Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, khí hậu thể hiện rõ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, Tân Hóa là ngôi làng duy nhất tại Việt Nam chính thức được vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất thế giới” bởi Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) tại Samarkand, Uzbekistan.
Xem thêm:
Đồng bằng sông Cửu Long: Viên ngọc quý hiếm của Việt Nam
Là ngôi làng duy nhất tại Việt Nam được vinh danh trong danh sách 260 ngôi làng đến từ 60 quốc gia khác nhau, Tân Hóa trực thuộc xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Trong cùng thời điểm đó, tại TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh Quảng Bình và Sở Du lịch tỉnh này đã tổ chức một buổi họp báo để cung cấp những thông tin về mùa giải 2023 cũng như sự kiện lần này.
Sở Du lịch Quảng Bình cũng cho biết thêm, là một trong những sáng kiến toàn cầu của UNWTO, giải thưởng Làng du lịch đẹp nhất thế giới (Best Tourism Villages – BTV) được trao tặng với mục đích nhằm giúp nêu bật những ngôi làng có giá trị về du lịch cần được bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có, cũng như các sản phẩm, lối sống dựa vào cộng đồng, nông thôn, từ đó góp phần thúc đẩy tính bền vững và sự đổi mới. Bên cạnh đó, sáng kiến còn được xem là một giải thưởng giúp công nhận những đóng góp của các ngôi làng về mặt du lịch vào các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Đại diện UBND xã Tân Hóa nhận danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới”.
Được biết, ẩn mình sau những dãy núi đá vôi, “vùng rốn lũ” Tân Hóa có diện tích tự nhiên khoảng 7.427,20 ha. Đặc biệt, nơi đây còn sở hữu một hệ thống hang động được hình thành và kiến tạo xuyên suốt hàng trăm triệu năm như: Hang con Chuột, hang Tú Làn, Hang Dơi, Hang Tụng,... Có thể nói, đây cũng là một trong những lợi thế to lớn về du lịch sinh thái và du lịch hang động mà người dân nơi đây có thể khai thác.
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, hệ thống hang động Tú Làn khoác lên mình một vẻ đẹp độc đáo và tráng lệ.
Bên cạnh các hệ thống hang động với một bề dày lịch sử, Tân Hóa còn sở hữu những cánh rừng với nhiều loại gỗ và dược liệu quý giá, trong đó, nổi bật nhất không thể không kể đến như dạ hương, lim, sến, gỗ mun, huệ, lát, kiền kiền, các loại tre nứa, song mây…, hà thủ ô, sa nhân, ngũ da bì, sâm trần, mật ong và một số loại cây thuốc nam khác.
Vẻ đẹp hoang sơ của vùng đất từng là nơi được biết đến với tên gọi “thung lũng đựng nước” tại Quảng Bình.
Một trong những hoạt động du lịch nổi bật nơi đây không thể không kể đến chuyến đi trải nghiệm xe địa hình ATV dọc theo khu vực bìa rừng lim. Có thể nói, dù quãng đường khám phá rừng lim không quá dài, tuy nhiên du khách sẽ được liên tục băng qua những đoạn đường dốc và những khúc cua quanh co không thấy lối đi phía trước. Song song với đó vẫn có những đoạn đường bằng phẳng để du khách kịp hít thở một hơi thật sâu, chiêm ngưỡng bầu không khí tươi mới nhưng không kém phần hoang sơ mà núi rừng mang đến.
Chuyến du lịch chỉ diễn ra ở phần rìa của khu rừng lim rộng lớn bởi lẽ bên cạnh tham quan và trải nghiệm, những tài nguyên được thiên nhiên ban tặng cũng cần được bảo vệ và gìn giữ cho những thế hệ mai sau.
Nằm ở phía Tây của dãy Hoành Sơn và được bao phủ bởi các dãy núi đá vôi trùng điệp, “thung lũng đựng nước” sở hữu một vị thế khá đặc biệt với những cấu tạo đặc trưng về mặt địa hình. Có lẽ vì vậy mà ở đây bốn mùa xuân, hạ, thu, đông được thể hiện một cách hết sức rõ rệt với khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều và rét đậm.
Sự khác biệt đặc trưng này cũng góp phần giúp được người dân nơi đây có nhiều lợi thế hơn về mặt nông nghiệp, cụ thể là phát triển đa dạng các loại cây trồng.
Dẫu vậy, người dân nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn bởi lẽ mỗi năm, ngôi làng phải trải qua một mùa lũ, thường diễn ra vào tháng 6-8 Âm lịch. Với hệ thống các hang động, nước lũ thường thoát ra bên ngoài khá chậm, từ đó gây ra nhiều khó khăn trong việc sản xuất cũng như phát triển kinh tế và đời sống sinh hoạt.
Được biết, ngôi làng Tân Hóa là khu vực sinh sống chủ yếu của người Nguồn, tên gọi cộng đồng dân tộc thuộc nhóm Việt - Mường. Theo lời kể được truyền từ thế hệ này sang thể hệ khác từ những người lớn tuổi và gia phả của các dòng họ trong làng, tổ tiên của người Nguồn đã di cư đến Tân Hóa và sinh sống tại đây từ khoảng 300 - 320 năm về trước.
Đặc biệt, người Nguồn còn sở hữu một hệ thống ngôn ngữ riêng cùng với những nét đặc trưng khác biệt về các giá trị văn hóa và nghệ thuật dân gian. Nhà ở của người Nguồn cũng đặc trưng với các cách làm nhà cột chôn, rường cánh, xà luột,...
Chính vì vậy, khi có dịp đến đây thăm thú, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quanh tươi đẹp nơi đây mà còn được trải nghiệm những nét văn hoá hết sức riêng biệt, đặc trưng bởi vùng đất này.
Du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động khám phá khi đến “Làng du lịch tốt nhất thế giới”.
Bắt đầu phát triển du lịch từ khoảng năm 2014, tính đến thời điểm hiện tại, sau khoảng thời gian 10 năm, tổng lượng khách du lịch đến đây tham quan đạt gần khoảng 63.000 lượt. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây nhất, con số này cũng có sự tăng trưởng mạnh khi tăng từ 4000 lên hơn 9000 lượt.
Sau khi vinh dự dành được giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất thế giới”, tin rằng trong khoảng thời gian tới đây, Tân Hóa sẽ ngày càng chào đón nhiều hơn những người khác du lịch yêu thiên nhiên, thích khám phá hang động và núi rừng.
Trong tương lai, “vùng rốn lũ” Tân Hóa cũng được dự đoán có thể tiến tới và phát triển mô hình hợp tác xã du lịch cộng đồng.