ĐỜI SỐNG

Chê bai ngoại hình của trẻ, phụ huynh gặp tác hại gì?

Bá Phúc • 01-03-2023 • Lượt xem: 3078
Chê bai ngoại hình của trẻ, phụ huynh gặp tác hại gì?

Những câu nói tưởng chừng như đùa giỡn, bâng quơ của nhiều phụ huynh như: Đừng ăn nữa; Mập rồi ăn hoài... thực sự là thứ vũ khí nguy hiểm, mang tính sát thương cao và về lâu dài sẽ dễ gây ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ.

Theo ParentCircle đưa tin, một cậu bé 7 tuổi tên là Ron, học rất giỏi, nhưng cậu luôn tránh mặt cha mình trong mỗi bữa ăn, bởi cậu có thân hình mũm mĩm và thường bị cha trêu chọc. Mặc khác, cậu còn kiếm cách lảng tránh việc tham gia những hoạt động thể chất của nhà trường vì cảm thấy tự ti ngoại hình.

Phỏng vấn cha của Ron, ông cho hay việc phàn nàn về cân nặng của con là có lý do. Theo ông việc thường nói gọi con là “bé mập” vì Ron luôn lấy viện cớ bệnh hoặc mệt khi bị thúc ép vận động. Bên cạnh đó, cha của Ron cho biết ông thường chê bai ngoại hình quá cỡ của Ron chỉ nhằm mục đích muốn thúc đẩy con kiên trì tập thể dục và hạn chế những thực phẩm gây hại.

Một trường hợp khác là cô bé Melissa, 14 tuổi. Cô bé luôn được khen bởi có khả năng viết lách và kỹ năng chụp ảnh rất tốt. Tuy nhiên, cô luôn bị bạn bè đồng trang lứa châm chọc, miệt thị ngoại hình của mình. Dần dần, Melissa bị áp lực, căng thẳng, khiến cô bé thường hay bỏ bữa và dùng những thực phẩm có hại đến sức khỏe.

Trẻ em thường cảm thấy mặc cảm, áp lực tâm lý khi bị chê bai về ngoại hình (Hình ảnh: Internet)

Ảnh hưởng tiêu cực khi trẻ bị so sánh ngoại hình

Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học ở Australia, họ cho biết trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 10, đặc biệt là đối với các bé gái thường mong muốn sở hữu ngoại hình cân đối, mảnh mai. Do đó, những lời nói dù là cố tình hay vô ý của các bậc phụ huynh về thân hình của con sẽ khiến cho chúng có những nhận thức sai lệch, gây nên sự lười biếng hoặc bộc lộ tính cách hư hỏng từ bé.

Những nhận xét, chê bai và đem ngoại hình lên bàn cân để so sánh hay bất kỳ lời góp ý công khai từ giáo viên, phụ huynh,… đều có thể trở thành vũ khí sát thương đối với tâm lý trẻ nhỏ. Nó có thể diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, gây những nỗi ám ảnh, định kiến tiêu cực đến với tâm trí non nớt của trẻ về việc đánh giá con người qua vẻ bề ngoài.

Các nhà nghiên cứu nói thêm, việc người lớn thường dùng những lời nói mang tính miệt thị và xem đó là cách để thúc đẩy trẻ kiên trì giảm cân là sai lầm. Dựa trên khoa học thực tế, những lời nói mang tính sát thương cao sẽ khiến tinh thần và thể chất của trẻ xuống dốc tệ hại.

Trẻ em đặc biệt là bé gái sẽ dễ bị yếu tinh thần, tâm lý sợ hãi, thu mình trước đám đông khi bị chê bai ngoại hình (Hình ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, trẻ có thân hình quá cỡ thường có tâm lý sợ sệt, thu mình trước đám đông. Vì vậy, việc phụ huynh, bạn bè hay một người thân khác châm chọc khiến cho trẻ dễ bị yếu tâm lý, tinh thần không ổn định và nguy hiểm hơn trẻ sẽ có ý định tự tử.

Theo lời của trưởng nhóm nghiên cứu tên Schvey cho biết, khi trẻ bị chê bai về ngoại hình, chúng sẽ cảm thấy tự ti và kiếm mọi cách để giảm cân nhanh chóng nhưng với những phương pháp không lành mạnh và nguy hiểm tới tính mạng.

Ngoài ra, Schvey còn nói thêm khi trẻ có dấu hiệu xấu hổ về ngoại hình sẽ khiến cho cortisol trong hormone tăng cao. Chính chất này là nguyên nhân tăng cân ở trẻ khi bị kích thích cảm giác thèm ăn, ức chế các khả năng tự kiểm soát, tăng sự thèm ăn với các thực phẩm giàu năng lượng. Chưa kể đến trường hợp trẻ sẽ dễ mắc các triệu chứng tệ hại khác như rối loạn ăn uống và ám ảnh khi đặt nặng lo ngại tăng cân lên hàng đầu.

Phụ huynh cần phải làm gì?

Phát triển hướng suy nghĩ, lối sống tích cực cho trẻ

Các bậc cha mẹ nên hết sức thận trọng trong việc đưa ra nhận xét, cũng như suy nghĩ trước ý định đưa ra lời nói tiêu cực đối với con nhỏ. Hãy thay những lời chê bại hoặc so sánh để dạy con, phụ huynh nên dạy chúng cách yêu thương và hài lòng với ngoại hình. Ngoài ra, hãy luôn dành những lời động viên, khuyến khích trẻ đối với các bộ môn chúng yêu thích. Điều này sẽ giúp trẻ khai mở được tiềm năng của bản thân.

Phụ huynh nên khuyến khích sở thích của trẻ để có thể khai thác tiềm năng của bản thân (Hình ảnh: Internet)

Phát triển tư duy phản biện

Cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện hoặc dạy con tránh các bình luận ác ý, miệt thị về vóc dáng của người khác, đánh giá một con người thông qua phẩm chất hơn là ngoại hình của họ.

Bên cạnh đó, hãy cho con trẻ xem những chương trình truyền hình, talkshow của những người nổi tiếng chia sẻ về việc mặc cảm béo phí và mong muốn thân hình lý tưởng.

Hãy dạy trẻ nâng cấp tư duy phản biện, tích cực đối mặt với những chê bai về ngoại hình (Hình ảnh: Internet)

Phát triển sức khỏe một cách tích cực

Cha mẹ cần hướng con em mình tập trung vào rèn luyện sức khỏe bằng cách tập thể dục thường xuyên, cộng hưởng với duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học hơn là việc suốt ngày lo ngại đến vấn đề ngoại hình.

Ngoài ra, phụ huynh nên phân tích độ nguy hiểm trong việc giữ vóc dáng quá gầy hay quá mập. Thêm vào đó là đánh giá cao tài năng, bàn luận về điểm mạnh và những điểm hạn chế để con trẻ luôn tích cực, tự tin vào bản thân.

Để trẻ phát triển sức khỏe theo hướng tích cực bằng cách dạy trẻ duy trì thể dục và phân tích độ nguy hiểm khi giữ dáng thái quá (Hình ảnh: Internet)