ĐỜI SỐNG

Chia sẻ quá nhiều meme và gửi email theo kiểu "trả lời tất cả" có thể gây hại cho môi trường?

Lưu Đan • 14-08-2024 • Lượt xem: 876
Chia sẻ quá nhiều meme và gửi email theo kiểu "trả lời tất cả" có thể gây hại cho môi trường?

Hầu hết dữ liệu được lưu trữ trên những máy chủ "ngốn điện" chỉ được dùng một lần rồi bị lãng quên. Tưởng tượng xem, từ những meme huyền thoại đến những đoạn phim hài bạn hay chia sẻ với bạn bè và gia đình, tất cả đều đang "vùi mình" trong các trung tâm dữ liệu, tiêu tốn điện năng không ngừng.

Đến năm 2030, người ta dự đoán rằng các trung tâm dữ liệu sẽ "ngốn" gần 6% lượng điện tiêu thụ của cả nước Anh. Vậy nên, giảm thiểu dữ liệu rác cũng là một phần quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Giáo sư Ian Hodgkinson từ Đại học Loughborough đang nghiên cứu về tác động của “dữ liệu tối" này lên khí hậu và cách để giảm thiểu nó.

"Tôi bắt đầu nghiên cứu này cách đây vài năm, tò mò về tác động xấu của dữ liệu số lên môi trường", giáo sư chia sẻ. “Ban đầu, tôi nghĩ đây là một câu hỏi dễ trả lời, nhưng hóa ra, vấn đề phức tạp hơn rất nhiều. Nhưng chắc chắn, dữ liệu có tác động tiêu cực đến môi trường.”

Ông phát hiện ra rằng 68% dữ liệu doanh nghiệp dùng một lần rồi bỏ đấy, và dữ liệu cá nhân cũng tương tự.

Giáo sư Hodgkinson cho biết: “Hầu hết mọi người vẫn nghĩ dữ liệu chẳng ảnh hưởng gì đến khí hậu, nhưng thực tế thì mỗi bức ảnh, mỗi bài đăng Instagram đều có dấu chân carbon. Vì vậy, khi chúng ta lưu trữ mọi thứ trên đám mây, chúng ta thường tưởng tượng đến những đám mây trắng bồng bềnh, nhưng thực tế là các trung tâm dữ liệu lại cực kỳ nóng, ồn ào và tiêu tốn một lượng năng lượng khổng lồ.”

Một meme chẳng làm gì được Trái Đất, nhưng hàng triệu meme nằm xó trong điện thoại thì khác. Giáo sư giải thích: “Một bức ảnh sẽ không gây ra tác động lớn. Nhưng nếu bạn thử vào điện thoại của mình và nhìn vào tất cả những bức ảnh cũ mà bạn có, thì tổng cộng, điều đó tạo ra một lượng tiêu thụ năng lượng đáng kể.”

Các ông lớn công nghệ kiếm được nhiều tiền khi càng nhiều dữ liệu được lưu trữ, nên họ chẳng muốn bạn xóa dữ liệu rác đâu.

Giáo sư Hodgkinson chia sẻ: “Chúng ta đang trả tiền để lưu trữ những thứ mà mình chẳng bao giờ dùng đến, thậm chí còn không biết là nó tồn tại. Nếu tính cả chi phí về tiền bạc và môi trường thì... chúng ta đang đi sai đường để đạt được mục tiêu net-zero (không phát thải) vào năm 2050.”

“Có thể còn nhiều nguồn phát thải khí nhà kính khác mà chúng ta chưa phát hiện ra. Và chúng tôi chắc chắn rằng dữ liệu là một trong số đó, và nó sẽ còn lớn hơn nữa. Đặc biệt là với tốc độ phát triển chóng mặt của dữ liệu hiện nay, dự báo là trong 1-2 năm tới, toàn bộ năng lượng tái tạo trên thế giới cũng không đủ cung cấp cho nhu cầu của dữ liệu. Điều này thực sự là một suy nghĩ đáng sợ!”

Giáo sư nói rằng một cách để ngăn chặn “quái vật dữ liệu” là gửi ít email vô nghĩa hơn: “Mỗi email tiêu chuẩn tương đương với khoảng 4g carbon. Nếu nghĩ về lượng dữ liệu cũ mà chúng ta lưu trữ, ví dụ như ảnh chụp, thì tác động sẽ cộng dồn lại.”

Hodgkinson cũng gợi ý rằng chúng ta có thể giảm lượng carbon của mình bằng cách tránh sử dụng nút “reply all” (trả lời tất cả) đáng sợ kia. Giáo sư bổ sung: “Nếu chúng ta nghĩ rằng email hay dữ liệu mình tạo ra không ảnh hưởng gì đến khí hậu, chúng ta sẽ không bao giờ tự hỏi: ‘Nếu tôi làm việc này, hậu quả sẽ là gì?’. Khi nghĩ về các công cụ phân tích hay ChatGPT, nhiều người cũng nghĩ chúng không gây ảnh hưởng. Nhưng thực tế không phải vậy. Vì vậy, việc tự đặt ra những câu hỏi mà trước đây chúng ta chưa bao giờ thực sự nghĩ đến, từ tổ chức đến cá nhân, có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong hành vi của chúng ta.”