ĐỜI SỐNG

Chi tiêu dịp Tết như thế nào cho đúng?

Thúy Vy • 09-12-2022 • Lượt xem: 748
Chi tiêu dịp Tết như thế nào cho đúng?

Cuối năm, nhiều người lại bắt đầu đau đầu với bài toán chi tiêu cho năm mới. Nhiều cá nhân cho rằng họ nên tận dụng cơ hội này để mua sắm và đi du lịch càng nhiều càng tốt. Nhờ đó, họ có thêm động lực để "cày cuốc" trong năm sau.

Đây là tâm lý chung của người tiêu dùng nhưng dễ dẫn đến nhiều sai lầm về sau. Trong thời gian này, bạn phải luôn thật cẩn thận với các khoản chi tiêu, tiếp tục duy trì kỷ luật sử dụng tiền thay vì nuông chiều bản thân quá mức. 

Cách chi tiêu “thông minh” trong dịp Tết đang là chủ đề được nhiều người quan tâm khi mua sắm đồ mới và trang trí nhà cửa trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Những cách chi tiêu thông minh dưới đây sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản kha khá khi Tết đến xuân về. 

Đừng chi tiêu khi bạn chỉ thấy thích

Mọi loại chi phí được chia thành hai loại:

Chi phí cần thiết: Bao gồm các chi phí sinh hoạt bắt buộc như tiền điện, nước, xăng, xe, nhà ở...
Chi phí muốn: Những thứ phục vụ cho nhu cầu giải trí, thay đổi linh hoạt theo phong cách sống và sở thích của mỗi cá nhân như xem phim, ăn uống “sang chảnh”, du lịch…
Thông thường, vào mỗi cuối năm, các khoản chi phí về “muốn” đều có xu hướng tăng lên. Chẳng hạn như mua những bộ quần áo đẹp, trang trí nhà cửa, những món quà cao cấp gửi đến gia đình và những người thân yêu. Ngoài ra, tần suất tiệc tùng của những dịp cuối năm và đón năm mới cũng dày đặc hơn. Đối với nhiều bạn trẻ, đây là những khoản chi không thể tránh khỏi trong giai đoạn này.

Ngoài ra, tình trạng “hoang phí” thường xảy ra do các cá nhân nhận lương tháng thứ 13 và các khoản thưởng lớn. Hoặc có thể họ muốn tiêu tiền của mình một cách hào phóng hơn sau một năm dài làm việc chăm chỉ. Tuy nhiên, chỉ những người thực sự đã lên kế hoạch tài chính và thực hiện nghiêm túc mới nghĩ đến việc tự thưởng cho mình những khoản tiền cuối năm. Bởi vì họ biết cách tiết chế tất cả các khoản chi tiêu của mình, họ có quỹ dự phòng riêng và họ biết cách duy trì được các mục tiêu kinh tế dài hạn.

Còn những người không kiềm chế được ham muốn mua sắm, rỗng ví, thậm chí nợ nần sau Tết thì đây là kết cục khó tránh khỏi. Thêm vào đó, đầu năm 2023 với nhiều khoản nợ đọng, bạn khó yên tâm lên kế hoạch tiêu dùng cho cả năm.

Chắc hẳn bạn không muốn bắt đầu năm mới với áp lực tài chính cả năm do bội chi. Hệ quả là bạn sẽ bỏ qua việc tiết kiệm hoặc duy trì một quỹ dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp trong năm mới. Chính vì thế, tâm lý “tất tay” trong năm mới thực sự không phù hợp với những ai chưa có sự chuẩn bị và thực hiện quản lý tài chính. 

Chia nhỏ các khoản chi tiêu

Nếu bạn chưa có một kế hoạch tài chính nghiêm túc từ trước thì chỉ nên tập trung vào những khoản chi cần thiết. Đó là cách để một cá nhân hạn chế gặp phải những trường hợp ngoài ý muốn.

Đồng thời, bạn cũng cần nghĩ đến việc lập kế hoạch tài chính cho năm 2023. Có như vậy, việc tiêu bao nhiêu tùy thích, tự thưởng cho mình sau 12 tháng tới thật dễ dàng. 

Không tạo ra nợ nần

Nhiều người sẵn sàng vay tiền hoặc mua trả góp để đáp ứng nhu cầu mua sắm. Họ tin rằng vẫn còn 12 tháng dài để giải quyết các khoản nợ này. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn còn nhiều tình huống khó lường, như thiên tai, dịch bệnh. Với cơ hội kiếm tiền hạn chế, bạn sẽ bị mắc kẹt với số tiền chưa thanh toán. Thay vào đó, hãy thực hành đo lường khả năng của bạn. Nhờ đó, bạn sẽ không phải lo lắng về quá trình trả nợ trong thời gian dài. 

Tận dụng các sản phẩm khuyến mại

Cuối năm là thời điểm nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại đồng loạt giảm giá nhiều mặt hàng nhằm kích cầu mua sắm, giảm lượng hàng tồn kho. Đây là thời điểm hoàn hảo để ghé vào siêu thị và mua những thứ bạn cần với giá hời. Với mỗi sản phẩm, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được vài nghìn đồng. Nếu bạn mua nhiều sản phẩm, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền.

Tuy nhiên, khi đi mua sắm vào dịp này, bạn nên đến nhiều nơi để khảo giá trước, tránh bị mua “hớ” giá mà rơi vào bẫy nâng giá gốc của nhiều cửa hàng. Không những vậy, đối với các mặt hàng thực phẩm, bạn cũng nên xem kỹ hạn sử dụng, tránh mua hàng sắp hết hạn sẽ không tốt cho sức khỏe.

Đẩy mạnh chính sách “tự chế”

Tận dụng đôi bàn tay khéo léo hay những vật dụng có sẵn quanh nhà là cách thông minh giúp bạn tiết kiệm được phần nào chi phí trong dịp Tết. Vườn nhà nhỏ cũng có thể là nơi cung cấp rau dịp Tết. Hay thay vì phải bỏ ra một khoản tiền lớn để mua các loại mứt, giò, chả… thì bạn có thể mua nguyên liệu sẵn và tự làm tại nhà, vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn, tiết kiệm lại vừa tạo không gian sum vầy, hạnh phúc cho gia đình.

Tạo ngân sách cụ thể

Trước khi chi tiêu mua sắm, bạn cần đặt ngân sách rõ ràng. Bên cạnh đó, việc duy trì kỷ luật trong khi sử dụng đồng tiền cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Nếu không, tâm lý tiêu tiền vô độ sẽ gây ra nhiều rắc rối và dễ khiến ai đó mất đi niềm vui ngày Tết. 

Lên kế hoạch chi tiêu sớm

Khi liệt kê những món đồ cần chuẩn bị, bạn sẽ chủ động về thời gian để chọn hàng trước, mua sắm, tránh tình trạng tranh giành, lộn xộn. Hơn nữa, bạn cũng có thể tìm kiếm các chương trình giảm giá để tiết kiệm hoặc mua thêm một vài mặt hàng theo sở thích của mình.

Quan trọng hơn là việc lập kế hoạch sớm cho phép các cá nhân cân nhắc và so sánh thay vì phải chi tiền vì không có lựa chọn nào tốt hơn. Nhờ vậy, những ngày cuối năm, đầu Tết sẽ trôi qua thật suôn sẻ và trọn vẹn hơn.