nghề này có rất nhiều cám dỗ nên mình không tham lam danh tiếng hay địa vị. Tôi muốn nhắc nhở con rằng: “Nó chỉ là một cái nghề, học thức và trình độ đại học của con sau này cũng là cái kiến thức và kỹ năng bổ sung cho nghề hoặc thậm chí con có thể xem nó là 1 kỹ năng giúp con phát triển những kỹ năng khác. Cuộc sống có nhiều điều để học, chứ không riêng gì người mẫu. Con cứ làm điều con thích và phù hợp”. 

- Anh có chia sẻ gì với các phụ huynh khác có con muốn theo đuổi niềm đam mê trở thành người mẫu như An Thương? 

Mình nghĩ rằng mình cũng như các bậc phụ huynh khác đều là các bậc làm cha mẹ và muốn thấy con gái mình đẹp, muốn con mình có giá trị hơn với cuộc sống và muốn con độc lập tự tin trong việc lựa chọn điều mình thích. Các anh chị và chúng ta làm những việc ấy thật thì đã là ý nghĩa. Chúc quý phụ huynh kiên trì cho con học tập và rèn luyện vì "không thành công ắt cũng thành nhân".

- Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!