ĐỜI SỐNG

Chiêm ngưỡng tòa nhà 'đội nón lá' của Việt Nam đoạt giải kiến trúc quốc tế

Thúy Vy • 02-11-2022 • Lượt xem: 403
Chiêm ngưỡng tòa nhà 'đội nón lá' của Việt Nam đoạt giải kiến trúc quốc tế

Tại giải thưởng kiến trúc quốc tế Loop Design Awards 2022 tổ chức vào tháng 10 vừa qua, công trình mang tên The Kaleidoscope của Việt Nam đã giành chiến thắng ở hạng mục Kiến trúc - Văn phòng. 

Hàng năm, giải thưởng Loop Design Awards thu hút sự chú ý của đông đảo kiến trúc sư nổi tiếng khắp thế giới. Đây là giải thưởng quốc tế tôn vinh những tác phẩm, dự án xuất sắc nhất trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế nội thất và cảnh quan trên khắp thế giới. 

Tại Loop Design Awards 2021, công trình kiến trúc Viettel Offsite Studio của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã giành chiến thắng tại hạng mục Kiến trúc - Văn phòng. 

Năm nay, Loop Design Awards 2022 có 705 dự án tham dự đến từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban giám khảo của chương trình là những kiến trúc sư, nhà thiết kế, giáo sư và nhiếp ảnh gia uy tín đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Kiến trúc độc đáo lấy cảm hứng từ nón lá Việt Nam

Tọa lạc tại vùng đất Quảng Bình gió Lào khô nóng vào mùa hè và bão lũ hàng năm, các kiến ​​trúc sư thiết kế The Kaleidoscope (Kính vạn hoa) với mục tiêu tạo ra một không gian sống và làm việc an toàn, tránh được những tác động của khí hậu khắc nghiệt. Hơn nữa, nó còn làm tăng sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên thông qua kiến ​​trúc sống động.

Công trình Kính vạn hoa rộng 960m2, nằm trong khuôn viên khu công nghiệp Hòn La, tỉnh Quảng Bình, được xây dựng để làm văn phòng và nhà ở. Công trình lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc nón lá gắn liền với nét đặc trưng của người nông dân Việt Nam, với thiết kế phần mái hình chóp lớn tạo bóng mát cho toàn bộ công trình trong những ngày nắng nóng. Tòa nhà có vị trí nằm ở nơi giao nhau giữa đồi và biển, tạo nên nhiều khung cảnh thay đổi theo mọi hướng và thời gian trong ngày, đây cũng chính là hiệu ứng kính vạn hoa.

Phong cách thiết kế theo vùng miền lạ mắt

Tòa nhà The Kaleidoscope được chia thành 7 khối hình tam giác, bao gồm các không gian riêng tư và công cộng. Bên trong khối tam giác là các gian phòng chức năng khép kín như phòng ngủ và phòng làm việc riêng. Không gian giữa tòa nhà là văn phòng trung tâm và phòng khách. Ở tầng trệt phần lớn là không gian ngoài trời giúp thông gió tự nhiên và giảm thiểu ảnh hưởng của hơi ẩm trong đất. 

Theo kiến trúc sư phụ trách, tòa nhà không được xây dựng theo bất kỳ phong cách thiết kế cụ thể nào. Các thiết kế ở đây mới được tìm kiếm theo bối cảnh địa lý và văn hóa của khu vực này. Khu vực công năng sử dụng chính được đặt theo kết cấu sàn “lơ lửng” để giảm thiểu tác động của hơi ẩm trong đất.

Công trình có hai lớp mái, giữa hai lớp mái là hốc thông gió, có chức năng cách nhiệt khi trời nóng. Phần mái hiên được thiết kế nằm sâu bên trong, giúp những người sống và làm việc trong tòa nhà có thể mở cửa sổ ngay cả khi trời mưa. Mặt dưới của mái và sàn tầng 2 được làm bằng bê tông thô - vật liệu cơ bản thể hiện sự đơn giản trong thiết kế.

Các khối thông gió đục lỗ là một thiết kế khá phổ biến ở những vùng nhiệt đới, không chỉ giúp điều chỉnh các yếu tố về môi trường mà còn tạo ra những hiệu ứng ánh sáng ấn tượng.

Với vật liệu bê tông cốt sợi thủy tinh lớn, được đúc sẵn, các khối thông gió này được đặt và ốp thành các mảnh hình tam giác, mang lại sự riêng tư cho không gian nội thất bên trong.

Việc sử dụng bê tông cốt sợi thủy tinh cũng làm cho các khối thông gió đục lỗ mỏng hơn bê tông thông thường. Nó giúp làm giảm trọng lượng, dễ dàng vận chuyển và thi công. Các khoảng trống của chúng khi xếp chồng lên nhau tạo sự liên kết vững chắc cho toàn bộ bề mặt công trình. 

Các bức tường kiên cố được đặt vuông góc với mái giúp cả ngôi nhà được thông gió tự nhiên, đồng thời mở ra một cảnh quan thiên nhiên đa dạng bên ngoài. Một loạt những lát cắt hình chữ V tạo nên không gian hình tam giác hướng ra ngoài, đồng thời mở ra không gian làm việc chung rộng ở giữa để tổ chức các hoạt động tập thể. Cấu trúc này mang đến cho khu vực trung tâm nguồn ánh sáng tự nhiên dễ chịu.

Phòng ngủ của nhân viên có đầy đủ giường, tủ quần áo và toilet riêng. Không gian này được thiết kế với hai cửa sổ đặt ngay góc đối diện nhau, tạo thông gió xuyên suốt cho căn phòng. Các khối bê tông kết hợp với cửa kính mở ra khung cảnh nhìn ra bên ngoài từ không gian phòng ngủ. Những khối bê tông này giúp việc điều tiết lượng ánh sáng và tạo được sự gần gũi nhất định mà không cần đóng kín không gian bên trong.

Không gian có chiều cao gấp đôi các phòng khác được gọi là “phòng khánh tiết” với chức năng là phòng khách chung cho các nhân viên. Căn phòng này nằm hướng về phía không gian xanh bên ngoài. Toàn bộ không gian bên trong có tông màu đơn sắc, lấy bê tông làm màu chủ đạo tạo nên sự giản dị và lạ mắt cho công trình và góp phần tạo nên cuộc sống yên bình cho nơi này.

Phần mái ở trên được thiết kế với các lỗ thông hình tam giác, không chỉ cung cấp nguồn nước tự nhiên cho cây trồng bên trong mà còn tạo hiệu ứng các họa tiết thay đổi trên tường. Ngoài ra, ở 7 khối hình tam giác cũng có bồn cây trên mái, điểm thêm các mảng xanh cho toàn bộ mái nhà. Lớp đất dày của các bồn cây này như một lớp cách nhiệt khi môi trường nắng nóng.

The Kaleidoscope được hoàn thiện sau 3 năm bị đình trệ do Covid-19. Công trình này hoàn toàn sử dụng nguồn lao động địa phương.